Hội nghị Thượng đỉnh G-20 làm nổi bật các biện pháp phục hồi kinh tế thế giới
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) lần thứ 17 trên đảo du lịch Bali của Indonesia đã kết thúc bằng việc ra Tuyên bố của các nhà lãnh đạo, trong đó nhấn mạnh các nỗ lực chung và biện pháp phục hồi của thế giới trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Kiểm soát đà tăng lãi suất nhằm tránh các tác động tiêu cực
Đây là cuộc gặp lớn nhất của các nhà lãnh đạo G20 kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Indonesia, với tư cách là quốc gia chủ nhà, đã đặt ra một chương trình nghị sự tập trung vào việc phục hồi kinh tế sau đại dịch, các giải pháp y tế toàn cầu và năng lượng bền vững.
Tăng trưởng toàn cầu và triển vọng toàn cầu hóa được quan tâm đặc biệt tại Hội nghị Bali lần này bởi kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Cuộc xung đột Nga - Ukraine không chỉ gây ra bất ổn địa chính trị nghiêm trọng mà còn làm tăng lạm phát toàn cầu, do nguồn cung bị tắc nghẽn và một loạt mặt hàng bị hạn chế. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây tiếp tục gây tranh cãi. Lạm phát cao kéo dài, ở mức cao lịch sử tại một số quốc gia, đã làm suy giảm sức mua ở các quốc gia này, kéo theo đó là giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Để đối phó với tình trạng lạm phát cao, các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia đã tăng lãi suất, điều này làm suy giảm hoạt động kinh tế hơn nữa. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang phải vật lộn với những rạn nứt địa chính trị như căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hay sự suy giảm thương mại giữa Anh và khu vực đồng euro sau quyết định Brexit.
Hệ quả là một số nền kinh tế lớn như Mỹ và Anh phải đối mặt với nguy cơ suy thoái. Những nước khác, chẳng hạn như những nước trong khu vực đồng euro, có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí là chững hẳn lại. Trung Quốc, một trong những động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu, đang chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng khi nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản. Theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023 sẽ là một năm tồi tệ đối với nền kinh tế toàn cầu, với khoảng 1/3 các quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Chiếm gần 2/3 dân số toàn cầu, 85% sản lượng kinh tế thế giới và 75% thương mại thế giới, có thể nói 20 thành viên của G-20 đóng vai trò quyết định với triển vọng kinh tế thế giới. Dưới khẩu hiệu “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, trong 2 ngày họp ở Bali, G-20 đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế thế giới. Thay vì chủ yếu tập trung vào khắc phục hậu quả từ đại dịch Covid-19, G-20 nhất trí tập trung kiểm soát đà tăng lãi suất nhằm tránh các tác động tiêu cực toàn cầu. Từ nhận định khủng hoảng Ukraine cùng các gói chi tiêu khổng lồ thời đại dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao, các thành viên G-20 nhất trí rằng các biện pháp kích thích tài chính tiếp theo chỉ nên “tạm thời và có mục tiêu”.
Đặc biệt, G-20 quan tâm và cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển, nhất là các quốc đảo nhỏ và kém phát triển, ứng phó với các thách thức toàn cầu và đạt các mục tiêu phát triển bền vững. Với mục tiêu đó, G-20 ủng hộ và thúc đẩy Quỹ tín thác về khả năng phục hồi và bền vững do IMF thành lập với tổng trị giá 81,6 tỷ USD, một công cụ mới để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình ứng phó những thách thức dài hạn. Trong bối cảnh các thể chế tài chính cảnh báo về một “gánh nợ khổng lồ” đè nặng lên vai các nước, nhất là các nước nghèo, việc thành lập các quỹ khẩn cấp giúp các quốc gia đang đối mặt những khó khăn chồng chất được coi là hành động kịp thời. Nhiều quốc gia khó khăn sẽ được vay với lãi suất thấp và thời gian trả nợ dài (thời gian đáo hạn 20 năm và thời gian ân hạn nợ gốc 10 năm rưỡi). Trong những tháng tới, Ban điều hành IMF sẽ xem xét các đơn xin vay vốn từ công cụ này.
