Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023
Ngày 22/6, Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 (BCTNKT 2023) được tổ chức bởi Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh Tế - ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội với sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các sứ quán, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế và cơ quan thông tấn báo chí.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã liên tục xuất bản và công bố trong 15 năm qua, tập trung phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 có chủ đề: Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ.
Năm 2022, đại dịch COVID vẫn chưa thực sự được kiểm soát trên thế giới, cộng hưởng với làn sóng lãi suất dâng cao và biến động chính trị khó lường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các động lực tăng trưởng của Việt Nam.
Thông điệp lớn nhất của báo cáo năm nay là tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao. Khi các chỉ số đảm bảo tăng trưởng bền vững và sức cạnh tranh doanh nghiệp đều suy giảm trong điều kiện các yếu tố kinh tế quốc tế không thuận lợi, kèm theo những vấn đề nội tại kinh tế không được xử lý triệt để nên khi khó khăn xảy ra, khả năng thích ứng không cao.
Do vậy cần tăng cường tính liên kết và chú trọng giải pháp phát triển doanh nghiệp một cách thực chất và bền vững.
BCTNKT 2023 do TS. Nguyễn Quốc Việt chủ biên, đã quy tụ một số lượng lớn các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các Viện nghiên cứu và Trường đại học tham gia. Báo cáo đã nhận được sự cố vấn, phản biện của nhiều chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh tế. Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Hội thảo công bố BCTNKT 2023 của VEPR tạo điều kiện cho trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia một cách trực tiếp về các chủ đề được bàn luận tới trong hội thảo.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đông đảo với sự có mặt của nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia cao cấp về kinh tế trong và ngoài nước...
Gợi mở khuyến nghị chính sách
Tổng kết Hội thảo, Ban tổ chức đã đưa ra một số kết luận quan trọng nhằm gợi mở một số khuyến nghị chính sách quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng cường liên kết doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Các giải pháp ngắn hạn được chỉ ra: Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp; Quan tâm giải quyết các khó khăn tài chính cho doanh nghiệp, trong đó tiếp tục có giải pháp hỗ trợ giãn nộp cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 mà không có khả năng nộp.
Các cơ quan chức năng cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn nộp ngân sách nhà nước với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi, cụ thể là với với các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp như: tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Cần tiến hành kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2023, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ trong trả lương cho người lao động, chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội như giảm mức đóng thay vì chính sách không tính lãi cho doanh nghiệp như hiện nay.
Ngoài ra, cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ giải quyết thủ tục hành chính triệt để trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền, có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương.
Về các giải pháp trung và dài hạn, bên cạnh việc song song thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được xây dựng ngay từ bây giờ.
Theo đó cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ. Việt Nam hiện có 15 FTA đang có hiệu lực trong đó có nhiều thị trường mà Việt Nam hiện có lợi thế do các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam chưa có FTA (ví dụ EU, Liên minh kinh tế Á-Âu, Chile, Canada… chưa có FTA với phần lớn các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong ASEAN, Trung Quốc).
Do đó, lợi thế thuế quan theo các FTA là công cụ quan trọng để hấp dẫn các khách hàng quay trở lại đặt hàng với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Vì vậy, đề nghị cần có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA
Bên cạnh đó, cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính có liên quan để tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với nông thủy sản để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Cũng cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ; Có chiến lược cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư mạnh mẽ hơn để giữ vững được dòng vốn đầu tư nước ngoài, thích ứng với sự thay đổi lớn của nhiều chính sách đầu tư toàn cầu mới như thuế tối thiểu toàn cầu…