Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai góp phần hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới
Đồng Nai là địa phương luôn giữ vị trí tốp đầu cả nước trong suốt hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, Đồng Nai có 2 huyện về đích NTM nâng cao. Toàn tỉnh cũng đã có 106 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 30 xã NTM kiểu mẫu. Theo quan điểm của tỉnh Đồng Nai, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chỉ là bước đầu trong quá trình 'xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh'. Đóng góp vào thành quả chung trong xây dựng NTM của tỉnh Đồng Nai, không thể không nhắc tới những nỗ lực của Hội Nông dân Đồng Nai.
Để đạt được thành quả ấn tượng này, Đồng Nai đã thực hiện được những giải pháp có tính đột phá. Một trong những điểm đột phá ấy là làm tốt công tác tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và hội nghề nghiệp trong xây dựng NTM để thực sự khích lệ toàn dân đồng lòng, chung tay, tích cực tham gia vào quá trình “xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh”. Đóng góp vào thành quả chung trong xây dựng NTM của tỉnh Đồng Nai, không thể không nhắc tới những nỗ lực của Hội Nông dân Đồng Nai. Bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai góp phần hiệu quả trong xây dựng NTM. Hội viên, nông dân tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, nội dung, phương thức hoạt động của Hội, công tác chỉ đạo và điều hành của ban chấp hành hội nông dân các cấp có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của hội nông dân các cấp, phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa mạnh mẽ đến từng người dân, xóm ấp. Diện mạo nông thôn chuyển biến rõ nét, phát triển đồng bộ và hài hòa giữa các lĩnh vực. Hệ thống giao thông phát triển cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, kết nối giữa các địa phương, vùng miền. Kết quả này tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo; đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện gắn việc tập hợp, tuyên truyền, vận động với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ nông dân; xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp luôn được quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong trào thi đua lớn của Hội như: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục duy trì nhiều mô hình thiết thực và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được hội viên, nông dân đồng tình hưởng ứng, phát triển nhiều mô hình mới, nhân tố mới mang tính đột phá trong phong trào đã tạo ra động lực mới - sức sống mới - diện mạo mới cho sự phát triển kinh tế nông thôn gắn với an sinh xã hội. Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục phát triển cả chiều rộng, chiều sâu góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương xây dựng thành phố theo hướng “Xanh - văn minh - an toàn - hiện đại”.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai chia sẻ, trong các phong trào do Hội phát động thì nổi bật là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững được triển khai rộng rãi. Trung bình hằng năm, Đồng Nai có trên 95.000 hộ đăng ký, và hơn 54.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 57,2% so với hộ đăng ký). Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiêu biểu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó hộ ông Phạm Tuấn Anh, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Chiến Thắng, xã Bảo Hòa là một trong những hộ nông dân luôn đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn.
Sinh năm 1978, nông dân Phạm Tuấn Anh luôn tràn đầy nhiệt huyết trong công việc. Với tinh thần không ngừng học hỏi và sáng tạo, ông đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong lao động, sản xuất. Hiện tại, trên diện tích khoảng 12.000 m2 đất nông nghiệp của gia đình ông trồng các loại cây ăn trái như chôm chôm Thái, bưởi da xanh, mít các loại và chăn nuôi các loại súc, gia cầm. Để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân ông không quản ngại khó khăn đi nhiều nơi, học hỏi nhiều mô hình mới, cách làm hay có hiệu quả kinh tế để về áp dụng trên mảnh đất của gia đình mình. Với cách làm sáng tạo, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những cây, con giống có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên diện tích đất canh tác của gia đình ông cho sản lượng và năng suất cao, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Cùng với việc phát động rộng rãi các phong trào, các chi tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập đã phát huy khá tốt hiệu quả; giải quyết công ăn việc làm cho nhiều hội viên, tạo nhiều sản phẩm có tính đặc trưng về thế mạnh, văn hóa vùng miền. Các chi tổ hội giúp nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu nguyện vọng hội viên, nông dân; tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, hội viên với tổ chức Hội, xây dựng các chi hội nông dân ngày càng vững mạnh.
Đến nay, tổ chức hội nông dân các cấp trong tỉnh ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội và chất lượng hội viên được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng; đội ngũ cán bộ Hội được kiện toàn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vai trò đại diện của Hội trong việc chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân được phát huy. Có thể khẳng định tổ chức Hội thực sự là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và là chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh của tỉnh Đồng Nai.