Hội thảo khoa học 'Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước'
Hôm nay 6/6, tại thành phố Đông Hà, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học 'Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước'. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam (CMLTCHMN) Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tháng 9/1973 - 9/2023.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì điều hành hội thảo.
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang; đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo Quân khu 4; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị; các nhân chứng lịch sử...
8h30: Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị:
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung: Tính tất yếu về sự ra đời và những đóng góp to lớn của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Làm rõ những dấu ấn của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị; những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đối với hoạt động của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam. Phát huy truyền thống cách mạng và giá trị Khu du tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam, xây dựng Quảng Trị văn minh, giàu đẹp...
GS. TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Khu di tích Trụ sở làm việc Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam tại Quảng Trị là biểu tượng sáng ngời về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước như nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Bình đã khẳng định: “Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử, nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại”.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, 50 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương và bè bạn quốc tế, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả rất quan trọng. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn (2015 - 2022) đạt 7,10%. Đến năm 2022, GRDP bình quân đầu người ước đạt xấp xỉ 63 triệu đồng, gấp 1,8 lần so với năm 2015. Văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện. Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Nhờ vậy, vùng đất Quảng Trị bị tàn phá bởi bom đạn quân thù khi xưa, nay đã ngày càng trở nên trù phú. Những khu đô thị sầm uất mọc lên trên mảnh đất một thời bom cày, đạn xới. Các khu đô thị, công nghiệp hiện đại hình thành, phát triển.
Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quảng Trị vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 2 Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương và để xứng đáng là vùng đất được chọn làm nơi đặt Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam, hiện nay Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã và đang nỗ lực phấn đấu khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, động lực phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Từng bước hiện thực hóa lời nhắn nhủ tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị trong một lần về thăm tỉnh: “Ngoài những tiềm năng sẵn có thì với Quảng Trị, truyền thống cách mạng anh hùng cũng là một nguồn lực, động lực để thúc đẩy phát triển. Tỉnh Quảng Trị đã anh hùng trong chiến đấu, phải thành công trong kiến thiết, dựng xây... Đảng bộ tỉnh từng được tôi luyện qua thử thách, phải thực sự là hạt nhân, là đầu tàu, phải là một “lũy thép” vững vàng, đoàn kết thống nhất cao để đưa QuảngTrị bứt phá đi lên”.
9h00: Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang nêu rõ:
Vị trí địa lý và sự vận động thực tiễn của lịch sử đã đưa Quảng Trị trở thành vùng đất có vai trò trọng yếu về chính trị, quân sự trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nơi đây một thời được xem là “chiến địa”, “trấn biên”, phên dậu”, ba lần được chọn làm “kinh đô” của đất nước, trong đó lịch sử đã ghi dấu thời khắc là nơi đặt trụ sở Chính phủ CMLT CHMN Việt Nam (1973-1975).
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Trị là mảnh đất anh hùng, nơi đụng đầu lịch sử giữa hai thế lực - cách mạng và phản cách mạng, nơi chứng kiến nỗi đau đất nước bị chia cắt dằng dặc gần một phần tư thế kỷ. Hai Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương và Việt Nam đều gắn liền với mảnh đất và con người Quảng Trị có biết bao niềm tự hào và sự khâm phục.
Vì cả nước, cùng cả nước, quân và dân Quảng Trị đã cùng các đơn vị chủ lực nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm nên “Vĩnh Linh lũy thép anh hùng”, “Khe Sanh bất tử, Ba Lòng, Cam Lộ, Gio Linh, Đông Hà, Triệu Hải rực lửa tiến công”... Đặc biệt chiến dịch Xuân Hè 1972, chúng ta đã tiến công và nổi dậy; ngày 1/5/1972, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Con người nơi đây anh hùng, bất khuất và những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông rất đỗi thân quen mà giàu chất sử thi, rất đỗi bình dị mà có sức lay động lòng người.
Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết và tỉnh Quảng Trị được giải phóng, liên thông với khu căn cứ cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng giải phóng hạ Lào rộng lớn, đặc biệt tiếp giáp với miền Bắc XHCN, Quảng Trị trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao…
Để tạo ra bộ mặt mới về trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam, thực hiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới thắng lợi hoàn toàn, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam quyết định đặt trụ sở làm việc tại huyện Cam Lộ để tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Tại đây ngày 6/6/1973, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã làm lễ ra mắt Nhân dân trong buổi mít tinh trọng thể.
Đại biểu của 19 nước anh em, bạn bè khắp năm châu đã tới dự, đặt chân lên vùng đất vẫn còn vương mùi đạn pháo để chia vui cùng chúng ta, đại sứ của các nước đã trình Quốc thư và nơi đây cũng vinh dự được đón tiếp nhiều vị lãnh tụ các nước như: lãnh tụ Cuba Fidel Castro; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Georges Marchais...
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam cùng với Nhân dân cả nước, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại đã lãnh đạo Nhân dân miền Nam tiến tới tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Khẳng định lại một lần nữa ý nghĩa quan trọng của sự kiện ra mắt Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam tại Quảng Trị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang bày tỏ mong muốn, thông qua hội thảo này, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về bằng chứng lịch sử, vai trò của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trên cơ sở đó nhằm bổ sung thêm nguồn tư liệu về Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam và góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, ý chí kiên cường của dân tộc đối với các thế hệ người Việt Nam. Đồng thời, cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, khơi dậy và phát huy sức mạnh nội sinh để góp phần xây dựng Quảng Trị, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc...
9h20: TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Thành lập Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam – Sự sáng tạo mang tính chiến lược của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Trước các yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến, ngày 25/5/1969, Hội nghị hiệp thương giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam - một tổ chức chính trị đại diện cho tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở các thành thị - để thảo luận việc triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam. Trong các ngày 6, 7 và 8/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã họp tại Chiến khu Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở phân tích sâu sắc về tình thực tế và yêu cầu của cách mạng miền Nam, Đại hội đã nhất trí thông qua bản Nghị quyết cơ bản thành lập chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam.
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam là cơ quan quyền lực cao nhất, có nhiệm vụ động viên, lãnh đạo toàn quân, toàn dân, lãnh đạo các cấp Ủy ban Nhân dân Cách mạng, đẩy mạnh cao trào tổng tiến công và nổi dậy, kết hợp với đấu tranh ngoại giao nhằm đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ ngụy quyền, thực hiện các mục tiêu độc lập, dân chủ, hòa bình tiến tới thống nhất đất nước.
Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam được Đại hội đại biểu quốc dân giao toàn quyền điều khiển và giải quyết mọi công tác đối nội và đối ngoại. Đại hội đã bầu Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam thành lập là một sự kiện trọng đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam; nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước anh em và bạn bè trên thế giới. Ngay trong tháng đầu tiên sau khi tuyên bố thành lập (tháng 6/1969) đã có 23 nước công nhận Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam và đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ, trong đó Cuba và Angiêri là hai nước đầu tiên.
Sau đó không lâu, số nước công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời lên đến 30 nước. Việc thành lập Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam cũng như chính quyền nhân dân các cấp đánh dấu sự trưởng thành của cách mạng miền Nam. Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam trở thành tổ chức đại diện chân chính và duy nhất của Nhân dân miền Nam ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Về đối ngoại, ngay sau khi tuyên bố thành lập, Đoàn đại biểu Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã đi thăm các nước như Vương quốc Campuchia, thăm Mặt trận Lào yêu nước ở căn cứ Sầm Nưa, thăm các nước XHCN như Liên Xô, Trung Quốc, Anbani, Ba Lan, Bungari, Cuba, CHDC Đức, Hungari, Mông Cổ, Tiệp Khắc, Triều Tiên.
