Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Italy: Chương trình nghị sự dày đặc, bàn chiến thuật 'nóng hổi' của Ukraine, Trung Quốc là một tâm điểm

Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp diễn ra tại Italy là dịp để các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng trên thế giới tìm sự đồng điệu trên hàng hoạt các vấn đề 'nóng' toàn cầu.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7 năm 2024, Italy đặt ưu tiên đối với xung đột Đông Âu và Trung Đông. (Nguồn: Agenzia Nova)

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7 năm 2024, Italy đặt ưu tiên đối với xung đột Đông Âu và Trung Đông. (Nguồn: Agenzia Nova)

Cơ hội thể hiện tinh thần đoàn kết

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến sẽ khai mạc tại Apulia, Italy vào ngày 13/6 tới.

Một loạt chủ đề dự kiến sẽ được thảo luận, từ vấn đề kinh tế đến tình hình khu vực, và một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo sẽ được công bố.

Có thể nói, đây sẽ là cơ hội để G7 thể hiện tinh thần đoàn kết trong việc ứng phó với những thách thức ngày càng gia tăng như tình hình xung đột Nga-Ukraine và tình hình căng thẳng ở Trung Đông.

Hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên được tổ chức vào tháng 11/1975 tại Chateau de Rambouillet, ngoại ô thủ đô Paris, Pháp.

Mục tiêu là để các nước phát triển phương Tây hợp tác giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất.

Vì Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên nước này đã tham gia đàm phán ngay từ đầu. Tại những hội nghị đầu tiên, trọng tâm là thảo luận vấn đề kinh tế, nhưng trong thời kỳ xảy ra Chiến tranh Lạnh, các vấn đề chính trị cũng bắt đầu được đề cập nhiều hơn.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga tham gia các cuộc thảo luận chính trị và vào năm 1998, sự xuất hiện thêm nhân tố Nga đã biến tổ chức này thành “Nhóm G8”.

Đến tháng 3/2014, Nga tuyên bố sáp nhập Bán đảo Crimea ở miền Nam Ukraine và 7 quốc gia đã đình chỉ cơ chế tham gia của Nga, đưa cơ chế này quay trở lại với hình thức nhóm họp ban đầu là G7.

Những lãnh đạo chủ chốt của Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay không có thay đổi so với cách đây một năm.

Điểm lại, người tham gia nhiều hội nghị nhất là Thủ tướng Canada Justin Trudeau (nhậm chức tháng 11/2015), trong khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (nhậm chức tháng 10/2021) tham dự lần thứ ba, sau hội nghị tại Đức năm 2022 và giữ vai trò chủ trì vào năm 2023.

Năm nay, trong số các nhà lãnh đạo G7 có Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh tuyên bố tái tranh cử. Ông Biden tái tranh cử với tư cách là ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 và sẽ phải cạnh tranh gay gắt với ứng viên đảng Cộng hòa là ông Donald Trump.

Ông Biden sẽ trở lại Mỹ sau Hội nghị thượng đỉnh G7 mà không tham gia Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine tại Thụy Sỹ ngay sau đó. Điều này là do ông Biden phải tham gia một sự kiện gây quỹ chiến dịch tranh cử ở trong nước.

Trong khi đó, tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố sẽ giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 4/7 tới. Theo dự báo của YouGov công bố ngày 3/6, Công đảng đối lập dự kiến sẽ giành được 60% số ghế và khả năng lớn sẽ có sự thay đổi trong chính phủ.

Tại Nhật Bản, cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cũng sẽ diễn ra vào tháng 9 nhưng hiện tại vẫn chưa có thông tin ông Kishida Fumio có tái tranh cử hay không.

Đi tìm tiếng nói chung

Tiếp nối các nội dung lớn theo chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima năm ngoái, vấn đề Ukraine, tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, an ninh kinh tế và trí tuệ nhân tạo (AI) cùng với tình hình Trung Đông (mới phát sinh sau Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima) sẽ là những chủ đề thảo luận chính.

Tuy nhiên, nước chủ nhà Italy muốn bổ sung thêm nội dung thảo luận về các vấn đề châu Phi và nhập cư.

Về tình hình Ukraine, tâm điểm chú ý là các cuộc thảo luận của lãnh đạo các nước G7 về những ưu và nhược điểm của một chiến thuật còn "nóng hổi" là cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.

Mỹ và Đức đều đã công khai tuyên bố mở đường cho điều này nhưng nước chủ nhà Italy lại không đồng tình việc tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí mà nước này cung cấp.

Ngoài ra, lãnh đạo các nước G7 sẽ thảo luận về cách thức sử dụng tài sản của Nga bị phong tỏa để hỗ trợ Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 4/6 vừa qua đã phát biểu tại Thượng viện Mỹ rằng sẽ “hỗ trợ đáng kể” cho việc sử dụng tiền lãi tạo ra từ các tài khoản bị phong tỏa.

Về phần mình, phía Nhật Bản đang xem xét về tính khả thi của giải pháp này, từ đó có thể có những áp dụng phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp Nhật Bản.

Còn về tình hình Trung Đông thì sao? Đây là vấn đề rất khó khi xung đột giữa Israel và Hamas đã tạo ra sự đối lập rõ rệt về lập trường của Mỹ và châu Âu. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vốn nhận được sự hậu thuẫn lớn từ Mỹ, đã không thể đưa ra được bất kỳ phương án ngừng bắn hiệu quả nào do phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm chính trị cực hữu trong nước.

Về chủ đề AI, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023, nước chủ nhà Nhật Bản đã đưa ra Quy trình AI ở Hiroshima để hướng tới xây dựng các quy tắc quốc tế về AI.

Tiếp nối, Hội nghị thượng đỉnh năm nay cũng sẽ tập trung vào các cuộc thảo luận sâu hơn về tác động của AI tạo ra việc làm. Có thông tin rằng Giáo hoàng Francis cũng sẽ tham gia cuộc thảo luận về chủ đề AI xoay quanh vấn đề đạo đức.

Trong lĩnh vực an ninh kinh tế, các biện pháp chống lại “sự ép buộc kinh tế”, bao gồm việc gây áp lực lên Trung Quốc thông qua thương mại và đầu tư, đều nằm trong chương trình nghị sự.

Các lãnh đạo G7 cũng sẽ chia sẻ ý kiến về cách giải quyết vấn đề sản xuất thừa của Trung Quốc. Hiện tại các nước G7 chỉ chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, giảm mạnh so với con số 60% của 40 năm trước.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và các nước mới nổi, các nước đang phát triển (còn gọi là các nước Nam Bán cầu) đang đe dọa trật tự quốc tế do phương Tây dẫn dắt.

Châu Âu đang tranh luận về các biện pháp hạn chế nhập cư từ châu Phi. Italy có vấn đề nghiêm trọng về nhập cư khi số lượng lớn người nhập cư châu Phi tìm đến nước này qua biển Địa Trung Hải. Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ đề cập đến việc hỗ trợ phát triển cho châu Phi.

Nhật Bản, vốn đang dành sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dự kiến sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.

(theo Nikkei)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-g7-tai-italy-chuong-trinh-nghi-su-day-dac-ban-chien-thuat-nong-hoi-cua-ukraine-trung-quoc-la-mot-tam-diem-274550.html