Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản
Chiều 28/8, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Ngày 12/8/2024, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các ĐBQH tập trung thảo luận về các nội dung như: Lập quy hoạch khoáng sản; Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản; Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cũng như một số nội dung liên quan khác.
Đề cập về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), đại biểu Đặng Bích Ngọc – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhất trí với phương án giữ nguyên quy định giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản như luật hiện hành vì lý do:
Một là, quy định như hiện hành đảm bảo phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về gắn kết chặt chẽ hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản. Phương án giao Bộ Công thương, Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản và có sự phân công tách biệt giữa khoáng sản nhóm I, nhóm II sẽ đảm bảo hạn chế tình trạng cục bộ, khép kín (một Bộ vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời cũng là cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản, như Phương án chỉ giao cho một Bộ).
Hai là, quy định này cũng đảm bảo được sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Hiện nay, chúng ta đã duy trì tính ổn định trong việc phân công trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các Bộ, địa phương. Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, vấn đề ở đây là việc phối hợp giữa các Bộ liên quan trong việc lập quy hoạch. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo và có những quy định rõ hơn để việc phối hợp được hiệu quả.
Ba là, bảo đảm gắn kết giữa công tác lập quy hoạch với việc tổng hợp thông tin, số liệu, đánh giá và xác định nhu cầu sử dụng nguyên liệu khoáng sản.
Đóng góp ý kiến vào việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản quy định tại Điều 63, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tán thành việc quy định các nội dung nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản đã được dự thảo luật nêu ra. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều trường hợp có những diễn biến thật sự gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là đối với các mỏ khai thác đá, xi măng, đất… Những mỏ khoáng sản này được khai thác bằng phương thức nổ mìn gây ra nhiều dư chấn làm rung chuyển nhà cửa, các công trình trong phạm vi nổ. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn…. trong quá trình khai thác vận chuyển khoáng sản gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân trong khu vực sinh sống.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, ở nhiều nơi, người dân cứ phải chịu đựng từ thế hệ này qua thế hệ khác và một số nơi đã phản ứng quyết liệt bằng cách tìm cách ngăn chặn vận chuyển/khai thác dẫn đến mất an ninh trật tự tại những mỏ khai thác khoáng sản. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, trong dự án Luật Địa chất và Khoáng sản (sửa đổi) cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn, giải quyết tận gốc vấn đề này và không để người dân trong khu vực bị ảnh hưởng khi tiến hành khai thác khoáng sản.
Xem xét lại một số quy định khi đề cập về khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản
Đóng góp ý kiến vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị bỏ khoản 5, Điều 29 trong dự án Luật Địa chất và Khoáng sản quy định về “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan”.
Lý do là vì, thứ nhất tại Khoản 1, Khoản 2 tại Điều 29 trong Dự án Luật Địa chất và khoáng sản quy định: Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã quy định cụ thể các yếu tố để khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Thứ hai, hiện nay trong quy hoạch của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đều có xác định cụ thể hiện trạng, quy hoạch khu vực đất đã xác định rõ khu vực đất cấm hoạt động khoáng sản).
Thứ ba, khi triển khai các hoạt động khoáng sản, các cơ quan chức năng đều tiến hành rà soát các tiêu chí cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản theo các tiêu chí, yếu tố quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 29 Dự thảo Luật.
Thứ tư, trong Quy hoạch các tỉnh thành (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đều đã có lớp dữ liệu khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản. Việc lại tiếp tục khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại nội dung trên là không cần thiết và nếu trường hợp có sai khác thì quyết định khoanh định vùng cấm, tạm cấm khoáng sản lại điều chỉnh quyết định phê duyệt Quy hoạch cấp tỉnh.
Nêu quan điểm về khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, đại biểu Sùng A Lềnh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị bổ sung, chỉnh sửa điểm b, khoản 2 Điều 29 của dự án Luật thành: “Bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đang được Nhà nước xem xét, công nhận hoặc phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản; di sản, di tích thuộc Danh mục kiểm kê đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Đại biểu Sùng A Lềnh đưa ra lý do của đề nghị trên là vì theo các quy định về di sản, di tích thuộc Danh mục kiểm kê đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được Nhà nước xem xét ưu tiên bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị, là cơ sở để xây dựng hồ sơ khoa học di tích đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Các ĐBQH đánh giá cao tinh thần làm việc, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, thẩm tra và các cơ quan liên quan, sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Dự án Luật Địa chất và khoáng sản sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 7 cơ bản đáp ứng được mục tiêu đã đề ra. Các ĐBQH phát biểu đều nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án Luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đây là những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết cần được nghiên cứu kỹ hơn để tiếp thu và giải trình thuyết phục.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến thảo luận và có báo cáo gửi đến các ĐBQH; đồng thời gửi đến các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH thảo luận và ý kiến của các Đoàn ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật theo đúng quy định để trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88852