Tại Hội nghị Paris về Việt Nam, Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và tiếp đó là Đoàn đại biểu Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã kiên trì và kiên quyết đấu tranh, góp phần vào việc buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và rút hết quân Mỹ về nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với sự thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, việc thành lập Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam thể hiện sự sáng tạo độc đáo, mang tính chiến lược của Đảng.
Với sự thành lập Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam, vị thế và uy tín của cách mạng miền Nam ngày càng cao và mở rộng trên thế giới, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
9h35: Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam trên lĩnh vực đấu tranh quân sự
Ảnh: Thành Dũng
Trong phiên họp đầu tiên vào ngày 10/6/1969, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã đề ra Chương trình hành động gồm 12 điểm, xác định chủ trương phối hợp chặt chẽ cùng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong mọi hoạt động lãnh đạo, tổ chức, quản lý vùng giải phóng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên mọi lĩnh vực.
Cùng với việc ra sức xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng các cấp, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã tổ chức và động viên cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân miền Nam chiến đấu bảo vệ xóm làng, phòng gian, bảo mật, chống chiến tranh tâm lý, chống địch càn quét, lấn chiếm. Thực hiện chính sách nhân đạo, ngày 2/12/1969, Chính phủ CMLT CHMN Việt Nam ra tuyên bố ngừng tiến công quân sự nhân dịp lễ Noel và Tết dương lịch.
Chấp hành nghiêm quyết định của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam ra lệnh cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, an ninh vũ trang và dân quân du kích ngừng tấn công quân sự trong 3 ngày (24 - 27/12/1969). Ngay khi Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc tấn công xâm lược Campuchia, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam chỉ đạo các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc phản công nhằm đánh bại âm mưu và hành động mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương của Mỹ.
Nhân cơ hội quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đang bị sa lầy ở chiến trường Campuchia, các lực lượng vũ trang giải phóng tiến công vào hàng loạt căn cứ địch ở các thành phố, thị xã và tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch trên toàn miền Nam Việt Nam, đồng thời bẻ gãy nhiều cuộc hành quân lấn chiếm của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ cách mạng.
Trong lúc này, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam chỉ đạo lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam tích cực giúp đỡ và phối hợp với Cách mạng Lào mở rộng và xây dựng vùng Trung, Hạ Lào thành căn cứ địa ngày càng vững mạnh và sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công lớn hoặc những hành động lấn chiếm của địch.
Với tư cách là thực thể chính trị độc lập, đại diện hợp pháp duy nhất của Nhân dân miền Nam Việt Nam, ngay từ khi ra đời, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã tích cực chỉ đạo, điều hành quân và dân miền Nam tiến hành các hoạt động đấu tranh quân sự trong suốt những năm tháng quyết định của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
9h45: TS. Phạm Văn Hồ, Phó Trưởng Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Khu vực III: Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế
Ảnh: Thành Dũng
Trong phiên họp đầu tiên, ngày 10/6/1969, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã đề ra Chương trình hành động gồm 12 điểm, trong đó có nội dung thứ bảy về kinh tế. Thực hiện Chương trình hành động, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam tích cực chỉ đạo phát triển kinh tế trong vùng giải phóng, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, tiến hành tạm cấp ruộng đất cho nông dân thiếu ruộng; thực hiệm giảm tô, tổ chức sản xuất và chiến đấu.
Đến năm 1971, chính quyền cách mạng đã cấp 1,6 triệu hecta ruộng đất cho nông dân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 24 (khóa III), ngày 29/9/1975, đề ra một số nhiệm vụ công tác trước mắt đối với miền Nam, trong đó có lĩnh vực kinh tế . Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ Cách mạng lâm thời và sự quyết tâm của chính quyền các cấp, phong trào tháo gỡ bom mìn, khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi được tổ chức triển khai khắp các tỉnh miền Nam.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam và sự lao động hăng say của nông dân, nếu như trước năm 1975, “từ chỗ miền Nam có năm nhập tới 800.000 tấn lương thực - đã có thể vươn lên bảo đảm lương thực đủ ăn cho số dân đã tăng lên 24 triệu người” vào năm 1976.
