Hội nghị UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 5
Chiều 10/5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phiên thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 5/2023. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự có lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2023.
Theo đó, trước nhiều khó khăn, thách thức đan xen ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế- xã hội trên địa bàn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp duy trì phát triển sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ. Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp dần ổn định và có dấu hiệu phục hồi với giá trị sản xuất trong tháng đạt trên 8.830 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đạt trên 32.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp được tập trung chỉ đạo, đảm bảo đúng khung thời vụ; dịch cúm gia cầm, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã được kiểm soát tốt, không phát sinh các ổ dịch mới. Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, không bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được tập trung chỉ đạo thực hiện.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục diễn ra sôi động và đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Tổng doanh thu của lĩnh vực này đạt trên 765 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Số lượt khách đến các điểm tham quan du lịch trong tháng đạt trên 470 nghìn lượt, lũy kế 4 tháng đạt gần 3,69 triệu lượt khách, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ; doanh thu tăng gấp 2,8 lần.
Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển toàn diện; đã tổ chức thành công Chương trình kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc lễ hội Hoa Lư năm 2023 cũng như các hoạt động kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày Quốc tế lao động 1/5 đảm bảo vui tươi, lành mạnh, có sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân và yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19; ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động triển khai nhiệm vụ giáo dục cuối năm học. Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo. An ninh chính trị đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Làm rõ hơn các kết quả đã đạt được trong tháng 4, các đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên các khó khăn hiện nay như: một số sản phẩm công nghiệp có mức sản xuất giảm sút hoặc có lượng tồn kho lớn. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều sụt giảm so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng chỉ đạt 22,2% dự toán, giảm 32,7% so với cùng kỳ. Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái phát trở lại tại một số địa phương. Dịch COVID- 19 có chiều hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố, trong khi đó các bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi lại diễn biến phức tạp trong điều kiện thời tiết giao mùa.
Dự báo thời gian tới, tình hình sẽ còn rất nhiều khó khăn. Do đó để đạt được kịch bản tăng trưởng cả năm đạt trên 7,5% các đại biểu đề nghị tập trung cao cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, trong đó đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án đã được phê duyệt để sớm khởi công, thi công; quan tâm tái định cư tạo thuận lợi trong GPMB thực hiện các dự án; theo dõi nắm chắc tình hình sản xuất, giải quyết sớm các kiến nghị cũng như hỗ trợ doanh nghiệp theo các nghị quyết của Chính phủ; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách; tập trung đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch, nhất là các khu đất đặc thù để thực hiện các công trình dự án trọng tâm của tỉnh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phân bổ nguồn kinh phí thực hiện chuyển đổi số; hoàn thành kế hoạch thời gian năm học; quản lý giáo dục học sinh trong dịp hè; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức các kỳ thi; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID- 19, dịch cúm A H5N1 và các bệnh truyền nhiễm khác.
Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh đề nghị cập nhật, hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh, các quy hoạch đang làm và cần làm để làm căn cứ cho thu hút đầu tư; rà soát, tham mưu, báo cáo Ban xúc tiến đầu tư của tỉnh về tình hình một số dự án lớn đang thu hút; thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các dự án đầu tư ngoài ngân sách; tập trung cao và quyết liệt cho công tác GPMB; xây dựng kịch bản điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm; sớm tham mưu tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ, khơi thông các nguồn vốn; tập trung quản lý nợ công; tạo nguồn ngân sách tỉnh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị giáo dục; tích cực chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp chuyên đề và kỳ họp thường lệ giữa năm cũng như các cuộc giám sát của HĐND tỉnh theo kế hoạch.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc khẳng định: Mặc dù tình hình kinh tế- xã hội quý I và tháng 4 còn nhiều khó khăn song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự quyết tâm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của UBND tỉnh và nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đảm bảo theo kịch bản đã đề ra. Đây là cơ sở hết sức quan trọng tạo tiền đề để tỉnh Ninh Bình đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2020-2025. Điều này cũng cho thấy, các cấp, ngành trong tỉnh đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, do đó các ngành sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi và duy trì đà tăng trưởng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn duy trì được kế hoạch đề ra, lĩnh vực chăn nuôi kiểm soát tương đối tốt, giá trị sản xuất, sản lượng trong ngành nông nghiệp đều tăng. Công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh đang theo đúng lộ trình đã đề ra.
Lĩnh vực dịch vụ du lịch đã trở thành động lực tăng trưởng mới, tốc độ tăng trưởng của du lịch tăng cao kéo theo sự tăng trưởng của các ngành dịch vụ khác như vận tải, dịch vụ lưu trú, nhà hàng khách sạn. Đây cũng là ngành có dư địa tốt nhất cho tăng trưởng năm 2023 và những năm tiếp theo.
Cùng với đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, Ninh Bình tiếp tục khẳng định là điểm đến an toàn cho doanh nghiệp, nhân dân và du khách. Các lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, y tế ổn định, hoạt động văn hóa, thể thao tạo sức lan tỏa mạnh mẽ góp phần thành công vào việc triển khai các nhiệm vụ của Đảng và chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, tồn tại hiện nay liên quan đến sản xuất, thu ngân sách, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trong đó cần bám sát kịch bản tăng trưởng, đôn đốc triển khai quyết liệt đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt và vượt 7,5%.
Bên cạnh những nhiệm vụ đề ra tại Dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật, góp ý hoàn thiện quy hoạch tỉnh đảm bảo tính định hướng để tập trung lãnh đạo chỉ đạo; chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm, nhất là các dự án đầu tư công.
Đối với những dự án đầu tư công nằm trong kế hoạch bố trí vốn năm 2023 cần khẩn trương triển khai các bước lập dự án để tiến hành khởi công, báo cáo tiến độ và những khó khăn vướng mắc theo định kỳ để Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo.
Đối với các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương xác định rõ chức năng nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, bàn bạc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2023 đã đề ra.