Hội nghị mùa Thu IMF-WB kêu gọi tài trợ chống biến đổi khí hậu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã hối thúc các quốc gia thành viên tăng cường năng lực nhằm hỗ trợ các nước nghèo hơn chống lại đói nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lời kêu gọi trên được đưa ra ngày 13/10 tại phiên toàn thể Hội nghị thường niên mùa Thu của IMF và WB diễn ra ở Marrakech (Maroc) - cuộc họp đầu tiên của hai tổ chức tài chính này tại châu Phi kể từ năm 1973.
Trong phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch WB Ajay Banga nhấn mạnh: “Chúng ta đang chứng kiến những bước tiến ngày càng chậm chạp hơn trong cuộc chiến chống đói nghèo. Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu hiện hữu, tình trạng mất an ninh lương thực, sự phục hồi mong manh sau đại dịch COVID-19 và tất cả chúng ta đều đang cảm nhận được tác động của xung đột vượt ra ngoài các đường biên giới".
Theo Chủ tịch Banga, thế giới đang phải đối diện "một cơn bão hoàn hảo, khi những thách thức đan xen và sự phức tạp về địa chính trị đang cùng nhau làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng". Quan chức này cũng cảnh báo về "sự ngờ vực ngày càng gia tăng" giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Ông nhấn mạnh: “Sự thất vọng của khu vực Nam bán cầu (Global South - gọi chung cho các nước đang phát triển ở Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á) là điều dễ hiểu. Theo nhiều cách, những nước này đang phải trả giá cho sự thịnh vượng của những nước khác”.
Đề cập tới những nỗ lực thúc đẩy cải cách tại WB, ông Banga cho biết: “Ngày nay, WB có một tầm nhìn và sứ mệnh mới, đó là tạo ra một thế giới không còn đói nghèo trên một hành tinh đáng sống. Nhưng thời gian là yếu tố cốt lõi".
Thông qua những thay đổi trong bảng cân đối tài chính và đóng góp của các thành viên, Chủ tịch WB cho biết ngân hàng này có thể gia tăng năng lực cho vay thêm hơn 150 tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng điều này là chưa đủ, đồng thời kêu gọi các thành viên tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội Phát triển Quốc tế của WB - một tổ chức cung cấp các khoản vay lãi suất bằng 0 và lãi suất thấp cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang vượt quá giới hạn của nguồn tài nguyên ưu đãi rất quan trọng này và không có kỹ thuật tài chính sáng tạo nào có thể bù đắp được thực tế là chúng ta chỉ cần thêm kinh phí. Điều này thúc đẩy mỗi chúng ta thực hiện đợt bổ sung vốn vay ưu đãi (IDA) tiếp theo với quy mô lớn nhất mọi thời đại”.
Theo quy định, các nhà tài trợ sẽ nhóm họp 3 năm/lần để thảo luận tăng cường nguồn lực IDA. Trong năm 2021, WB đã phê duyệt gói tài chính trị giá 93 tỷ USD cho các tài khóa 2022-2025.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva lưu ý rằng nền kinh tế toàn cầu đang chững lại trong bối cảnh “hơn 50% số quốc gia có thu nhập thấp vẫn ở trong hoặc có nguy cơ cao về nợ nần”. Bà nêu rõ IMF cần được củng cố "khẩn cấp" bằng cách tăng nguồn lực theo hạn ngạch - số tiền mà các thành viên đóng góp cho quỹ tùy thuộc quy mô nền kinh tế của họ.
Theo Tổng Giám đốc Georgieva, IMF cũng cần tăng khả năng cung cấp các khoản vay không lãi suất cho các thành viên nghèo nhất./.