Trong hai năm 1975 - 1976, thành phố Sài Gòn đã vận động gần 30 vạn đồng bào đi xây dựng các vùng kinh tế mới ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ngày 10/9/1975, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam ra tuyên bố về một số chính sách khôi phục và phát triển công thương nghiệp, bài trừ hành động lũng đoạn, đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường.
Tại thành phố Sài Gòn – Gia Định, 5 tháng sau ngày giải phóng đã đưa trở lại hoạt động 1.700 xí nghiệp, 3.316 cơ sở công nghiệp do thành phố quản lý, tạo việc làm cho 130.000 người. Những tháng cuối năm 1975, phục hồi thêm được 138 cơ sở sản xuất với 32.791 người có thêm việc làm. Với sự tái hoạt động của các xí nghiệp, cơ sở sản xuất đã giải quyết được một phần hàng hóa khan hiếm trên thị trường thành phố...
Nhằm tiếp tục ổn định đời sống Nhân dân và thống nhất tiền tệ, tháng 9/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thay đổi đồng tiền của chính quyền Sài Gòn cũ bằng đồng tiền Ngân hàng Việt Nam. Ngày 23/9/1975, toàn miền Nam bắt đầu tiến hành việc đổi tiền cho Nhân dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng tiền cũ của Sài Gòn đã bị thu đổi và mất giá trị sử dụng.
Trong quá trình hoạt động từ tháng 6/1969 đến ngày 30/4/1975, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã thực hiện những cải cách dân chủ trong vùng giải phóng, đặc biệt thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, đem lại ruộng đất cho nông dân nghèo. Chính phủ đã chăm lo các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,…
Việc xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng với các hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam và hệ thống chính quyền cách mạng các cấp đóng vai trò quan trọng và thực sự góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ tháng 4/1975 đến tháng 7/1976, những hoạt động của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam diễn ra sinh động, phong phú và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Chính phủ đã cụ thể hóa và chỉ đạo có hiệu quả chủ trương của Đảng về khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế và triển khai có hiệu quả các lĩnh vực khác; chính vì thế, xã hội miền Nam được ổn định, không có sự xáo trộn lớn. Những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
9h55: Th.s Đỗ Văn Bình, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ: Vị trí chiến lược và đóng góp của Nhân dân Cam Lộ đối với Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam
Ảnh: Thành Dũng
Khẳng định Cam Lộ vinh dự là mảnh đất hai lần được lịch sử lựa chọn đặt “kinh đô kháng chiến”, tham luận chỉ rõ, năm 1885, Vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên phò Vua đánh đuổi giặc Pháp, cứu giống nòi tại Thành Tân Sở; đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cam Lộ lại được chọn làm nơi đặt trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam (năm 1973) - hội tụ phong trào yêu nước của Nhân dân miền Nam dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đấu tranh trực diện với quân thù, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với mục đích tạo thuận lợi các hoạt động ngoại giao, tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam tiến tới thắng lợi hoàn toàn, từ sau ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam. Việc xây dựng, chọn địa điểm xây dựng trụ sở được hết sức cân nhắc bởi ngoài ý nghĩa là có trụ sở an toàn và ổn định để các thành viên của Chính phủ làm việc lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam, thực hiện công tác ngoại giao với các nước trên thế giới. Sau năm 1975, khi Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam hoàn thành vai trò lịch sử của mình thì toàn bộ khu trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý.
Như vậy, từ khi bắt đầu khởi công xây dựng, đến khi Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử đối với đất nước, Đảng bộ và Nhân dân Cam Lộ đã cùng các đơn vị khác bảo vệ sự an toàn của khu trụ sở Chính phủ và các hoạt động của Chính phủ để “trái tim” cách mạng miền Nam đập cùng nhịp đập với đất nước.
