Hồi sinh từ lụa vụn

Từ việc tận dụng vải thừa của làng nghề, họ đã sống cuộc đời mới bằng sức lao động và sáng tạo. Từ đôi bàn tay, họ ghép nên những giá trị lan tỏa về lòng yêu thương, sự quan tâm và tinh thần vượt khó, ví như những mảnh lụa vụn được 'đặt đúng chỗ' để được tiếp tục làm đẹp cho đời.

Mỗi người một câu chuyện đặc biệt

Trong căn phòng chỉ hơn chục mét vuông ngổn ngang giấy, bìa, vải vụn… tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, khi những thợ khác cặm cụi cắt, dán hoa văn, họa tiết thì Quảng chăm chú căn chỉnh từng mảnh vải nhỏ để hoàn thiện bức chân dung. “Quảng bị điếc nhưng lại có đôi bàn tay rất khéo” - Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường nói. Phần lớn tranh trong dự án Những bức chân dung từ lụa vụn thực hiện mấy tháng qua là do Quảng đảm nhiệm khâu ghép chi tiết khuôn mặt. Với tranh chân dung ghép vải, đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, nắm bắt được thần thái của nhân vật mà bức tranh tái hiện.

Ít ai ngờ thanh niên khéo léo này cách đây vài năm chỉ là thợ phụ hồ. Một ngày, bố của Quảng đưa cậu đến Vụn Art học việc. Từ một người không biết gì về nghề thủ công, không biết làm việc với vải vóc như thế nào, bắt đầu thực hiện một tác phẩm nghệ thuật ra sao, Quảng được làm quen với lụa vụn, kéo, bàn là…, dần trở nên thành thạo, tạo tác tranh chân dung sinh động, có hồn. “Lương của Quảng giờ cao thứ nhì của xưởng đấy”, anh Lê Việt Cường không giấu nổi niềm vui khi nhìn Quảng ngắm nghía, trau chuốt từng đường nét cho tác phẩm.

Giờ đây, những "nghệ nhân" khuyết tật của Vụn Art đã có thể tự tin là những người hữu ích, mang lại sản phẩm giá trị cao cho xã hội. Ảnh: Vụn Art

Giờ đây, những "nghệ nhân" khuyết tật của Vụn Art đã có thể tự tin là những người hữu ích, mang lại sản phẩm giá trị cao cho xã hội. Ảnh: Vụn Art

Tại Vụn Art, không riêng Quảng mà mỗi người đều là một câu chuyện đặc biệt. Như An là cô gái nhỏ nhắn bị mắc bệnh bại não đã vượt quãng đường dài từ quê nhà Nghệ An để đến với Vụn. Thời gian đầu bỡ ngỡ, tự ti, tưởng như không thể học nghề, không thể làm việc, nhưng với quyết tâm cùng sự giúp đỡ, chỉ bảo của những người đi trước ở Vụn, giờ đây An đã tự tin hơn rất nhiều. Từ cắt vải, tạo tác họa tiết đến hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm…, chẳng việc gì có thể làm khó An.

Hay Thành - một người khuyết tật trí tuệ; ngày Thành cùng bác và bố tới Vụn xin học nghề, em nhút nhát và ít nói, thậm chí luôn đề phòng người khác. Ánh mắt tự ti, sợ sệt, hỏi gì cũng phải hỏi lại em mới trả lời. Ban đầu hướng dẫn cho Thành ai cũng vất vả bởi em hay quên và vụng về, nhưng giờ đây, Thành như trở thành một người khác. Em hay cười, hay nói, thậm chí còn tâm sự cả những suy nghĩ thầm kín. Tối về nhà em biết đi chợ mua đồ ăn và còn chuẩn bị cho bữa ăn hôm sau mang tới Vụn. Riêng khâu cắt vải, Thành tự tin đảm nhiệm, tận tâm thực hiện tốt những chi tiết khó.

Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau được ví như những mảnh vụn ghép thành bức tranh, đúng như cái tên Vụn Art đang mang. Tất cả cùng nỗ lực đem lại sắc thái độc đáo, sinh động cho nghệ thuật tranh ghép vải.

Những giá trị lan tỏa

“Tôi có thể kể cho bạn nghe rất nhiều câu chuyện từ sự nỗ lực vượt lên khỏi mặc cảm tự ti, khắc phục những yếu ớt về thể chất và tinh thần, để trở thành những người lao động nghệ thuật tự tin và hạnh phúc. Tôi có thể kể rất nhiều câu chuyện về những tác phẩm tuyệt vời ghép tỉ mỉ từ từng mảnh vải lụa bé xíu, nhưng tinh tế và đẹp đẽ, là những bức tranh đã hiện diện trong nhiều phòng khách sang trọng, là những tấm áo thun khoác trên mình những người nổi tiếng...”. Đây là nội dung thư ngỏ của ông Lê Quốc Vinh, Tập đoàn Truyền thông Lê chia sẻ về dự án Những bức chân dung từ lụa vụn được Vụn Art khởi xướng từ tháng 5.

Nhiều người cho rằng, hành trình của Vụn Art suốt 7 năm qua dường như đã hiện thân giá trị trong dự án Những bức chân dung từ lụa vụn. Đó là 99 bức chân dung, bao gồm 79 bức chân dung của những người đã đồng hành với Vụn Art trong dự án và 20 bức tranh chân dung danh nhân Hà Nội tiêu biểu trải qua thời kỳ phong kiến, thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ chống Pháp, Mỹ và lịch sử hiện đại. Những mảnh lụa vụn tưởng chừng đã bị bỏ đi, dưới bàn tay khéo léo, cần cù của những “nghệ nhân” đặc biệt, đã trở thành sản phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng câu chuyện văn hóa, câu chuyện bản sắc truyền thống dân tộc.

Mỗi tác phẩm là tâm huyết, cũng là niềm tin, hy vọng của các thợ thủ công trên con đường hồi sinh lụa vụn. Qua rất nhiều công đoạn từ lựa chọn mảnh lụa vụn, cắt tỉa, ghép thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, họ đã tỉ mỉ, kiên nhẫn và cố gắng không ngừng nghỉ. Từ việc tận dụng vải thừa của làng nghề, họ đã sống cuộc đời mới bằng sức lao động và sáng tạo. Từ đôi bàn tay, họ ghép nên những giá trị lan tỏa về lòng yêu thương, sự quan tâm và tinh thần vượt khó, ví như những mảnh lụa vụn được “đặt đúng chỗ” để được tiếp tục làm đẹp cho đời.

Như chị Linh, một thợ của Vụn Art chia sẻ: “Tôi làm giáo viên mầm non ở ngay làng Vạn Phúc nhưng rồi bị bệnh, hai chân yếu, phải dùng nạng, không đi làm được nữa. Vào lúc tưởng chừng tương lai phía trước đã khép lại, thì tôi biết đến Vụn. Lúc mới đến đây tôi cũng rất đắn đo không biết mình có làm được không. Nhưng rồi nhờ mọi người giúp đỡ, động viên, tôi dần quen và ngày càng thấy yêu nghề. Giờ đây, tôi đã lấy lại niềm vui khi có thể tự lao động, khẳng định giá trị của bản thân, mang lại giá trị cho xã hội”.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/hoi-sinh-tu-lua-vun-i382479/