Hội nghị thượng đỉnh COP28: Tương lai của nhiên liệu hóa thạch là trung tâm tại các cuộc đàm phán về khí hậu

Các đại biểu từ gần 200 quốc gia sẽ triệu tập trong tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 tại Dubai, nơi chủ trì hội nghị và thành viên OPEC UAE hy vọng sẽ truyền tải được tầm nhìn về một tương lai ít carbon, trong đó không trốn tránh nhiên liệu hóa thạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Câu chuyện đó, cũng được các quốc gia khai thác dầu lớn khác ủng hộ, nhưng nó sẽ bộc lộ sự chia rẽ quốc tế tại hội nghị thượng đỉnh về cách chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Các quốc gia đang bị chia rẽ về việc nên ưu tiên loại bỏ than, dầu khí hay mở rộng quy mô các công nghệ như thu hồi carbon, để cố gắng giảm thiểu tác động đến khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên Hợp Quốc từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 12 tháng 12 diễn ra, khi thế giới chuẩn bị phá vỡ một kỷ lục khác về năm nóng nhất –năm 2023, và khi các báo cáo xác nhận cam kết về khí hậu của các quốc gia không đủ để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Một trong những quyết định mà các quốc gia phải đưa ra tại thành phố công nghệ cao Dubai, đó là liệu họ có đồng ý để "loại bỏ" dần dần việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, và thay thế chúng bằng các nguồn bao gồm năng lượng mặt trời và gió hay không.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cơ quan giám sát năng lượng của phương Tây, đã đưa ra một báo cáo trước hội nghị này để xác định quan điểm của mình.

Họ gọi ý tưởng thu giữ carbon trên diện rộng, để ngăn chặn lượng khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là chuyện hết sức ảo tưởng, và cho biết ngành nhiên liệu hóa thạch phải quyết định giữa việc làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng khí hậu hay chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.

Đáp lại, OPEC cáo buộc IEA phỉ báng các nhà khai thác dầu.

Phát thải khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu.

Người dầu khí làm chủ trì

Các lập luận ủng hộ và phản đối việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch tập trung vào chủ tịch sắp tới của COP, Sultan al-Jaber.

Vị trí Giám đốc điều hành công ty dầu khí quốc gia ADNOC của UAE đã gây lo ngại cho các nhà vận động, một số thành viên Quốc hội Mỹ và các nhà lập pháp EU về việc liệu ông có thể trở thành nhà môi giới khách quan cho một thỏa thuận khí hậu hay không.

Ông Jaber đã kịch liệt phủ nhận một báo cáo từ BBC và Trung tâm Báo cáo Khí hậu (CCR) cho rằng ông dự định thảo luận về khí đốt tiềm năng và các thỏa thuận thương mại khác với hơn chục chính phủ trước hội nghị thượng đỉnh.

Ông Jaber nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư 29/11: “Những cáo buộc này là sai, không đúng, không chính xác. Và đó là một nỗ lực nhằm làm suy yếu công việc của chủ tịch COP28".

Ông Jaber cho biết việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch là "không thể tránh khỏi" , nhưng ngành này cũng cần được đưa vào cuộc tranh luận về việc tìm kiếm giải pháp khí hậu, do đó ông tự cho mình là người lý tưởng để hòa giải.

Tuy nhiên, các nhà vận động khí hậu vẫn cảm thấy không yên tâm.

Ani Dasgupta, chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới, một tổ chức phi chính phủ về khí hậu, cho biết: “Chúng ta có một thế giới có nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn bao giờ hết. Điều chúng ta nên tìm kiếm là một cam kết thực sự giảm nhiên liệu hóa thạch.”

Ông Jaber cho biết ông đã vận động được sự ủng hộ từ các công ty đối với các cam kết COP28, nhằm giảm lượng khí thải từ các hoạt động dầu khí.

Nhiều đại diện của ngành sẽ có mặt tại Dubai, khi sự kiện quy tụ 70.000 người tham dự năm nay.

Các nhà tổ chức cho biết số lượng người tham dự kỷ lục này chủ yếu là đơn vị doanh nghiệp, tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu nào của Liên hợp quốc cũng vậy.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Vua Charles của Anh cũng sẽ tham dự, mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự.

Đánh giá

Ngoài những vị khách nổi tiếng, nhiệm vụ chính của các phái đoàn quốc gia tại COP28 sẽ là đánh giá xem thế giới còn cách xa mục tiêu đặt ra ở Paris vào năm 2015 là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C (3,6 độ F), đồng thời hướng tới mức trần 1,5C.

Quá trình này, được gọi là kiểm kê toàn cầu, sẽ hình thành kế hoạch cấp cao cho các quốc gia để biết họ cần làm gì.

Khi đó các chính phủ sẽ phải biến kế hoạch toàn cầu đó thành các chính sách, mục tiêu quốc gia để trình lên Liên hợp quốc vào năm 2025.

Trước khi diễn ra hội nghị, Liên minh Châu Âu, Mỹ và UAE đã cùng ủng hộ thỏa thuận tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo toàn cầu được lắp đặt vào năm 2030. Hơn 100 quốc gia đã ủng hộ thỏa thuận này, các quan chức nói với Reuters, nhưng các quốc gia bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ thì không.

Các quan chức Mỹ và những người khác đang hy vọng một thỏa thuận về khí hậu được nhất trí hồi đầu tháng này, giữa hai nước phát thải lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, cũng có thể tạo ra một giai điệu tích cực cho các cuộc đàm phán tại hộ nghị.

Hai nước này đã nhất trí tăng cường năng lượng tái tạo và "đẩy nhanh việc thay thế than, dầu và khí đốt".

Quỹ khí hậu

Một nhiệm vụ khác của hội nghị là ra mắt quỹ thiệt hại khí hậu đầu tiên trên thế giới, để giúp đỡ các quốc gia đã phải chịu thiệt hại không thể khắc phục do tác động của biến đổi khí hậu, như hạn hán, lũ lụt và mực nước biển dâng cao.

Đại diện từ các nước phát triển và đang phát triển đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về bản thảo của nó, nhưng tất cả các nước tại COP28 cần phải phê duyệt để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Ông Gayane Gabrielyan, nhà đàm phán của Armenia về quỹ này, nói với Reuters rằng điều quan trọng là thỏa thuận quỹ "tổn thất và thiệt hại" phải được thông qua ngay bây giờ, trước cuộc bầu cử vào năm tới ở các quốc gia, chẳng hạn như Mỹ, có thể phá vỡ sự đồng thuận về mặt chính trị.

Một thử nghiệm khác là liệu các quốc gia giàu có ủng hộ để khởi động quỹ tại COP28 hay không. Liên minh châu Âu và Mỹ đã cho biết họ sẽ đóng góp và đang gây áp lực buộc các nước như Trung Quốc và UAE phải làm theo.

Ông Najib Ahmed, Cố vấn quốc gia tại Bộ Khí hậu Somalia, cho biết: “Nói từ kinh nghiệm trước đây, thật không may là hầu hết các thỏa thuận toàn cầu, hầu hết các cam kết liên quan đến khí hậu toàn cầu đều chưa được hoàn thành”.

"Nhưng một lần nữa, chúng ta không thể mất hy vọng."

Yến Anh

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-cop28-tuong-lai-cua-nhien-lieu-hoa-thach-la-trung-tam-tai-cac-cuoc-dam-phan-ve-khi-hau-700693.html