Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025: Cơ hội vàng nâng tầm văn hóa, du lịch Hà Nội
Nếu biết nắm bắt và đầu tư đúng hướng, Hội nghị P4G sẽ mở ra một trang mới trong hành trình đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo và điểm đến văn hóa hàng đầu khu vực.

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn cho rằng, Hội nghị P4G là dịp để Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung lan tỏa thông điệp văn hóa. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội)
Đó là quan điểm với ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy ban Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư.
Là một ĐBQH quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và cơ hội để Hà Nội quảng bá văn hóa, du lịch qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G?
Theo tôi, đây là một cơ hội vàng để quảng bá bản sắc văn hóa và tiềm năng du lịch của Thủ đô nghìn năm văn hiến đến với bạn bè quốc tế. Hà Nội – với chiều sâu lịch sử, sự phong phú trong di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng nhịp sống hiện đại giao hòa với truyền thống, mang trong mình một sức hút đặc biệt mà không phải thành phố nào cũng có được.
Chúng ta không chỉ chào đón các vị khách bằng những nghi thức ngoại giao trang trọng, mà còn chạm đến trái tim họ bằng những giá trị tinh thần, những nét đẹp văn hóa sống động trong từng phố cổ, từng món ăn dân dã, trong tiếng chuông chùa Trấn Quốc. Một ly cà phê trứng, một buổi biểu diễn múa rối nước, hay chỉ đơn giản là nụ cười thân thiện của người Hà Nội đều có thể trở thành những “đại sứ” văn hóa thuyết phục và giàu cảm xúc.
Hội nghị P4G, với trọng tâm là phát triển xanh và tăng trưởng bao trùm, rất phù hợp với xu hướng phát triển du lịch, văn hóa bền vững mà Hà Nội đang theo đuổi. Đây là dịp để chúng ta lan tỏa thông điệp văn hóa không chỉ là cội nguồn của bản sắc, mà còn là tài nguyên mềm, sức mạnh nội sinh để thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối cộng đồng và khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Tôi tin, nếu biết nắm bắt và đầu tư đúng hướng, sự kiện P4G sẽ không chỉ để lại dấu ấn trong lòng các đại biểu quốc tế, mà còn mở ra một trang mới trong hành trình đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo và điểm đến văn hóa hàng đầu khu vực.

Sản phẩm tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long. (Nguồn: Báo Hà Nội mới)
Theo ông, Hà Nội cần tận dụng những lợi thế nào để giới thiệu những giá trị văn hóa độc đáo và sản phẩm du lịch đặc sắc đến bạn bè quốc tế?
Để tận dụng hiệu quả cơ hội này, Hà Nội cần phát huy đồng thời ba lợi thế lớn: chiều sâu di sản, sức sống văn hóa đương đại và tư duy đổi mới trong cách làm du lịch.
Thứ nhất, chiều sâu di sản chính là điểm tựa vững chắc để Hà Nội kể câu chuyện văn hóa của mình. Không nhiều thủ đô trên thế giới sở hữu một hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể phong phú như Hà Nội từ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đến ẩm thực đặc trưng như phở, bún chả, nem cuốn. Đây là những “kho báu sống” nếu được tổ chức giới thiệu khéo léo trong khuôn khổ các sự kiện bên lề của hội nghị như triển lãm văn hóa, tour trải nghiệm di sản, đêm nhạc dân tộc hay không gian ẩm thực, chắc chắn sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.
Thứ hai, Hà Nội cần cho thế giới thấy mình không chỉ là một thành phố của quá khứ mà còn là một đô thị sáng tạo, năng động và vươn lên cùng thời đại. Việc Hà Nội gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO không chỉ là một danh hiệu, mà là minh chứng cho sức sống đương đại của văn hóa Thủ đô. Tất cả đều có thể trở thành cầu nối văn hóa mạnh mẽ, giúp thế giới cảm nhận được tinh thần đổi mới và khát vọng hội nhập của Hà Nội hôm nay.
Thứ ba, để chuyển hóa những giá trị văn hóa thành trải nghiệm du lịch có chiều sâu, Hà Nội cần áp dụng tư duy mới trong cách làm du lịch, chú trọng đến chất lượng hơn số lượng, cá nhân hóa trải nghiệm hơn là rập khuôn, lồng ghép yếu tố bền vững và trách nhiệm xã hội. Những tour du lịch xanh, tour đêm khám phá di tích, hay các hoạt động gắn với làng nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian... sẽ vừa phù hợp với tinh thần của P4G, vừa góp phần tạo dựng hình ảnh một Hà Nội thân thiện, bản sắc và hấp dẫn.
Nếu biết tận dụng những lợi thế sẵn có bằng tầm nhìn chiến lược, Hà Nội không chỉ giới thiệu được một thành phố có quá khứ lừng lẫy, mà còn là một đô thị hiện đại, sáng tạo và tràn đầy cơ hội hợp tác trong tương lai, đúng như tinh thần kết nối toàn cầu mà P4G hướng tới.

