Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

* Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo. Sáng 16.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham dự Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Cùng dự và chủ trì hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo.

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 4 hội thảo lấy ý kiến với dự thảo luật này; là diễn đàn rất quan trọng trong quy trình lấy ý kiến đối với dự án luật để Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan trong hồ sơ dự án luật, củng cố thêm cơ sở lý luận, thực tiễn vững chắc và hoàn thiện nội dung, kỹ thuật lập pháp của dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H. Ngọc

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H. Ngọc

Trình bày Báo cáo những nội dung cơ bản của hồ sơ dự án luật, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nêu rõ, các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật thuộc 5 vấn đề: bổ sung nguyên tắc bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và luật hóa tiêu chí gắn với công tác xây dựng pháp luật, giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là một trong các tiêu chí để lựa chọn chuyên đề giám sát của các chủ thể giám sát.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND và thẩm quyền trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: H.Ngọc

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: H.Ngọc

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát; sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát; sửa đổi, bổ sung các quy định về trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát.

Các đại biểu dự hội thảo nêu rõ, nội dung dự thảo luật đã cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan; có thể khắc phục được tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật hiện hành.

Có ý kiến cho rằng, dự thảo luật đã quy định về việc xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; xem xét văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật không trái với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H. Ngọc

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H. Ngọc

Tuy nhiên, việc xem xét văn bản quy phạm pháp luật không nên dừng lại ở xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản đó mà còn cân nhắc tới tính hợp lý, khả thi trong thực tiễn của văn bản sau khi thi hành. Thực tế là các yếu tố về tính kịp thời, đầy đủ, hợp hiến, hợp pháp, thống nhất về cơ bản được đánh giá, rà soát, thẩm tra rất nhiều lần ngay từ giai đoạn xây dựng dự thảo…

Do đó, ngoài xem xét dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, một số đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về xem xét tính hợp lý, khả thi, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật đã được triển khai trên cơ sở có thực tiễn làm căn cứ soi chiếu, đánh giá.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, dự thảo Luật sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37 (tháng 9); trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Do thời gian gấp rút, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo phải rất nỗ lực, cố gắng bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

Cho rằng, dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ban soạn thảo cần giải quyết mối quan hệ giữa dự thảo luật với các luật có liên quan, như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo…

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: H. Ngọc

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: H. Ngọc

“Xây dựng dự thảo luật cần tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung, hoạt động giám sát nói riêng, tuân thủ Hiến pháp và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Thông qua hoạt động giám sát để kiểm soát quyền lực nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, bảo đảm yêu cầu theo thể chế chính trị của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Cung cấp cơ sở thực tiễn cho hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục bám sát 5 chính sách Quốc hội đã thông qua, bảo đảm giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động Quốc hội, giám sát để kiến tạo, giám sát đến cùng sự việc.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/hoi-thao-lay-y-kien-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-hoat-dong-giam-sat-cua-quoc-hoi-va-hdnd-i380720/