Hội nghị lần thứ 15 các nước thành viên Công ước về Quyền của Người khuyết tật
Từ ngày 14-16/6 tại New York đã diễn ra Hội nghị lần thứ 15 các nước thành viên Công ước Quyền của Người Khuyết tật (CRPD) với chủ đề 'Xây dựng một xã hội bao trùm và tham gia cho người khuyết tật trong bối cảnh Covid-19 và tiếp theo'.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết Công ước Quyền của Người Khuyết tật là một trong những Công ước quốc tế được nhiều quốc gia phê chuẩn nhất và trong thời gian ngắn nhất với 182 thành viên. Tuy nhiên, việc thực hiện và bảo đảm quyền của người khuyết còn gặp nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh đại địch Covid-19.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác bao trùm để bảo đảm tốt hơn quyền của người khuyết tật, đồng thời đề nghị các nước nên tận dụng công nghệ để giúp đỡ người khuyết tất gia tăng kết nối số, nâng cao quyền năng về kinh tế cho người khuyết tật, thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của người khuyết tật trong các tiến trình hành động khí hậu, xây dựng xã hội tự cường.
Phát biểu về tình hình thực hiện Công ước Quyền của Người Khuyết tật, Tham tán Công sứ, Phó trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Thị Minh Thoa khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền và lợi ích của người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử và luôn lồng ghép vấn đề trong thể khuôn khổ phát triển của đất nước. Việt Nam luôn nỗ lực tạo môi trường thuận lợi để người khuyết tật không chỉ thụ hưởng các ích lợi mà còn được tạo cơ hội tham gia quá trình quyết sách và đóng góp cho sự phát triển xã hội.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Quyền của Người Khuyết tật và Công ước Tổ chức Lao động Quốc tế số 159 về việc làm và đào tạo nghề cho người khuyết tật là sự khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm người lao động không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình quốc gia về người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Nhờ đó, hàng triệu người khuyết tật trong đó có trẻ em khuyết tật được chăm sóc tại các sở bảo trợ xã hội; 100% người khuyết tật đặc biệt được bảo hiểm y tế, đã có 20 trung tâm giáo dục hỗ trợ hòa nhập, 107 trung tâm giáo dục đặc biệt cho trẻ em khuyết tật, 256 cơ sở đào tạo cho người khuyết tật và 400 doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ.
Nhân dịp này, đại diện Việt Nam khẳng định cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo đảm một tương lai công bằng, bao trùm và bền vững cho tất cả mọi người, không để ai bỏ lại phía sau.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đã có các phiên thảo luận chuyên đề về đổi mới và công nghệ thúc đẩy quyền của người khuyết tật; trao quyền kinh tế và khởi nghiệp cho người khuyết tật; sự tham gia của người khuyết tật trong hành động với khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khả năng chống chịu với thiên tai./.