Hồi sinh vùng tâm bão

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành Ngân hàng luôn xác định doanh nghiệp là người bạn đồng hành, các giải pháp chính sách của hoạt động ngân hàng đều hướng đến doanh nghiệp và người dân.

Mỗi khi nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng lại quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ. Như những câu chuyện đẹp từ siêu bão Yagi, khi thành quả làm lụng cả cuộc đời của bà con cuốn theo dòng nước, ngân hàng lại là người bạn sát cánh cùng người dân tái thiết sau bão lũ. Nguồn vốn vay mới như chiếc phao cứu sinh quý giá mà ngân hàng trao để người dân, doanh nghiệp quyết tâm đứng lên từ những hoang tàn, đổ nát.

Sát cánh cùng người dân tái thiết sau cơn bão lịch sử

Đã hơn ba tháng kể từ khi cơn bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc của nước ta, gây thiệt hại vô cùng nặng nề. Những nơi mà cơn bão đi qua đã để lại nỗi ám ảnh về sự tàn phá khó có thể tưởng tượng, thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Đây là cơn bão mạnh nhất mà châu Á ghi nhận trong năm 2024, đồng thời là cơn bão mạnh thứ 2 thế giới tính tới hiện tại sau siêu bão Beryl. Mức độ thiệt hại do bão Yagi gây ra đối với nền kinh tế Việt Nam ước tính lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Vài ngày sau khi cơn bão đổ bộ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã nhanh chóng thành lập đoàn công tác xuống tâm bão Quảng Ninh. Có mặt tại Bến Giang, xã Tân An, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đoàn công tác không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh hoang tàn của những lồng bè lênh đênh trên biển. Toàn bộ bè nuôi hải sản không bè nào còn lành lặn. Bà con Tân An gặp nhau những ngày bão tan chỉ biết ôm nhau và khóc, tự an ủi rằng “còn người là còn của”. Qua một đêm bão, các hộ gia đình thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng, thành quả tích cóp cả đời trôi theo dòng nước. Gặp đoàn công tác, chị Ngô Thị Thúy, người dân phường Tân An lúc đó nghẹn ngào: “Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì hai năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng”.

Sau vài tháng chúng tôi trở lại, Tân An giờ đây đã thay đổi. Không khuất phục bởi thiên tai, người dân vựa nuôi trồng thủy sản lớn nhất Quảng Yên đang tích cực đóng lại bè mới để tái sản xuất. Chị Ngô Thị Thúy cho biết, nuôi trồng thủy sản phải tính đến thời điểm xuống giống và đây chính là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống vụ mới, khi nhiệt độ còn mát, nếu chậm hơn, nước lạnh, hải sản sẽ không chóng lớn, hiệu quả kinh tế sẽ giảm đi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ lúc này là rất kịp thời. Ngay sau khi được ngân hàng hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng, chị Thúy đã mua 5.000 con cá song để tái sản xuất, đồng thời gia cố các bè mảng, cố gắng vực dậy, làm lại từ đầu.

Không chỉ gia đình chị Thúy, thời gian gần đây, tại các vùng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, hoạt động gia cố, đóng mới nhà bè, ô lồng bè, đóng lọc, thả giống... để tái phục hồi sau bão số 3 diễn ra rất sôi động. Để giúp người dân vừa khôi phục sản xuất, vừa đảm bảo các quy định, địa phương đã nỗ lực triển khai các thủ tục để giao khu vực biển cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong thẩm quyền. Đây sẽ là sự hỗ trợ kịp thời, giúp người dân có điều kiện phục hồi sau cơn bão.

Cùng với chính quyền địa phương, ngành Ngân hàng Quảng Ninh cũng đang tích cực sát cánh cùng bà con trên địa bàn. Ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ninh thông tin, tính đến ngày 20/10/2024, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 12.809 khách hàng với dư nợ 873,3 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay đối với 5.532 khách hàng, với tổng dư nợ được giảm lãi suất là 18.808 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng cũng thực hiện cho vay mới đối với 5.655 khách hàng, với tổng số tiền cho vay là 2.404 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất tốt để người dân, doanh nghiệp có đồng vốn tái thiết sau bão.

