Hội rước nước đầu xuân làng Đông Dư Hạ
Một cụ già cao niên đã được lựa chọn theo tiêu chuẩn về tuổi tác, đạo đức gia đình cũng như sức khỏe, sẽ đại diện dân làng dùng gáo đồng múc nước đổ vào chóe.
Hội làng Đông Dư Hạ diễn ra từ ngày ngày 7 đến ngày 13 tháng 2 âm lịch hàng năm. Mở đầu hội là lễ lấy nước trên sông Hồng và rước nước từ bến sông về đình để tế lễ. Sau đó là các trò chơi dân gian, độc đáo nhất là các cuộc đấu kiếm, đấu quyền, múa khiên.
Đình Đông Dư Hạ hiện nay thuộc thôn Đông Dư Hạ, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Video: Hội rước nước đầu xuân làng Đông Dư Hạ
Tại đình hiện còn lưu giữ và bảo tồn được các sắc phong ghi chép về việc tôn thờ ba vị Thành hoàng làng là thần Cao Sơn Đại Vương, thần Linh Lang Đại Vương và thần Bạch Đa.
Thần Cao Sơn có tên là Nguyễn Hiền và người em ruột là Nguyễn Sùng (tức thần Quí Minh) đều là cháu ruột của thần Sơn Tinh (tức Đức Thánh Tản Viên). Họ là người trang Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú, nay là tỉnh Phú Thọ.
Khi Thủy Tinh đem quân đánh Sơn Tinh và tộc Âu vây đánh nhà nước Văn Lang của Hùng Vương, thần Cao Sơn đã có công lớn cùng với Sơn Tinh chiến thắng thủy tặc quân Âu, bảo vệ nhà Hùng. Đầu thời Lê Trung Hưng, thần Cao Sơn Đại Vương được nhà nước phong kiến đặc biệt đề cao.
Nguyên do của sự kiện này là bởi thần đã có công phù trợ vua Lê giành lại ngai vàng, dẹp yên nạn chuyên quyền của ngoại thích.
Sự kiện lịch sử trên đã được quan Quang Tiến Thân Lộc Đại phu, Thiếu bảo, Thượng thư Bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ, kiêm tế tửu Quốc Tử Giám trông nom việc kinh điển của nhà Lê là Lê Tung soạn vào năm Canh Ngọ niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1510) và được ghi lại trên tấm bia đá niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772) dựng tại đình Kim Liên - một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long.