Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3
Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; 26 tỉnh, thành phố.
Dự tại điểm cầu Cao Bằng có các đồng chí: Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Theo báo cáo, bão số 3 (Yagi) là cơn bão rất mạnh, dị thường, có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Tính đến ngày 27/9, ảnh hưởng của cơn bão và hoàn lưu sau bão đã khiến cho 344 người chết, mất tích; 1.976 người bị thương; 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập; 284.472 ha lúa, 61.114 ha hoa màu, 39.188 ha cây ăn quả, 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 35.029 ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết. Nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc, sạt lở; thông tin liên lạc bị hư hại, gián đạn; nhiều cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục, đê điều, thủy lợi bị hư hỏng… Ước tính thiệt hại 81.503 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm, động viên các gia đình bị thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 công điện, theo dõi sát tình hình kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ ngay từ sớm, từ xa với phương châm chỉ đạo là "chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất". Quyết định trích 350 tỷ đồng dự phòng ngân sách Trung ương, xuất cấp 432,585 tấn gạo từ dự trữ quốc gia để các địa phương, cơ quan thực hiện chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói. Nhiều đoàn công tác của Trung ương, các địa phương, tổ chức, cá nhân hỗ trợ hiện vật, tiền mặt trị giá 432,980 tỷ đồng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khôi phục nhà ở; chỉ đạo khôi phục sản xuất nông nghiệp, tái định cư cho nhân dân vùng bị thiệt hại; huy động hơn 20.000 lượt cán bộ khuyến nông xuống địa bàn, đến từng hộ dân bị ảnh hưởng để trực tiếp hướng dẫn khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất theo tinh thần “nước rút đến đâu, khôi phục sản xuất đến đó”… Qua đó, hạn chế tối đa thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ. Nếu không có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 và mưa lũ sẽ còn lớn hơn nữa.
Tại Cao Bằng, ảnh hưởng mưa lớn diện rộng, kéo dài, mưa to và rất to, xuất hiện lũ lớn trên các sông, suối gây ngập lụt một số khu vực dân cư tại các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Hòa An và Thành phố; sạt lở đất, đá xảy ra toàn bộ các khu vực huyện, Thành phố trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng, đặc biệt sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại huyện Nguyên Bình.
Thiên tai khiến 55 người chết, 19 người bị thương, 2 người mất tích; 2.290 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng; 796 nhà có nguy cơ sạt lở phải di dời; thiệt hại 2.252,4 ha nông nghiệp; 17,5 ha thủy sản; 3.291 con gia súc, gia cầm bị chết do sạt lở, cuốn trôi. Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến giao thông nông thôn bị sạt lở, ngập nước; 67 công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở vùi lấp, đổ gẫy; 49 điểm trường, 5 cơ sở y tế, 6 công trình văn hóa bị hư hỏng… Ước tính thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Ngay sau khi thiên tai xảy ra, tỉnh đã nhanh chóng triển khai công tác, ứng phó và khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 3 theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức bố trí ổn định sinh hoạt tạm thời cho các hộ gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn, các hộ phải sơ tán; cấp phát các nguồn cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kịp thời đến người dân bị thiệt hại.
Hiện nay, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nông thôn (thuộc huyện quản lý) đang tiếp tục thực hiện đảm bảo giao thông bước 1, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân; các cơ sở giáo dục, y tế đã hoạt động trở lại bình thường. Bố trí lắp dựng nhà bạt để di dời các hộ dân có nhà bị thiệt hại; vận động sơ tán người dân trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất chủ động di dời đến các nhà văn hóa xóm, nhà người thân. Khởi công xây dựng 2 khu tái định cư, dự kiến bàn giao vào ngày 30/10; đến ngày 31/12, tất cả người dân mất nhà ở phải có nhà. Kịp thời triển khai công tác huy động, hỗ trợ, cứu trợ đảm bảo ổn định sinh hoạt, đời sống người dân vùng bị thiên tai… Tuy nhiên, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh rất lớn (gần 1.000 tỷ đồng, bằng số thu ngân sách một năm của tỉnh); công tác triển khai phục hồi tái thiết sản xuất, ổn định dân cư, khắc phục sửa chữa các công trình hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh kiến nghị: Thủ tướng xem xét điều chỉnh về diện tích Quy hoạch Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 11/1/2018 về việc thành lập Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, do hiện nay có 781,39 ha diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư của nhân dân chồng lấn với diện tích quy hoạch Vườn Quốc gia; chỉ đạo, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan, chức năng địa phương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn bộ khu vực sạt lở, sụt lún, đặc biệt là các vị trí trọng yếu tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo để tỉnh có phương án đề xuất khắc phục, sửa chữa đảm bảo an toàn và kịp thời phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Xem xét, sớm bố trí kinh phí hỗ trợ cho tỉnh khắc phục thiệt hại của hoàn lưu bão số 3; xem xét, giao nhiệm vụ xây dựng chính sách hỗ trợ cho việc cải tạo, khôi phục diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, xói lở do thiên tai không thể canh tác được. Sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh vì các mức hỗ trợ theo Nghị định số 02 không còn phù hợp với thực tế.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương bám sát và thực hiện tốt nội dung Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ. Trong đó, lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Tài chính đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương. Tiếp tục rà soát khắc phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, thủy lợi; hoàn thiện thể chế, các nghị định, thông tư về hỗ trợ khắc phục do bão lũ gây ra; quan tâm hỗ trợ các gia đình bị mất nhà cửa phải xây dựng lại. Nhiệm vụ này phải được hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024 theo quan điểm “3 cứng” (mái cứng, nền cứng, vách cứng).
Các ngành, địa phương khẩn trương khắc phục ngay các cơ sở trường học, trạm xá, bệnh viện bị hư hỏng. Rà soát, thực hiện hiệu quả các chính sách đối với các đối tượng bị tác động. Riêng việc xây dựng lại cầu Phong Châu (Phú Thọ), yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp xây dựng xong trong năm 2025. Kịp thời khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đặc biệt, coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao kỹ năng phòng chống, thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó với bão lũ, sạt lở; đề xuất quản lý Nhà nước, rà soát đánh giá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về đánh giá tình hình thiên tai; quyết liệt lựa chọn phương án tốt nhất có thể để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai.
Với tinh thần “tất cả vì nhân dân, tất cả vì sự phát triển đất nước” Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, với mục tiêu cao nhất, bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; học sinh phải được đến trường; không để người bệnh thiếu nơi cứu chữa; đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân; tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát…