Hội nghị thượng đỉnh BRICS: Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ vai trò chủ nhà Nga, tương thích kế hoạch của Bắc Kinh; Brazil có quyết định bất ngờ?

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 diễn ra từ 22-24/10, được các quốc gia thành viên kỳ vọng sẽ củng cố sự thống nhất giữa các thị trường mới nổi và các nước Nam Bán cầu, cũng như sự ủng hộ lớn hơn của họ đối với chủ nghĩa đa phương và mang lại tính ổn định hơn cho toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS: Trung Quốc ủng hộ vai trò chủ nhà Nga, kỳ vọng một hành trình mới; Brazil có quyết định bất ngờ? (Nguồn: tvbrics)

Hội nghị thượng đỉnh BRICS: Trung Quốc ủng hộ vai trò chủ nhà Nga, kỳ vọng một hành trình mới; Brazil có quyết định bất ngờ? (Nguồn: tvbrics)

Hôm nay (22/10), Hội nghị thượng đỉnh Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) chính thức khai mạc tại Kazan, miền Trung nước Nga. Các nhà lãnh đạo BRICS chủ chốt, gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang trên đường đến tham dự cuộc họp. Riêng Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva bất ngờ hủy kế hoạch đến Nga ngay trước thềm sự kiện.

Hội nghị BRICS năm nay trở nên rất đặc biệt, bởi đây là lần cuộc hội họp đầu tiên của nhóm này sau sự kiện mở rộng lịch sử hồi đầu năm.

Trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên đường tham dự sự kiện quan trọng hàng đầu của nhóm, các quan chức nước này nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh rất coi trọng Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan và hoàn toàn ủng hộ vai trò chủ nhà Nga.

Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui trong một cuộc phỏng vấn gần đây nhận định, hợp tác BRICS mở rộng (BRICS++) sẽ đóng góp nhiều hơn vào việc cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu trong một trật tự mới.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên BRICS khác để xây dựng quan hệ đối tác toàn diện hơn, chặt chẽ hơn, thiết thực hơn, cùng nhau bắt đầu một hành trình mới cho BRICS", ông nói.

Với sự mở rộng mới nhất, BRICS chiếm khoảng 30% diện tích đất liền của thế giới, 45% dân số thế giới và 20% thương mại toàn cầu. Các nhà quan sát lưu ý rằng, với những thế mạnh của mình, nhóm này đã bước vào kỷ nguyên mới của sự hợp tác BRICS rộng lớn hơn.

Giới quan sát cũng nhận định, không chỉ có "mặt nổi", mà đằng sau sự kiện đình đám này là sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi, sự sôi động của các nước đang phát triển nói chung và thực tế là Nam bán cầu đã chiếm hơn 40% nền kinh tế toàn cầu.

"Chúng ta có thể cùng phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng mới, trong nhiều lĩnh vực như tài chính, AI, năng lượng và khoáng sản, để thúc đẩy sự hợp tác BRICS lớn hơn, tạo nên những sự khởi đầu tốt đẹp", Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao BRICS, ngày 26/9 tại New York.

Trên thực tế, trong 3 quý đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các nước BRICS khác đạt tổng cộng 4,62 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 649,66 tỷ USD), tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

"Cơ chế hợp tác BRICS là một trong những nền tảng chính cho sự tham gia của Trung Quốc vào quản trị toàn cầu", chuyên gia Ren Lin, Trưởng khoa Quản trị toàn cầu tại Viện Kinh tế và chính trị thế giới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định.

Cụ thể hơn, theo vị chuyên gia này, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt sáng kiến có tầm ảnh hưởng lớn, như Sáng kiến phát triển toàn cầu, Sáng kiến an ninh toàn cầu và Sáng kiến văn minh toàn cầu, tương thích với nội dung phát triển hợp tác trong BRICS và sẽ đưa hợp tác thực dụng BRICS lên một tầm cao mới.

Đề cập sự hợp tác rộng hơn và chặt chẽ hơn của BRICS, chuyên gia Ren Lin cho biết, điều này đã "nâng cao khả năng của các nước thị trường mới nổi và các nước đang phát triển trong việc đối phó với các rủi ro bên ngoài và thúc đẩy hợp tác thực dụng giữa các nước Nam Bán cầu".

