Hội nhập kinh tế quốc tế - yêu cầu thiết thực, cấp bách
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế (thứ hai từ phải qua) trao đổi, giới thiệu tiềm năng của Phú Yên đến các lãnh sự. Ảnh: TRẦN QUỚI
5 năm thực hiện Nghị quyết 06 ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (gọi tắt Nghị quyết 06/NQ-TW), Phú Yên đã quán triệt và thực hiện đạt những kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nhìn nhận còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
Sau khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 06/NQ-TW, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động 16 ngày 30/3/2017 để triển khai nghị quyết này. Các địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn tình hình địa phương, đơn vị mình.
Cải cách thủ tục hành chính
Xác định thủ tục hành chính là một trong những khâu hạn chế, cần đột phá, tạo điều kiện tốt nhất cho công cuộc hội nhập, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục rà soát thực hiện tốt Quyết định 47 về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; ban hành các kế hoạch về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Ông Võ Cao Phi, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Từ ngày 15/2/2018, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh được thành lập và đưa vào hoạt động; bộ thủ tục hành chính được đăng tải công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để người dân, doanh nghiệp truy cập trực tiếp. Dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4 được thực hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và triển khai kết hợp một số thủ tục ưu tiên trên Cổng dịch vụ công quốc gia. UBND tỉnh ban hành quy định hẹn giờ, hướng dẫn kê khai tiếp nhận hồ sơ của người dân và doanh nghiệp; đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đồng thời tạo mối quan hệ gần gũi giữa chính quyền với người dân…
Từ những hành động cụ thể, tỉnh đã nâng cao được các chỉ số về cải cách hành chính như chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng lành mạnh. Qua 5 năm triển khai, chỉ số PCI của tỉnh từ vị trí 51/63 tỉnh, thành năm 2016 đến năm 2020 tăng 9 bậc, xếp vị trí 42/63 tỉnh, thành.
Hội nhập KTQT là một lĩnh vực mới, khó, hàng năm các sở, ngành cấp tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về hỗ trợ nâng cao khả năng hội nhập KTQT cho cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp. Nội dung, phổ biến kiến thức và các thông tin về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký và đang đàm phán, tình hình kinh tế, chính trị trong nước, khu vực và thế giới, phổ biến kiến thức về nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa...
Mở rộng quan hệ hợp tác
Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã tổ chức các sự kiện xúc tiến, đầu tư quy mô và bước đầu mang lại hiệu quả như: Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên và vùng phụ cận; hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 có sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức đoàn công tác của tỉnh dự hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 11 tại Toulouse, đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Tỉnh cũng có các cuộc làm việc quan trọng với các nhà tài trợ, đối tác, tổ chức tài chính thế giới như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), Chính phủ Ấn Độ… Tỉnh chủ động quảng bá hình ảnh Phú Yên đến với bạn bè thế giới; tích cực tham gia các hoạt động kết nối kinh tế với đối tác nước ngoài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… do Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Trung ương tổ chức; đẩy mạnh việc thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính trong khu vực và thế giới.
Theo Sở KH-ĐT, trong giai đoạn 2016-2020, Phú Yên đã tiếp nhận 7 dự án có vốn ODA khoảng 1.340 tỉ đồng (vốn đối ứng hơn 325 tỉ đồng). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh giai đoạn 2016-2020 là 180 triệu USD, bình quân hàng năm tăng 13%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: hạt điều, thủy sản, sản phẩm may mặc, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, thủy sản đóng hộp… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và một số nước ASEAN. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã đóng góp đáng kể trong việc mở rộng thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ cũng được quan tâm thực hiện, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Công tác xúc tiến thương mại được quan tâm, nhất là chương trình phát triển thương mại điện tử, ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng…
Theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về hội nhập KTQT hiện nay là vô cùng cần thiết và quan trọng. Thế giới ngày càng gần nhau hơn; cuộc chơi quốc tế có các quy định, nguyên tắc riêng, nếu mình không biết thì không thể nào hội nhập.
Còn nhiều hạn chế
Những kết quả đạt được trong công tác hội nhập KTQT trong thời gian qua là quan trọng và đáng mừng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh ủy, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, nếu muốn hội nhập ngày càng sâu vào sân chơi thế giới.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ ra một số hạn chế như: Kết quả công tác cải cách hành chính đạt thấp; chậm cải thiện trong việc thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển các công trình dự án là khâu yếu. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa còn thấp, quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ, hiệu quả sản xuất chưa cao, phần lớn là gia công lắp ráp, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp mới, đột phá đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản môi trường còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng mục tiêu yêu cầu phát triển bền vững…
Để đạt được những kết quả tốt hơn, xứng đáng với tiềm năng và kỳ vọng trong lĩnh vực hội nhập KTQT, theo đồng chí Cao Thị Hòa An, cần tìm ra nguyên nhân, nhìn thẳng vào thực tế, tìm ra những khâu yếu để khắc phục. Theo đó, những yêu cầu, nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới là tiếp tục quán triệt và triển khai Nghị quyết 06/NQ-TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của Phú Yên thông qua các chương trình hoạt động hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập KTQT nói riêng. Đẩy mạnh nghiên cứu dự báo về chính trị thế giới, những xu hướng mới về chuyển dịch kinh tế toàn cầu, để phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển tổng thể của tỉnh. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới chuyển dịch đến Việt Nam. Thực hiện quy hoạch phát triển logistics nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Chú trọng gắn kết chặt chẽ hội nhập quốc tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài…
Để đẩy mạnh hội nhập, giao lưu kinh tế thương mại quốc tế, tỉnh rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương về việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn về lĩnh vực ngoại giao kinh tế; cung cấp thông tin dự báo về ngành hàng thị trường của các quốc gia; tạo điều kiện để tỉnh tham gia các diễn đàn quốc tế khu vực, các sự kiện xúc tiến đầu tư thương mại ở nước ngoài; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho hội nhập KTQT…