Hội thảo tìm giải pháp thực tiễn cho nuôi trồng thủy sản bền vững ở ĐBSCL
Ngày 27.11, Hội thảo 'Giải pháp thực tiễn cho nuôi trồng thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long' do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam đã phối hợp tổ chức tại TP.Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: "Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 12,3% diện tích, 17,4% dân số và 12% GDP Việt Nam; đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây năm 2023. Những năm qua, Chính Phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL. Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã được xác định trong mục tiêu của Chính phủ. Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: Thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực; đồng thời định hướng “xây dựng ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, có quy mô lớn, hiện đại, sức cạnh tranh cao và bền vững”.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó trưởng phòng Phòng Nuôi trồng thủy sản - Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho rằng với lợi thế tự nhiên từ hệ thống sông ngòi và vùng đồng bằng rộng lớn, ĐBSCL là trung tâm nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam với đối tượng chủ lực là tôm nước lợ và cá tra. Cá tra được tập trung nuôi ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp; tôm được nuôi tập trung ở các tỉnh ven biển như: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...
Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước là 1,3 triệu hecta; trong đó riêng vùng ĐBSCL chiếm đến 70% diện tích. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước đạt 5,5 triệu tấn, trong đó riêng vùng ĐBSCL chiếm tới 61,8% sản lượng. Về kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 9,2 tỉ USD, trong đó vùng ĐBSCL chiếm tới 57,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
Tính đến hết tháng 10.2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,2 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó xuất khẩu tôm đạt hơn 3,2 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh các lợi thế, ngành nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như các vấn đề về biến đổi khí hậu (BĐKH), xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học… cũng như các thách thức ngày càng gia tăng từ thị trường quốc tế.
Hội thảo dành nhiều thời gian để các doanh nghiệp, HTX, người nuôi tôm và cán bộ ngành NN-PTNT nêu lên những thắc mắc và các diễn giả giải đáp những thắc mắc này. Vấn đề xử lý môi trường, vấn đề chất lượng con giống thủy sản; vòng tròn bệnh học: vật chủ, mầm bệnh, môi trường; 3 yếu tố phát sinh dịch bệnh cũng được cá diễn giả lý giải sâu. Vấn đề BĐKH tác động đến nuôi trồng thủy sản cũng được các chuyên gia giải đáp tại hội thảo.
Ông Daniel Stork, Tổng lãnh sự Hà Lan tại TPHCM, cho rằng: "Hà Lan và Việt Nam là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Việc hai nước hợp tác chặt chẽ trong hạn chế tác động của BĐKH và phát triển bền vững là điều rất cần thiết. Trong 10 năm qua, việc hai nước hợp tác phát triển thủy sản bền vững đã đem lại nhiều lợi ích cho người nuôi trồng thủy sản và môi trường ở Việt Nam. Đặc biệt là vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản Việt Nam là ĐBSCL, qua việc chia sẻ thông tin, các dự án đang triển khai; Chương trình Combi-track mà Hà Lan đang thực hiện với phương thức tiếp cận tích hợp để phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư bền vững cho nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL. Tôi kỳ vọng rằng chúng ta sẽ đạt được những cam kết hợp tác cụ thể, hình thành các mối quan hệ đối tác lâu dài. Điều này đem lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển thủy sản, môi trường và hàng hóa ngành thủy sản tiếp cận với thị trường thế giới. Hội thảo hôm nay không phải là kết thúc các dự án mà nó bắt đầu và sẽ tiếp tục".
.