Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân Sơn La
Chiều nay 15/11, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân tỉnh Sơn La năm 2022 về chủ đề 'Hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và bền vững'.
Dự hội nghị đối thoại có các đồng chí: Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Lưu Minh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh tham dự trực tiếp tại điểm cầu chính và 216 điểm cầu trực tuyến trong toàn tỉnh. Dự hội nghị có 3.582 nông dân tiêu biểu đại diện cho trên 170.000 nông dân trong tỉnh.
Hội nghị đối thoại là diễn đàn quan trọng, dân chủ để đại diện nông dân trong tỉnh, các HTX, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về thành tựu và những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh đề nghị, đối với các đại biểu là nông dân, doanh nghiệp, HTX tham gia đối thoại phát huy tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang nhận được sự quan tâm của nông dân và toàn xã hội. Đồng thời, hiến kế, tham góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững; phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh...
Đối với các sở, ngành, cơ quan có liên quan khi được nông dân nêu câu hỏi, kiến nghị, đề xuất cần nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến; trả lời đúng - trúng - thỏa đáng, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu; không qua loa, né tránh; đảm bảo đúng quy định đối với các ý kiến, kiến nghị.
Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân diễn ra 3 phiên: Phát triển nông nghiệp bền vững; liên kết chuỗi và chuyển đổi số trong nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp bền vững
Mở đầu cuộc đối thoại là câu hỏi của nông dân huyện Yên Châu với nội dung: Để phát triển nông nghiệp bền vững, cần phải có các giải pháp lâu dài để tăng giá trị của sản phẩm sản xuất nông nghiệp trong đó có quy hoạch phát triển đối với các cây trồng, vật nuôi, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, huyện gắn với xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đề nghị UBND tỉnh cho biết thực trạng và các giải pháp của tỉnh trong thời gian như thế nào ?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 250 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Nhiều mô hình doanh nghiệp, HTX liên kết với các hộ nông dân, HTX trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả. Để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Tăng cường liên kết 6 nhà với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu thông qua Chương trình thương hiệu quốc gia; đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh ở trong và ngoài nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ đảm bảo bền vững, ổn định trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử.
Trả lời ý kiến của đại diện huyện Mai Sơn với nội dung: Đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai thực hiện công nghệ phần mềm số hóa theo dõi số liệu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh để thuận lợi cho công tác dự báo tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền (theo dõi diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng, mã số vùng trồng, VietGAP. Ông Nguyễn Đắc Tĩnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm trong việc triển khai các nền tảng số, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tập trung chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, có giao các bộ, ngành, UBND các tỉnh nhiệm vụ triển khai, thực hiện thí điểm các nền tảng số. Việc xây dựng, triển khai và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp được giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương phối hợp triển khai hình thành cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng; giống cây trồng… hướng tới triển khai thí điểm, từng bước hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cho người dân. Khi nền tảng số được Bộ Nông nghiệp và PTNT hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, tỉnh Sơn La sẽ sớm chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai thực hiện....
Liên kết chuỗi và chuyển đổi số trong nông nghiệp
Tiếp nối phiên đối thoại, nông dân Phạm Văn Ba, Giám đốc HTX Mường Tấc, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên nêu câu hỏi: Trong thời gian qua, phát triển sản xuất nông nghiệp đã gắn với chế biến, liên kết thị trường tiêu thụ; thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh đã vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế. Song việc tiêu thụ một số sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP cũng còn có nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, UBND tỉnh có các giải pháp hiệu quả nào để tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, để sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP tham gia được các chuỗi kết nối cung cầu thị trường trong và ngoài nước, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, HTX.
