Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng chính sách

Ngày 29/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu trên cả nước.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hoàng Hà, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh.

Qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm đến việc huy động, tập trung nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn cho vay dưới nhiều hình thức như: bố trí ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ, cấp vốn thực hiện một số chương trình tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam; có cơ chế phát hành trái phiếu Ngân hàng CSXH được Chính phủ bảo lãnh; cấp bù chênh lệch lãi suất đối với nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường…

Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, ủy thác vốn qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Vì thế nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước.

Đến ngày 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 297.738 tỷ đồng, tăng 290.633 tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21,4%.

Trong đó, tổng nguồn vốn được cấp từ ngân sách Nhà nước là 42.578 tỷ đồng, chiếm 14,3% tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 29.098 tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng nguồn vốn, tăng 28.653 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập.

Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.

Trong 20 năm qua, mặc dù có những thời điểm còn khó khăn, nhưng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, Ngân hàng CSXH luôn đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830.087 tỷ đồng.

Từ 8.631 tỷ đồng dư nợ nhận bàn giao của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 279.732 tỷ đồng, tăng gấp 32 lần.

Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 21,1%. Hiện nay, gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ (thời điểm ngày 30/11/2022).

Vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội;

Gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID 19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động... Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: Trong suốt 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nguồn lực hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự chủ động, tích cực của Ngân hàng CSXH, hoạt động tín dụng chính sách đã đạt được những kết quả tích cực.

Qua đó khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác và Ngân hàng CSXH tiếp tục chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Kết luận số 06-KL/TW, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, phát huy hiệu quả mô hình hoạt động riêng có của Ngân hàng CSXH nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị, phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng miền, tạo động lực thúc đẩy người dân sản xuất hàng hóa có giá trị cao, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Ngân hàng CSXH cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương gắn kết có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ; các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tập huấn, đào tạo nghề; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm... nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn.

Thường xuyên quan tâm, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn. Thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để người vay tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất, tránh nguy cơ tái nghèo.

Nghiên cứu, kịp thời đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện Ngân hàng CSXH các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, hàng năm cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay.

Tăng cường chỉ đạo, tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác để nhận diện đối tượng, nắm bắt nhu cầu, xây dựng kế hoạch và triển khai cho vay kịp thời, đúng đối tượng.

Hồng Giang- Anh Tuấn - Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-tong-ket-20-nam-thuc-hien-nghi-dinh-so/d20221229135249907.htm