Nghỉ việc theo Nghị định 178 có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là khi nghỉ việc theo Nghị định 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025) có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Bảo hiểm thất nghiệp hoạt động theo nguyên tắc có đóng có hưởng
Khi thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sẽ có nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập nghỉ việc.
Bà Đồng Phương Anh (cán bộ công chức tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây đã hoàn thành thủ tục nghỉ hưu sớm theo diện tinh giản biên chế.
Theo chia sẻ của bà Phương Anh, trong quá trình làm hồ sơ nghỉ hưu, bà đã được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) tư vấn kỹ lưỡng về quyền lợi sau khi nghỉ việc. Vì công chức nhà nước không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nên khi nghỉ việc bà Phương Anh không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 178/2024, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 67/2025, bà Phương Anh được nhận trợ cấp thôi việc theo quy định.

Ảnh minh họa: Thạch Thảo
Đại diện BHXH TP. Hà Nội cho biết, đối với những người về hưu theo Nghị định 178, ngoài chế độ lương hưu theo Luật BHXH, họ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do về hưu trước tuổi. Đối tượng này còn được hưởng trợ cấp một lần theo quy định.
Đối với viên chức, người lao động tham gia BHXH (có đóng bảo hiểm thất nghiệp), khi chấm dứt hợp đồng lao động, họ có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mức hưởng bằng 60% lương bình quân 6 tháng và tùy vào số năm tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Mỗi một năm đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng 1 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Phân biệt chính sách của công chức với viên chức, người lao động
Theo quy định tại Nghị định 178, công chức có tuổi đời từ đủ 2 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi sẽ được hưởng 3 chế độ khi nghỉ thôi việc.
Trước hết là trợ cấp thôi việc. Nếu công chức nghỉ trong vòng 12 tháng đầu kể từ ngày có quyết định sắp xếp lại tổ chức bộ máy của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ được hưởng trợ cấp với mức 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp. Trong trường hợp nghỉ việc từ tháng thứ 13 trở đi, mức trợ cấp giảm còn 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi tháng tính hưởng.
Bên cạnh đó, công chức còn được hưởng trợ cấp tương ứng với thời gian đóng BHXH bắt buộc, cụ thể là 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.
Ngoài ra, công chức được bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc có thể lựa chọn nhận BHXH một lần theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng công chức không tham gia và cũng không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định hiện hành.
Đối với viên chức và người lao động trong trường hợp tương tự, tức là có từ đủ 2 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, chính sách hỗ trợ thôi việc có phần rộng hơn.
Ngoài các quyền lợi tương tự công chức như trợ cấp thôi việc (với mức 0,8 tháng tiền lương nếu nghỉ trong 12 tháng đầu và 0,4 tháng nếu nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi), trợ cấp 1,5 tháng lương cho mỗi năm có đóng BHXH và quyền bảo lưu hoặc nhận BHXH một lần, viên chức và người lao động còn được hỗ trợ thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.
Đặc biệt, họ cũng được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cả công chức, viên chức và người lao động đều được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc và hỗ trợ liên quan đến BHXH. Tuy nhiên, chỉ viên chức và người lao động được hưởng thêm trợ cấp tìm việc và bảo hiểm thất nghiệp.