Thành lập quỹ phòng chống đại dịch trị giá 1,5 tỷ USD
Để triển vọng toàn cầu được cải thiện, các nước G-20 đều thống nhất rằng cần có hòa bình. Chính vì thế, cuộc xung đột Nga - Ukraine là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều tại Hội nghị Bali lần này.
Trước đó, hồi đầu năm, các hội nghị bộ trưởng G-20 chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đều không ra được tuyên bố chung do không thống nhất được việc đề cập tới chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh Bali, G-20 đã nhất trí được tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh xung đột ở Ukraine đang gây đau khổ cho con người, khiến nền kinh tế toàn cầu càng thêm mong manh, kìm hãm tăng trưởng, gia tăng lạm phát, phá vỡ chuỗi cung ứng, làm gia tăng tình trạng mất an ninh năng lượng và lương thực cũng như tăng rủi ro về ổn định tài chính, đồng thời mong muốn có hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế được tôn trọng.
Có được kết quả này, theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh, tất cả đã thể hiện “sự linh hoạt”. Tuyên bố chung khẳng định hầu hết các thành viên lên án cuộc chiến ở Ukraine nhưng cũng thừa nhận vẫn “có những quan điểm và đánh giá khác biệt về tình hình Ukraine cũng như biện pháp trừng phạt”.
Thêm vào đó là vai trò trung gian tích cực của nước chủ nhà Indonesia. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây nói rằng họ không muốn xuất hiện trong cùng một hội nghị với Nga. Dù vậy, với một lịch sử về lập trường không liên kết địa chính trị và có vị trí địa lý gần gũi so với phần còn lại của Nam bán cầu, Indonesia đã từ chối các lời kêu gọi tẩy chay Nga. Dù chỉ trích chiến tranh nhưng giống như nhiều quốc gia đang phát triển, Indonesia không chia sẻ góc nhìn của phương Tây và liên tục kêu gọi một giải pháp đàm phán tính đến sự thỏa hiệp của cả 2 bên. Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch G20 năm 2022, đã tìm cách có được sự thỏa hiệp bằng cách mời Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky dự hội nghị Bali, dù Ukraine không phải là thành viên của G-20.
“Sự linh hoạt” của các bên tại Hội nghị Bali đã có tác động tích cực đến những vấn đề mà hội nghị bàn thảo, trong đó có an ninh lương thực. Chỉ một ngày sau khi hội nghị kết thúc, Nga đã xác nhận gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen thêm 120 ngày, bắt đầu từ ngày 18-11, mà không có bất kỳ thay đổi nào so với thỏa thuận hiện hành. Trong bối cảnh khoảng 50 triệu người đang đứng trước bờ vực của nạn đói, thỏa thuận được gia hạn sẽ đưa hàng triệu tấn ngũ cốc của Nga và Ukraine, hai nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đến với các nước thiếu đói, đặc biệt là ở châu Phi. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng hoan nghênh việc thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen được gia hạn, nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận đã giúp thế giới “tránh được một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu”.
Nhằm tăng cường khả năng chống đỡ của y tế toàn cầu và làm cho hệ thống y tế toàn cầu trở nên toàn diện hơn, công bằng hơn và có khả năng ứng phó với khủng hoảng, Hội nghị G-20 còn thành lập một quỹ phòng chống đại dịch trị giá 1,5 tỷ USD. Quỹ này sẽ đảm bảo khả năng chống đỡ của thế giới trước một đại dịch có khả năng không chỉ cướp đi nhiều sinh mạng, mà còn có thể gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu. Tài trợ cho quỹ là các nước thành viên G-20 cùng một số nước khác cùng các tổ chức nhân đạo.