Trước hiện tượng những tháng gần đây, nhiều quốc gia như Thái Lan và Malaysia, bày tỏ ý định gia nhập BRICS, ông Jiang Tianjiao, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu BRICS, Viện phát triển Fudan ở Thượng Hải, cho biết, xu hướng này phản ánh rằng - những ý tưởng như "tách rời", chiến tranh ủy nhiệm và chủ nghĩa bảo hộ không được ưa chuộng trên toàn thế giới.

"Với tinh thần cởi mở, bao trùm, hợp tác và các bên cùng có lợi, BRICS sẽ có thể được công nhận rộng rãi hơn trên toàn cầu", vị chuyên gia hàng đầu của Viện phát triển Fudan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Ai Cập-Trung Quốc, cựu Đại sứ Ai Cập tại Trung Quốc -Magdy Amer đánh giá, các thị trường mới nổi hiện đang đóng vai trò quan trọng hơn trong trật tự thế giới và hợp tác BRICS++, cũng như hợp tác của BRICS với các quốc gia ngoài nhóm, chủ yếu là các nước đang phát triển - có tiềm năng rất lớn.

Ông Magdy Amer cũng cho biết thêm, tại một diễn đàn về hợp tác BRICS trong quản trị và văn hóa vào tháng trước tại Moscow, hợp tác BRICS++ cũng đã tạo cơ hội cho các thị trường mới nổi đạt được sự đồng thuận về các vấn đề toàn cầu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng chung trong nền kinh tế của họ.

Về phía Nga, Nhà phân tích chính trị Nga Konstantin Kalachev cho biết, qua Hội nghị lần này, Điện Kremlin muốn thể hiện "một giải pháp thay thế cho áp lực của phương Tây và một thế giới đa cực là hiện thực".

"Những gì BRICS đang làm là từng bước - từng bước một - xây dựng một cây cầu hướng tới một trật tự thế giới dân chủ và công bằng hơn", trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết.

Tuy nhiên, trước thềm Hội nghị đặc biệt này chỉ ít ngày, thông tin nhà lãnh đạo cấp cao Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hủy kế hoạch đến Nga dự Hội nghị thượng đỉnh đã gây bất ngờ, bởi cùng với Trung Quốc và Nga, Brazil cũng là một trong năm thành viên sáng lập và là trụ cột chính của BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).

Dù đã có thông báo rõ ràng về lý do sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Brazil, nhưng vẫn có những đồn đoán xoay quanh "lý do thực sự" của việc Tổng thống Lula da Silva hủy chuyến đến Nga. Do trước đó, tại cuộc gặp với người đứng đầu truyền thông các nước BRICS, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) 18-19/11 ở quốc gia Nam Mỹ theo lời mời của Brasilia.

Vậy liệu có phải Brazil đã có quyết định gì đó bất ngờ trong việc tham gia và tiếp tục đóng góp cho BRICS?... Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Brazil và Văn phòng Tổng thống nước này, Ngoại trưởng Mauro Vieira sẽ thay mặt Tổng thống dẫn đầu phái đoàn cấp cao dự sự kiện. Tổng thống Lula da Silva sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga trực tuyến từ Brasilia.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người sẽ bước sang tuổi 79 vào ngày 27/10, đã phải nhập viện tại Brasilia sau khi bị bầm tím, xuất huyết ở đầu, trong một vụ tai nạn tại nhà vào cuối tuần trước.

"Tổng thống Lula da Silva sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS" do lời khuyên y tế là tránh các chuyến bay đường dài nhưng có thể thực hiện các hoạt động khác", Văn phòng Tổng thống cho biết trong một thông cáo. Năm ngoái, ông Lula da Silva cũng đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật hông.

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga từ ngày 23-24/10.

(theo Chinadaily, arynews)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-brics-trung-quoc-hoan-toan-ung-ho-vai-tro-chu-nha-nga-tuong-thich-ke-hoach-cua-bac-kinh-brazil-co-quyet-dinh-bat-ngo-290956.html