Mảnh đất và con người Cam Lộ đã cùng cả dân tộc đi suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua quá trình đấu tranh để tồn tại và phát triển, nơi đây đã để lại những dấu ấn lịch sử thật đậm nét. Kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khí phách anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền huyện Cam Lộ trăn trở cùng đồng đất quê hương, quyết tâm đánh thức mọi tiềm năng thế mạnh, tìm hướng đi lên để người dân no ấm.
Những yếu tố lịch sử, văn hóa nổi trội này, cùng với những thời cơ, thuận lợi có được, đã hội tụ đầy đủ điều kiện để Cam Lộ vững vàng đi lên từ nền tảng nội lực của mình trong bối cảnh mới; thành quả nổi bật, ấn tượng nhất của huyện Cam Lộ trong nhiệm kỳ qua là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra; quyết tâm sớm đưa huyện về đích nông thôn mới kiểu mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 -2025.
10h30: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng: Vai trò của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam tại Cam Lộ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1973 - 1975
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam được chuyển từ Lộc Ninh - Tây Ninh đến vùng giải phóng Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ngày 6/6/1973, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam tổ chức lễ mít tinh ra mắt trụ sở trước sự chào mừng của hàng vạn đồng bào và chiến sĩ, cùng đại biểu 19 nước anh em và đông đảo phóng viên báo chí quốc tế. Từ sau khi ra mắt tại Quảng Trị đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam có nhiều hoạt động nổi bật, khẳng định vị thế trên trường quốc tế và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã tổ chức thành công việc đón tiếp lãnh tụ các nước, các Đảng Cộng sản trên thế giới đến thăm, đại sứ các nước đến trình Quốc thư; cử nhiều đoàn cấp cao đi thăm các nước và tham gia phong trào tiến bộ trên thế giới, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế. Trong 2 năm 1973-1974, tại vùng giải phóng Quảng Trị, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã đón tiếp trên 30 đoàn đại biểu từ các nước Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Campuchia, CHDC Đức, Cuba, Bungary, Hunggary, Chi lê, Iran, Thụy Điển, Pháp, Italia, Đan Mạch, Nhật Bản, Mỹ…
Từ tháng 6/1969 đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 quốc gia trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam. Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam có gần 30 đại sứ quán và cơ quan đại diện ở nước ngoài. Uy tín của Chính phủ cách mạng ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Cùng với đón tiếp chu đáo các đoàn khách quốc tế, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam còn tổ chức các đoàn đại biểu cấp cao lần lượt đi thăm nhiều nước trên thế giới, thiết lập mối quan hệ ngoại giao và tham gia các phong trào tiến bộ nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Việt Nam.
Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Paris, bảo vệ vùng giải phóng, xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh về mọi mặt, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Song song với ra các tuyên bố phản đối hành động phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, trong hai năm 1973-1974, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng quân và dân miền Nam đánh bại hầu hết các cuộc hành quân “bình định”, lấn chiếm của địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, đẩy địch vào thế phòng ngự bị động...
Có thể nói, mặc dù chỉ hoạt động từ năm 1973 - 1975, nhưng Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam tại Quảng Trị đã có đóng góp nổi bật, tạo dựng nên hình ảnh một chính quyền cách mạng vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ; là chính quyền đại diện duy nhất ở miền Nam Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận...
10h45: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Mặt trận Nhân dân thế giới ủng hộ Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam
Ảnh: Thành Dũng
Tháng 6/1969, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam thành lập và được nhiều quốc gia công nhận. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng khi cách mạng miền Nam có đại diện chính thức trong mọi hoạt động, nhất là khi mặt trận ngoại giao đang có những diễn biến sôi nổi. Sau ngày ký Hiệp định Paris 27/1/1973, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã thành lập trụ sở công khai vùng giải phóng miền Nam đóng tại Cam Lộ, Quảng Trị. Ngoại giao Việt Nam nói chung và ngoại giao Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam tiếp tục nêu cao thiện chí và quyết tâm của Nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ quốc tế, hướng phong trào vào việc đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành hiệp định Paris.
