Hội thảo khoa học 'Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc'
Ngày 2/8, tại huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc'.
Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của Đinh Tiên Hoàng; đánh giá di sản, định dạng tầm vóc lịch sử, khát vọng dân tộc thể hiện qua thân thế, sự nghiệp, đóng góp của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh đối với đất nước Việt Nam.
Đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh trong thúc đẩy khát vọng dân tộc, hào khí Hoa Lư phục vụ quản lý và phát triển đất nước nói chung, vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình nói riêng hướng đến tầm nhìn năm 2050.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn khẳng định: Thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế gắn liền với quá trình thống nhất giang sơn, hình thành nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ ý chí phục hưng dân tộc dựa trên bản lĩnh độc lập tự chủ, tự lực tự cường.
Tầm vóc lịch sử vĩ đại, khát vọng dân tộc về một nền độc lập, thống nhất, quốc gia hùng cường thể hiện qua cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt đã trở thành tài sản quý báu, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh Ninh Bình, của quốc gia, dân tộc.
Cuộc đời, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và các triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê đã để lại hệ thống di sản to lớn cho Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, không chỉ phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình mà còn rất đặc sắc về giá trị.
Hiện nay, Ninh Bình đang sở hữu hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có 324 di tích cấp tỉnh, 78 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Các di sản liên quan đến vua Đinh Tiên Hoàng, triều đại nhà Đinh và Nhà nước Đại Cồ Việt luôn được tỉnh Ninh Bình gìn giữ, trân trọng và bảo tồn khá nguyên trạng, bao gồm các công trình kiến trúc, hàng trăm ngôi đền, chùa, miếu, phủ, các tường thành, nền cung điện... mà nổi bật là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, các bảo vật quốc gia:
Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ, 2 Long sàng ở Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, 2 bộ phủ việt ở Đền thờ vua Đinh - Đền thờ vua Lê, bộ sưu tập cột kinh phật thời Đinh tại Bảo tàng Ninh Bình; cùng hệ thống lễ hội, sinh hoạt văn hóa, nghi thức thờ cúng, tín ngưỡng, phong tục tập quán; kho tàng truyền thuyết, thơ ca, các loại hình ca múa nhạc dân gian; các kinh nghiệm chính trị, ngoại giao, là hào khí Hoa Lư, là chí khí dấn thân làm nên sự nghiệp lớn của vua Đinh và các bậc tiền nhân...
Trải qua mỗi chặng đường lịch sử, những di sản quý giá của dân tộc tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo, bồi đắp và luôn hiện diện trong đời sống hàng ngày với tư cách là nền tảng tinh thần, tài sản vô giá và là nguồn lực chiến lược cho sự phát triển bền vững của Ninh Bình. Nhờ vậy, Ninh Bình đã và đang là một địa chỉ, một không gian văn hóa có sức hấp dẫn cao, với những tiềm năng và lợi thế đủ mạnh mẽ để xây dựng và phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ trong thời gian tới.
Tại Hội thảo lần này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam hy vọng các nhà khoa học sẽ tập trung nghiên cứu và thảo luận nhằm tiếp tục bổ sung tài liệu và diễn giải nhằm làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử dân tộc; về tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc thể hiện qua sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh đối với đất nước Việt Nam; đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp phát huy các giá trị tốt đẹp do vua Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh để lại trong định hướng xây dựng thành phố di sản; trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, góp phần xây dựng Ninh Bình thành một địa phương giàu mạnh, văn minh.
Hội thảo tổ chức 2 phiên chuyên đề bao gồm: "Quê hương, thân thế, sự nghiệp, tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng" và "Phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng trong định hướng xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ", với tham gia đồng hành của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương.
Hội thảo cơ hội để tỉnh Ninh Bình được lắng nghe các báo cáo nghiên cứu khoa học - lịch sử, những ý kiến thảo luận, phản biện khách quan, nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng nói riêng và nhà Đinh nói chung đối với lịch sử dân tộc; những đề xuất phương hướng, giải pháp trong quản lý, phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, góp phần xây dựng tỉnh Ninh bình trở thành thành phố Trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng đô thị di sản, thành phố sáng tạo.
Tổng kết hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận 55 bài báo cáo tham luận, trong đó có 43 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Trung ương, 12 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở địa phương. Đây là khối lượng tham luận đồ sộ đối với một hội thảo khoa học, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học, nhà quản lý đối với vấn đề mà Hội thảo đặt ra.