Hội thảo 'Bảo tồn, nâng cao giá trị và nhãn hiệu sản phẩm chè Shan tuyết núi cao trên địa bàn tỉnh Hà Giang'

BHG - Sáng 29.5, tại khách sạn Hà An (T.p Hà Giang), Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, nâng cao giá trị và nhãn hiệu sản phẩm chè Shan tuyết núi cao trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2024 – 2025 và đến năm 2030”. Tham gia hội thảo có nhóm chuyên gia tư vấn Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); lãnh đạo Sở Công thương, Sở Khoa học – Công nghệ; đại diện UBND và Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện: Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Đồng Văn, Yên Minh, thành phố Hà Giang; đại diện các HTX, hộ sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Ban Quản lý dự án TA6776-VIE (Ngân hàng ADB) phát biểu tại hội thảo về các nội dung ADB đang hỗ trợ tại tỉnh Hà Giang.

Đại diện Ban Quản lý dự án TA6776-VIE (Ngân hàng ADB) phát biểu tại hội thảo về các nội dung ADB đang hỗ trợ tại tỉnh Hà Giang.

Cây chè Shan tuyết là cây trồng đặc trưng, có giá trị, là một trong 5 cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đã được định hướng phát triển tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh có 74 sản phẩm chè đạt OCOP, đặc biệt có 2 sản phẩm đạt 5 sao OCOP. Sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang được quảng bá, giới thiệu, có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng, hội chợ, triển lãm trên toàn quốc và đạt được nhiều giải cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. Với mong muốn tiếp tục đưa ngành chè trở thành ngành hàng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua Ban Quản lý dự án TA6776-VIE “Hỗ trợ Hà Giang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng nhằm phát huy sự tham gia và lợi ích kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số” do Ngân hàng ADB tài trợ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng dự thảo Đề án “Bảo tồn, nâng cao giá trị và nhãn hiệu sản phẩm chè Shan tuyết núi cao trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2024 - 2025 và đến năm 2030".

Theo báo cáo của nhóm chuyên gia tư vấn Ngân hàng ADB, Đề án được xây dựng với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững diện tích và hoàn chỉnh chuỗi giá trị chè Shan tuyết núi cao hiện có theo hướng nâng cao sản xuất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và nhãn hiệu sản phẩm gắn với thị trường, sản phẩm được quản lý và phát triển theo hướng đa dạng. Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2024 - 2025 bảo tồn, phát triển bền vững 7.000 ha chè Shan tuyết theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ; có hơn 1.620 cây chè Shan tuyết được công nhận “Cây chè di sản Việt Nam” và đến năm 2030 đạt 5.000 cây. Phấn đấu đến hết năm 2025, năng suất chè búp tươi đạt trung bình 50 tạ/ha, sản lượng đạt 35 nghìn tấn, giá trị sản phẩm/1ha đất trồng chè, tăng 1,5 – 2 lần so với hiện tại. Phạm vi của Đề án áp dụng các huyện trồng, sản xuất, kinh doanh chè Shan tuyết trên địa bàn tỉnh.

Nghệ nhân Trà, Đào Đức Hiếu - Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng (Yên Bái) thảo luận về giải pháp nâng cao giá trị cây chè Shan tuyết.

Nghệ nhân Trà, Đào Đức Hiếu - Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng (Yên Bái) thảo luận về giải pháp nâng cao giá trị cây chè Shan tuyết.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, phân tích về tiềm năng, đánh giá thực trạng phát triển ngành chè Shan tuyết của tỉnh. Bên cạnh đó, chia sẻ những cách làm hay, nâng cao công tác truyền thông, quảng bá và các giải pháp xây dựng hệ sinh thái, nhãn hiệu, không gian văn hóa Trà Shan tuyết… để bổ sung, hoàn thiện Đề án trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Văn Long

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202405/hoi-thao-bao-ton-nang-cao-gia-tri-va-nhan-hieu-san-pham-che-shan-tuyet-nui-cao-tren-dia-ban-tinh-ha-giang-dc05c2b/