Những thành tựu của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam trong việc phối hợp chặt chẽ với các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ đồng tình, giúp đỡ của bạn bè thế giới, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là bài học quý giá về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, làm giàu thêm truyền thống và bản sắc của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Phong trào ủng hộ Việt Nam và Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam chống Mỹ hình thành từ sớm, phát triển hầu khắp các nước thuộc cả 3 nhóm: Xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa và thế giới thứ ba. Sự hình thành và lớn mạnh của phong trào Nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam gắn liền với sự lớn mạnh và thắng lợi của Nhân dân Việt Nam ở hai miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...
Tiếng nói chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam vang khắp thế giới, góp phần làm rạng rỡ dân tộc ta, nâng cao uy tín trên trường quốc tế. Sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới với Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam là nhân tố quốc tế có tính lịch sử và thời đại. Ngoại giao trở thành một mặt trận có ý nghĩa chiến lược, trong đó ngoại giao nhân dân đóng vai trò không nhỏ.
Thông điệp đối ngoại được truyền đi tập trung làm nổi bật ba nội dung chính: tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh, quyết tâm giành thắng lợi và thiện chí hòa bình của Việt Nam. Trong lịch sử thế giới, chưa có cuộc đấu tranh của dân tộc nào được sự ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ của nhân dân thế giới, nhân dân đối phương như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam. Chưa bao giờ số phận của một quốc gia dân tộc lại được thế giới quan tâm như vậy.
Sức mạnh dân tộc cũng tạo cơ sở cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào các công việc của quốc tế và đóng góp cho hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Trong các giai đoạn trước đây, sở dĩ Việt Nam huy động được cao độ sự đoàn kết, ủng hộ quốc tế bởi sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta phù hợp với mục tiêu chung của thời đại, nguyện vọng của nhân dân thế giới, với các trào lưu, xu thế tiến bộ trên thế giới.
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, khi các nước đều đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc, việc huy động đoàn kết với Việt Nam chỉ có thể thành công nếu kết hợp được lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích của đối tác và lợi ích chung của toàn nhân loại. Trên tinh thần đó, việc triển khai thiết thực đường lối đối ngoại của Đảng “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".
11h5: TS. Đặng Kim Oanh, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng: Dư luận trong nước và quốc tế với sự ra đời của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam
Ảnh: Thành Dũng
Sự ra đời của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam là một tất yếu lịch sử, là Chính phủ hợp pháp, là đại diện duy nhất của Nhân dân miền Nam Việt Nam. Trong cuộc họp báo ngày 11/6/1969, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát nêu rõ: Việc thành lập Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam là một bước phát triển tất yếu của quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng đã được xây dựng trên phần lớn đất đai ở miền Nam, đáp ứng yêu cầu lớn lao của cuộc chiến đấu là ra sức đẩy mạnh thế tiến công toàn diện trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Đánh giá về sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc họp Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam và việc thành lập chính quyền cách mạng trên toàn miền Nam chứng tỏ đồng bào miền Nam quyết tâm tăng cường đoàn kết, kiên trì chiến đấu để làm chủ vận mệnh của mình và tạo thêm thuận lợi mới, tiến tới thắng lợi hoàn toàn… Sự kiện lịch sử hết sức quan trọng này làm cho đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài hết sức vui mừng, tin tưởng anh em bầu bạn khắp năm châu càng ra sức ủng hộ ta”.
Sau khi thành lập, ngày 12/6/1969, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra “Tuyên bố” ủng hộ sự ra đời của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam, xem đó “là kết quả rực rỡ của những thắng lợi quân sự, chính trị và ngoại giao của Nhân dân miền Nam đã giành được…”, “là chính phủ hợp pháp, đại diện duy nhất của Nhân dân miền Nam Việt Nam”, “là bước phát triển tất yếu của quá trình xây dựng chính quyền cách mạng của Nhân dân miền Nam, là biểu hiện rực rỡ ý chí của Nhân dân miền Nam thực hiện quyền làm chủ của mình”.
