Hồi sinh rừng ngập mặn

Trước đây, nhiều người dân đã phá rừng ngập mặn để làm đồng muối, ao, đìa nuôi thủy sản khiến diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh bị suy giảm nghiêm trọng. Để thay đổi thực trạng đó, những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhiều khu rừng ngập mặn quý giá đang dần được hồi sinh.

Diện tích rừng ngập mặn suy giảm

Dọc Quốc lộ 1 đoạn qua gần khu vực đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa) có hàng loạt ao, đìa nuôi tôm, những dải đất khô cằn bỏ hoang suốt nhiều năm. Đây là hệ quả của việc nhà nhà phá rừng ngập mặn để nuôi tôm công nghệ cao một thời. Ông Nguyễn Văn Mạo (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) cho biết, trước đây, ven đầm Nha Phu là hệ sinh thái đa dạng với rừng ngập mặn, đất đai phì nhiêu, hải sản phong phú, tạo nguồn sinh kế cho hàng ngàn cư dân. Từ những năm 1990 đến 2000, giá tôm tăng cao khiến phong trào nuôi tôm phát triển rầm rộ. Người dân trong và ngoài tỉnh ồ ạt phá rừng ngập mặn làm ao, đìa nuôi tôm. Tuy nhiên, sau khoảng 3 - 4 năm phát triển mạnh, do mất rừng, nguồn nước nuôi bị ô nhiễm, tôm mắc bệnh, người nuôi thua lỗ nghỉ nuôi dẫn tới bỏ hoang hàng chục héc-ta đất.

Khu vực rừng ngập mặn ven đầm Nha Phu.

Khu vực rừng ngập mặn ven đầm Nha Phu.

Tình trạng tương tự xảy ra tại khu vực Đầm Bấy (đảo Hòn Tre, vịnh Nha Trang), nơi từng có hệ sinh thái rạn san hô và rừng ngập mặn đặc trưng. Giai đoạn từ năm 1980 đến 2000, việc chặt phá rừng cùng tác động của bão đã khiến hàng chục héc-ta rừng ngập mặn nơi đây suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển.

Theo khảo sát của Hội Thiên nhiên và Môi trường tỉnh cùng Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường (Trường Đại học Nha Trang), rừng ngập mặn vùng ven biển Khánh Hòa có vai trò vô cùng quan trọng: Điều hòa khí hậu, hấp thụ CO₂, chắn gió, chống xói lở bờ biển, ngăn xâm nhập mặn và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thông qua nguồn lợi thủy sản, du lịch dịch vụ. Trước năm 2000, toàn tỉnh có gần 3.000ha rừng ngập mặn. Đến nay, chỉ còn khoảng 3,4% diện tích, tương đương hơn 100ha. Trong 5 năm trở lại đây, hậu quả của việc phá rừng để phục vụ phát triển kinh tế đã lộ rõ: Đất bị chai cứng, năng suất nuôi tôm giảm, tình trạng xâm nhập mặn và xói lở do thủy triều ngày càng nghiêm trọng hơn. Tại các địa phương như: Ninh Ích, Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa), Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh), nhiều vùng từng có diện tích rừng ngập mặn lớn và hệ sinh thái phong phú, người dân sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng ngập mặn. Đến nay, dù phần lớn rừng đã bị phá hủy, song vẫn còn những dải rừng tái sinh tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng gồm những loài cây như: Bần, mắm, giá, đước.

Nỗ lực phục hồi

Những năm qua, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã chung tay phục hồi lại hệ sinh thái rừng ngập mặn. Điển hình như, từ năm 2024 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã trong khối thi đua số 3 (thị xã Ninh Hòa) trồng 10.000 cây đước tại đầm Nha Phu; nhóm STEAM Nha Trang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ninh Ích trồng 1.000 cây đước và tuyên truyền cho học sinh về giá trị của rừng ngập mặn ở đầm Nha Phu; các tình nguyện viên là học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đã trồng hơn 11.000 cây đước ở vùng ven biển tại Vạn Ninh. Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường đã tổ chức hội thảo tập huấn về quản lý và phục hồi rừng ngập mặn cho các hộ dân ở các xã, phường có rừng ngập mặn trên địa bàn thị xã Ninh Hòa; hỗ trợ tổng số tiền 270 triệu đồng cho 15 hộ dân để trồng rừng ngập mặn…

Trồng mới rừng ngập mặn tại khu vực Đầm Bấy.

Trồng mới rừng ngập mặn tại khu vực Đầm Bấy.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Thúy Bình - Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường cho biết, trong vài năm gần đây, một số khu vực rừng ngập mặn phía bắc tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi tự nhiên tại những đìa tôm bỏ hoang, dọc theo các mương lạch, cửa sông, suối. Nhiều doanh nghiệp, người dân địa phương đã tích cực trồng mới và bảo vệ, nhờ đó diện tích rừng được tăng lên phần nào. Tuy diện tích phục hồi vẫn còn hạn chế so với trước kia, nhưng đó là dấu hiệu tích cực cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cộng đồng.

Theo ông Đàm Hải Vân - Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang, từ năm 2012 đến nay, ban quản lý đã phối hợp với các đơn vị, trường đại học triển khai các hoạt động tái tạo nguồn lợi, trồng mới rừng ngập mặn. Diện tích rừng tại Đầm Bấy đã tăng từ 5,4ha (năm 2015) lên khoảng 8ha. Mới đây, ban quản lý phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân lắp đặt giàn phao, bảng hiệu cảnh báo “Khu vực bảo vệ nguồn giống thủy sản và rừng ngập mặn, cấm khai thác”. Hiện nay, Đầm Bấy được quy hoạch để khôi phục và mở rộng diện tích rừng ngập mặn, hướng tới khai thác phát triển du lịch sinh thái hài hòa với thiên nhiên. Cùng với công tác tuyên truyền, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đang tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, Bộ đội Biên phòng tuần tra, xử lý những trường hợp có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến Đầm Bấy.

Học sinh được tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm bảo vệ rừng ngập mặn ven đầm Nha Phu.

Học sinh được tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm bảo vệ rừng ngập mặn ven đầm Nha Phu.

Để bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Thúy Bình, thời gian tới cần rà soát, bổ sung quy hoạch tại các địa phương ven biển; quy hoạch tối thiểu 500ha rừng ngập mặn cho toàn khu vực; tăng cường giám sát, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có; xây dựng kế hoạch trồng rừng hằng năm, huy động nguồn lực xã hội và tổ chức quốc tế; cải thiện tình trạng ô nhiễm ven biển, kiểm soát nạn xả thải ra môi trường biển; hỗ trợ cây giống cho người dân trồng và chăm sóc rừng. Đối với các khu vực lồng bè nuôi trồng hải sản, cần vận động doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia trồng rừng ngập mặn.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có rừng ngập mặn. Giai đoạn 2021 - 2030, ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý rừng ngập mặn gắn với quy hoạch lâm nghiệp; đánh giá toàn diện hiện trạng rừng (diện tích, trữ lượng, hệ thực vật, các tác động…); nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý chuyên trách; phát triển rừng ngập mặn theo cách tiếp cận sinh thái, lấy cộng đồng làm trung tâm. Các chính sách này kỳ vọng sẽ góp phần tăng diện tích rừng ngập mặn, nâng cao độ che phủ rừng, tăng khả năng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48,23ha rừng trồng ngập mặn tại huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có gần 1.722ha rừng ven biển với chức năng phòng hộ chắn gió, chắn cát, chắn sóng, lấn biển.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202505/hoi-sinh-rung-ngap-man-92954f2/