Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 'An toàn lương thực quốc gia đến năm 2020'

Ngày 18/3, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 'An toàn lương thực Quốc gia đến năm 2020'. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Bí thư tỉnh ủy phát biểu tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm

Đồng chí Bí thư tỉnh ủy phát biểu tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm

thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” tại điểm cầu tỉnh ta.

Tại điểm cầu tỉnh ta, dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực Quốc gia đến năm 2020”, Ban cán sự Đảng các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã quán triệt Kết luận và thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án cụ thể và triển khai thực hiện đạt được những kết quả quan trọng. Giai đoạn 2009-2019, sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này. Bên cạnh đó, các tiêu chí cơ bản đảm bảo an ninh dinh dưỡng cũng được nâng cao, thu nhập người trồng lúa cơ bản ổn định, có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất.

Tại tỉnh Sơn La, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, đến nay, một số hàng nông sản (quả các loại, sữa, thịt bò, ngô) của tỉnh đứng đầu khu vực 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Sơn La không phải đề nghị Trung ương hỗ trợ lương thực cho nhân dân để cứu đói giáp hạt. Đến hết năm 2019, Sơn La có 25/27 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt kế hoạch đề ra (trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch)...

Các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đạt mục tiêu đến năm 2030 giữ ổn định khoảng 3,3 - 3,6 triệu ha lúa, sản xuất khoảng 35 triệu tấn, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Đông bày tỏ nhất trí với báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, kiến nghị Trung ương một số nội dung, như: Sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công nhằm đảm bảo tính thống nhất trong các luật, phù hợp với thực tế để tỉnh thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chế biến nông sản. Tăng mức hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng thiết yếu nhằm kết nối các tỉnh Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La với các tỉnh đồng bằng. Có cơ chế phù hợp và tăng chi ngân sách cho công tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng nhằm đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống của người dân tham gia bảo vệ rừng...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đồng thời nhấn mạnh: Đảm bảo an ninh lương thực không đơn thuần chỉ là đảm bảo kinh tế, mà còn là đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo nguồn cung, nhu cầu dinh dưỡng và khả năng tiếp cận của người dân về vấn đề lương thực. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị: Các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp lương thực một cách hợp lý, giải quyết bài toán hạ tầng nông nghiệp, công nghiệp chế biến... đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm trong mọi hoàn cảnh cho tiêu dùng trong nước, các hộ gia đình đều được tiếp cận lương thực an toàn và đầy đủ dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho sinh hoạt, sức khỏe và nâng cao tầm vóc cho người dân. Văn phòng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp các kiến nghị, đề xuất, hoàn thiện báo cáo xây dựng dự thảo kết luận của Bộ Chính trị xây dựng ban hành Kết luận mới về “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”; xây dựng Nghị quyết mới của Chính phủ thay thế Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; xây dựng Đề án đảm bảo an ninh lương thực quốc gia giai đoạn 2021-2030...

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hoi-nghi-truc-tuyen-tong-ket-10-nam-thuc-hien-de-an-an-toan-luong-thuc-quoc-gia-den-nam-2020-29902