Cùng với sự ủng hộ to lớn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, sau khi ra đời, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế, đặc biệt là sự công nhận của Chính phủ nhiều nước trên thế giới. Tất cả các nước XHCN và nhiều nước dân tộc chủ nghĩa công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời. Các đoàn thể quốc tế, các đoàn thể dân tộc, dân chủ tiến bộ, cách mạng khắp năm châu đều gửi điện chúc mừng, công nhận Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam.
Đặc biệt, Hội nghị 75 Đảng Cộng sản và công nhân họp ở Mátxcơva tuyên bố nhiệt liệt hoan nghênh việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời và khẳng định sự kiện này mở ra “một giai đoạn mới và quan trọng của cuộc đấu tranh giải phóng anh hùng của Nhân dân Việt Nam” và “đảm bảo với Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam và toàn thể Nhân dân Việt Nam sự ủng hộ trước sau như một đối với cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam cho tới thắng lợi hoàn toàn”.
Đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, khi Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam được thành lập cũng có nhiều phản ứng khác nhau thông qua những lời phát biểu trên báo chí hay thái độ, quan điểm của Chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Điều này càng cho thấy sự lúng túng, bị động của đối phương trước sự phát triển của cách mạng miền Nam. Vị trí, vai trò của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam ngay từ khi ra đời đã được khẳng định rõ nét và được đề cao ở trong nước và trên trường quốc tế. Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
11h30: Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng khẳng định:
Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam trong những năm 1969 -1975, đặc biệt là trong gần 3 năm Chính phủ lâm thời đóng trụ sở tại miền đất Cam Lộ, Quảng Trị.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng nhấn mạnh, hội thảo đã làm rõ bối cảnh lịch sử, những yếu tố địa chính trị, kinh tế, quân sự và giá trị truyền thống của vùng đất và con người Quảng Trị dẫn đến việc thị trấn Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được lựa chọn đóng Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam để tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị trong việc quyết định thành lập Chính phủ CMLTCHMNViệt Nam và khẳng định vai trò và những hoạt động của Chính phủ lâm thời trên các lĩnh vực chủ yếu.
Hội thảo cũng đã nêu bật những đóng góp của quân và dân Quảng Trị trong việc bảo vệ trụ sở của Chính phủ trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng khẳng định, tỉnh Quảng Trị đã và đang có nhiều nỗ lực để phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường; khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phát huy truyền thống cách và lịch sử vẻ vang của vùng đất Quảng Trị trung dũng, kiên cường, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng thời cơ, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tạo ra những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng hoạt động đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nhờ vậy, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng 190 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần; tổng thu ngân sách địa phương tăng hơn 300 lần so với năm 1989. Đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện; các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công với cách mạng luôn được thực hiện chu đáo, kịp thời.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Có nhiều ý kiến tâm huyết đã gợi mở rằng: Quảng Trị là tỉnh có 475 di tích lịch sử, cách mạng, trong đó có di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNViệt Nam, nếu khơi dậy và phát huy được tiềm năng của các giá trị di tích lịch sử, cách mạng, gắn với du lịch về nguồn, du lịch tâm linh sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hiện nay, Quảng Trị đang chuẩn bị các điều kiện hướng tới tổ chức Lễ hội vì Hòa bình, kết nối những giá trị lịch sử truyền thống với những giá trị hiện đại nhằm xây dựng Quảng Trị trở thành thương hiệu riêng của vùng đất thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất của Nhân dân Việt Nam”.
Thành công của hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử; là dịp để củng cố, bồi đắp thêm về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và quyết tâm phấn đấu xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.