'Hồi sinh' quần áo cũ, gieo yêu thương xanh
Trong vòng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, thói quen tiêu dùng nhanh và mua sắm theo xu hướng khiến quần áo cũ trở thành một loại rác thải thầm lặng đáng lo ngại.
Từ thực tế ấy, nhiều sáng kiến thiết thực đã ra đời, góp phần kéo dài vòng đời cho trang phục, tránh lãng phí, đồng thời khơi dậy tinh thần sẻ chia và lan tỏa thông điệp sống có trách nhiệm hơn với môi trường.

Một nhóm thiện nguyện phân loại quần áo cũ để gửi tặng những người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ngành công nghiệp thời trang hiện chiếm khoảng 10% lượng khí thải carbon toàn cầu và thải ra tới 92 triệu tấn rác thải mỗi năm. Điều đáng nói là phần lớn số rác thải này vẫn còn có thể sử dụng tiếp nếu được thu gom, tái chế và phân phối hợp lý.
Nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) cũng cảnh báo, nếu không có các biện pháp giảm phát thải hiệu quả, lượng khí nhà kính từ ngành thời trang có thể tăng từ 2,1 tỷ tấn năm 2018 lên đến 2,7 tỷ tấn vào năm 2030, góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu.
Không chỉ gây ô nhiễm khí thải, ngành thời trang còn tiêu tốn một lượng tài nguyên khổng lồ. Theo tổ chức Earth.org, trung bình một chiếc áo chỉ được mặc khoảng 7-10 lần trước khi bị loại bỏ. Thế nhưng, để sản xuất một chiếc áo cotton đơn giản cần tới 2.700 lít nước hay một chiếc quần jeans tiêu tốn tới 7.000 lít nước. Bên cạnh đó, nước thải từ hoạt động nhuộm và xử lý vải cũng là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Trước thực trạng đó, nhiều tổ chức, cá nhân và cộng đồng đã có những sáng kiến cụ thể để “hồi sinh” quần áo cũ. Hành động này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, giúp những chiếc quần áo cũ trở nên có ích hơn mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc.
Với mục tiêu đó, chương trình “Hơi ấm trao tay” đã được phát động tại Hà Nội vào tháng 6-2025. Những sản phẩm thời trang cao cấp đã qua sử dụng sẽ được cá nhân, thương hiệu, cửa hàng quyên góp, sau đó được kiểm định kỹ lưỡng và phân phối lại bởi một đơn vị có uy tín trong lĩnh vực kinh doanh thời trang hàng hiệu đã qua sử dụng. Lợi nhuận thu được từ hoạt động này sẽ được sử dụng để mua quần áo ấm tặng trẻ em nghèo miền núi.
Giám đốc điều hành của Vietnam Children’s Fund (tổ chức gây quỹ trẻ em) Hồ Thị Nga chia sẻ: “Qua chương trình “Hơi ấm trao tay”, chúng tôi mong muốn kêu gọi sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội từ những người nổi tiếng, doanh nghiệp đến mỗi cá nhân cùng nhau chia sẻ yêu thương. Mỗi món đồ bạn từng yêu quý đều có thể trở thành nguồn sống mới cho một em nhỏ ở nơi vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn”.
Nhiều phong trào chống lãng phí quần áo đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt nhờ vào sức ảnh hưởng của mạng xã hội. Các nhóm thiện nguyện được hình thành và duy trì bền bỉ, chuyên thu gom quần áo cũ để nối tiếp vòng đời của sản phẩm, tránh lãng phí và san sẻ với những mảnh đời còn khó khăn.
Bà Hoàng Thị Hiên, thành viên nhóm thiện nguyện Cựu chiến binh tại Hà Nội cho biết: “Suốt 5 năm qua, chúng tôi không ngừng kêu gọi, thu nhận quần áo đã qua sử dụng từ khắp nơi, sau đó phân loại, đóng gói và gửi đến đồng bào nghèo ở những tỉnh miền núi phía Bắc. Có người trong nhóm sẵn sàng đến tận nhà nhận đồ, rồi mang về kho tập kết để xử lý. Mỗi chiếc áo, chiếc quần tuy cũ nhưng vẫn còn giá trị sử dụng tốt đều mang theo tình người và sự sẻ chia chân thành”.
Thực tế cho thấy, chống lãng phí quần áo không phải là điều xa vời hay khó thực hiện. Mỗi người đều có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ, đó là đừng vội vứt đi chiếc áo vẫn còn tốt, hãy sửa lại cái cúc bung, may lại đường chỉ đã rách, hoặc đơn giản là gửi tặng cho người có nhu cầu sử dụng. Qua đó khẳng định rằng, mỗi món đồ tưởng như không còn giá trị sử dụng đều có thể trở thành món quà quý nếu được trao đúng nơi, đúng lúc, đúng người.
Chống lãng phí quần áo không chỉ là hành động vì môi trường mà còn là cách con người khẳng định giá trị nhân văn.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoi-sinh-quan-ao-cu-gieo-yeu-thuong-xanh-710083.html