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng - địa phương cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, các NHTM đã quyết liệt vào cuộc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, các ngân hàng thực hiện điều chỉnh giảm từ 0,5 - 2% lãi suất cho vay và miễn giảm 75 -100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 và lũ lụt sau bão số 3; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho một số khách hàng bị ảnh hưởng do bão. Dự kiến cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 15 khách hàng, tổng dư nợ là 106 tỷ đồng; miễn giảm lãi suất cho 654 khách hàng với tổng số tiền là 3.532 tỷ đồng; cho vay mới 7.411 khách hàng, doanh số cho vay dự kiến là 535 tỷ đồng.

Ngân hàng luôn là người bạn “chia ngọt, sẻ bùi” cùng doanh nghiệp, người dân

Ngân hàng luôn là người bạn “chia ngọt, sẻ bùi” cùng doanh nghiệp, người dân

Cơn bão qua đi, tình người ở lại…

Nhắc tới những nơi thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 không chỉ cả về vật chất mà cả con người có lẽ phải nhắc tới Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc đặt tại tỉnh Lào Cai. Căn nhà điều hành của một nhà máy thủy điện sau cơn giông tố chỉ còn là một khu đất ngổn ngang, giám đốc điều hành của nhà máy cũng đã thiệt mạng trong cơn bão. Ông Nguyễn Tất Anh - tân Giám đốc điều hành của nhà máy vừa được điều động về nghẹn ngào chia sẻ, nỗi đau mất đồng nghiệp chưa nguôi ngoai, nhà máy còn bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và cho đến giờ vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Thấu hiểu khó khăn trước mắt của nhà máy, SHB chi nhánh Lào Cai đã giảm số tiền lãi phải trả của nhà máy trong 4 tháng cuối năm 2024 là trên 10 tỷ đồng. Để doanh nghiệp có nguồn kinh phí thay thế, sửa chữa máy móc, sớm đưa nhà máy đi vào vận hành, SHB mạnh dạn cho doanh nghiệp vay với số tiền 50 tỷ đồng, lãi suất 4,5%/năm. Với những hỗ trợ từ SHB, hiện Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc vẫn đang cố gắng khắc phục hậu quả, sớm đưa nhà máy vận hành ổn định trở lại vào giữa năm 2025.

Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh Lào Cai Đỗ Quang Huy, chia sẻ, cơn bão Yagi qua đi, để lại nhiều khó khăn, mất mát nhưng điều lớn nhất là ở lại tình người và trách nhiệm. Chính sự đoàn kết, chia sẻ khó khăn trong những hoàn cảnh như vậy đã làm tăng thêm động lực giúp người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cấp, các ngành cùng vượt qua mọi khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong những lúc thuận lợi, ngành Ngân hàng cùng thụ hưởng thành quả với đất nước, nhân dân và doanh nghiệp, thì khi đất nước, nhân dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng cùng nhau chia sẻ với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Ngày 4/12/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1510/QĐ-TTg phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3. Việc ban hành chính sách đã tạo cơ sở pháp lý và khuyến khích các TCTD mạnh dạn cho vay, hỗ trợ khách hàng khôi phục lại sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các TCTD cũng giảm bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh hiện nay khi rất nhiều khoản nợ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. NHNN cũng nhanh chóng ban hành Thông tư số 53/2024/TT-NHNN, quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3 và các thiệt hại liên quan như ngập lụt, lũ lụt, sạt lở đất. Đây là biện pháp nhằm hỗ trợ giảm áp lực tài chính và tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thiên tai.

Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng, với tinh thần bất khuất, kiên cường, chịu thương chịu khó của người dân Việt Nam cùng với sự đồng lòng hỗ trợ của các ngành, các cấp trong đó có ngành Ngân hàng, nhất định người dân, doanh nghiệp ở 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi sẽ sớm khôi phục và phát triển mạnh mẽ.

Hạ Chi

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hoi-sinh-vung-tam-bao-160035.html