Hội thảo sản phẩm và giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam

Sáng 24-10, tại TP. Pleiku, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo 'Sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam-động lực cho thúc đẩy lĩnh vực ưu tiên phát triển tại địa phương'.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: V.T

Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Tuấn Anh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Nguyễn Thanh Tuyên-Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông); đại diện lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai; Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên; hiệp hội doanh nghiệp một số tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: V.T

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Gia Lai đã tích cực xây dựng hành lang pháp lý và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy việc chuyển đổi số. Tỉnh cũng xác định các lĩnh vực ưu tiên và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch, tài chính-ngân hàng... đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của bộ, ngành và đạt được một số kết quả bước đầu. Quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã và đang thay đổi cách thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường sự minh bạch và luôn giữ quan điểm xuyên suốt là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đối tượng phục vụ để thực hiện chuyển đổi số. Hiệu quả thiết thực của chuyển đổi số ngày càng lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Gia Lai và đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp đã sử dụng các nền tảng số trong sản xuất kinh doanh, kê khai thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... Các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP địa phương cũng tiếp cận, tham gia các nền tảng thương mại điện tử...

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sản phẩm công nghệ số. Ảnh: V.T

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số, như: cơ sở hạ tầng chuyển đổi số chưa đồng bộ; nhiều sản phẩm nông nghiệp vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa kết nối trực tiếp các sàn thương mại điện tử, kể cả các sàn trong tỉnh; các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số còn ít, chưa có nhiều cơ hội, điều kiện để tiếp cận với các nền tảng, mô hình chuyển đổi số hiệu quả; đầu tư cho chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên vẫn chưa đồng bộ, chưa có bước đột phá...

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu những thực trạng và nhu cầu về sản phẩm, giải pháp công nghệ số trong phát triển lĩnh vực ưu tiên của địa phương; thực trạng và nhu cầu chuyển đổi số của khối doanh nghiệp SME. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cung cấp giải pháp đã giới thiệu về các sản phẩm Kiosk y tế thông minh; AI cho thủ tục hành chính công kết nối cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; giải pháp nền tảng số thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Gia Lai; giải pháp công nghệ số thương hiệu Việt cho khu công nghiệp; nền tảng nông nghiệp MobiFone-MobiAgri; hệ thống quản trị năng lượng mặt trời mái nhà phân tán; ứng dụng công nghệ nền tảng bản đồ giải quyết bài toán quản lý khu công nghiệp; số hóa liên kết chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Gia Lai để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của Liên minh châu Âu…

Hội thảo là một trong những nhiệm vụ triển khai phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tại hội thảo, HDBank đã trao tặng 4 kiosk y tế thông minh cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Trung tâm y tế TP. Pleiku, Trung tâm y tế huyện Chư Sê.

VŨ THẢO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/hoi-thao-san-pham-va-giai-phap-cong-nghe-so-make-in-viet-nam-post298207.html