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương, đã trả lời: Trên cơ sở phát huy các kết quả đã đạt được, Sở tiếp tục phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2023; trong đó tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản. Tiếp tục thực hiện công tác cung cấp thông tin, dự báo và phân tích thị trường tiêu thụ, xuất khẩu để kịp thời cung cấp cho các doanh nghiệp, HTX; tập trung kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân Sơn La ưu tiên dùng hàng Sơn La.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin thêm: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu lớn gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm; chú trọng phát triển thị trường nông sản, các kênh phân phối, đa dạng hóa thị trường. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình dự án để các sản phẩm nông sản của tỉnh vươn xa hơn...
Trả lời câu hỏi đang được nhiều nông dân quan tâm về giải pháp, chương trình, phương án cụ thể hỗ trợ cho nông dân áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, ông Nguyễn Đắc Tĩnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nói: Tại địa bàn các xã, phường, thị trấn đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng có trách nhiệm hỗ trợ người dân trên địa bàn sử dụng, ứng dụng các nền tảng số. Bên cạnh đó, Sở Công thương đang triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; triển khai thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các hộ sản xuất nông nghiệp, tập huấn đào tạo trực tiếp cho các HTX, quảng bá xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La trên sàn TMĐT. Sở Công Thương cũng đã phối hợp với VNPT Sơn La triển khai thí điểm sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La, đến nay đã cập nhật thông tin của 109 sản phẩm; 72 đơn vị sản xuất, kinh doanh lên sàn giao dịch...
Bổ sung nội dung này, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp, thông tin thêm: Ngành đang tiếp tục tham mưu cho tỉnh rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng nông thôn mới thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đầu tư, phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về các lĩnh vực (kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, du lịch, văn hóa, xã hội, môi trường…) đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình số hóa, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đại diện nông dân huyện Mộc Châu đặt câu hỏi: Hiện nay, rất nhiều lao động nông thôn ở địa phương bỏ làm nông nghiệp để đi làm thuê, làm công nhân ở các khu công nghiệp. Khi đến các bản có thể dễ nhận thấy đa số là người già và trẻ nhỏ. Với xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững, có trách nhiệm thì đòi hỏi phải có kiến thức công nghệ mà chỉ người trẻ mới có nhiều ưu thế nắm bắt. Vậy UBND tỉnh có những giải pháp nào để thu hút lượng lao động trẻ ở lại phát triển nông nghiệp, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ? Giải pháp nào để thúc đẩy, nâng cao năng lực cho người nông dân, đặc biệt nông dân dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ?
Nội dung câu hỏi này được đại diện Sở Lao động Thương binh và xã hội, trả lời: Thời gian qua, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức giảm nghèo; dứt điểm việc xóa đói và tiến đến xóa nghèo. Phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn, đa dạng hóa các loại hình, quy mô. Xây dựng các chính sách phúc lợi xã hội công bằng cho người dân nông thôn; hướng tới bình đẳng giới. Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính… Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị...
Tại hội nghị đối thoại, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời 15 câu hỏi của nông dân trong tỉnh. Các ý kiến, câu hỏi chưa trả lời trực tiếp sẽ được Hội Nông dân tỉnh tổng hợp, gửi đến các sở, ngành và xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh để có văn bản trả lời gửi đến nông dân.
Thay mặt lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự Hội nghị, đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao các câu hỏi của nông dân Sơn La. Những vấn đề mà đại biểu nông dân nêu ra được UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến; trả lời thẳng trọng tâm vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu, đảm bảo đúng quy định đối với các ý kiến, kiến nghị. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh Sơn La tiếp tục quan tâm, tạo thêm cơ chế, nguồn lực cho các tổ chức Hội và hội viên nông dân được tiếp tục đóng góp vào những thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh nhà, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đã đề ra.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các diễn đàn, các buổi gặp gỡ, hội nghị đối thoại, để nông dân có cơ hội giao lưu, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những đề xuất của mình; được định hướng, tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo thêm động lực, ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.
Đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của nông dân; rà soát các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh; từ đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, để các nghị quyết, cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Tiếp tục tham mưu các giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị trên một diện tích, khuyến khích nông dân đầu tư, phát triển.