Hà Nội thực sự là nơi nuôi dưỡng và phát triển các loại hình văn hóa truyền thống. (Nguồn: VGP)
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống rất quan trọng. Ông có đề xuất gì để Hà Nội kết hợp hài hòa giữa việc quảng bá văn hóa và bảo tồn di sản trong Hội nghị P4G?
Trong dòng chảy mạnh mẽ của hội nhập quốc tế, nơi mà mỗi quốc gia, mỗi thành phố đều đang nỗ lực khẳng định dấu ấn riêng trên bản đồ toàn cầu, thì bản sắc văn hóa không chỉ là gốc rễ, mà còn là “tấm hộ chiếu tinh thần” để Hà Nội bước ra thế giới một cách tự tin và khác biệt. Việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh P4G là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh Thủ đô, nhưng điều quan trọng hơn cả là phải đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa quảng bá văn hóa và bảo tồn di sản, để mỗi thông điệp gửi đến bạn bè quốc tế đều thấm đượm chiều sâu văn hóa và sự trân trọng giá trị truyền thống.
Để làm được điều này, Hà Nội nên thực hiện theo ba định hướng chính. Đầu tiên, cần lựa chọn và giới thiệu những di sản tiêu biểu không chỉ ở vẻ đẹp hình thức mà còn ở chiều sâu ý nghĩa văn hóa, tức là kể được câu chuyện đằng sau mỗi di sản. Một buổi tham quan Hoàng thành Thăng Long không chỉ để ngắm nhìn công trình cổ, mà còn là hành trình khám phá tinh thần độc lập, bản lĩnh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Một tiết mục múa rối nước không chỉ là giải trí, mà là thông điệp về triết lý sống, sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, làng quê. Khi quảng bá bằng ngôn ngữ của những câu chuyện, Hà Nội sẽ chạm đến trái tim của thế giới một cách chân thành và bền vững.
Bên cạnh đó, cần kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo, tức là dùng ngôn ngữ hiện đại để truyền tải giá trị cổ truyền. Những chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian có thể được tổ chức tại các không gian di sản, nhưng kết hợp với ánh sáng, âm thanh, thiết kế sân khấu hiện đại để tạo nên trải nghiệm mới mẻ.
Đồng thời, Hà Nội cần đặt yếu tố bền vững và trách nhiệm cộng đồng làm nguyên tắc cốt lõi. Điều này có nghĩa là khi tổ chức các tour tham quan, các không gian trải nghiệm văn hóa, cần có sự tham gia của cộng đồng địa phương để họ không chỉ là người giới thiệu mà còn là người gìn giữ.
Nếu làm được điều đó, Hà Nội không chỉ quảng bá được những giá trị văn hóa đặc sắc, mà còn lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về một thành phố tôn trọng quá khứ, biết gìn giữ hiện tại và có khát vọng hướng tới tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và tục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư do Việt Nam lần đầu đăng cai sẽ diễn ra từ ngày 16-17/4, tại Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động bên lề sự kiện sẽ bắt đầu từ ngày 14/4.
P4G hiện có 9 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác (Viện Tài nguyên thế giới - WRI, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu - GGGI, mạng lưới C40 - C40 cities, Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF và Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC).
P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay được xem là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá du lịch xanh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.