Hội thảo về đề án 'Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani'
Chiều nay 14/5, tại TP. Đông Hà, Sở Ngoại vụ phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng tổ chức hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu đề án 'Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan)'. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì hội thảo.
Đề án “Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị – Salavan – Ubon Ratchathani” xác định rõ mục tiêu chung và cụ thể đó là từng bước hình thành hành lang kinh tế Quảng Trị – Salavan – Ubon Ratchathani (PARA-EWEC), qua đó thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác toàn diện, cùng phát triển giữa các địa phương thuộc hành lang nói riêng, giữa 3 nước Thái Lan - Lào - Việt Nam nói chung.
Phấn đấu đến năm 2050, PARA-EWEC là hành lang có mô hình tổ chức không gian phát triển hiệu quả, bao trùm, bền vững. Đồng thời hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ; các khu vực dọc hành lang phát triển hài hòa, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương...
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá các nội dung đề án và có nhiều ý kiến đóng góp như: để PARA-EWEC từ ý tưởng thành hiện thực, cần có một chiến lược, kế hoạch, lộ trình cụ thể; đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư, huy động các nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics; tạo chính sách thuận lợi cho người và hàng hóa lưu thông trên PARA-EWEC một cách đồng bộ...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh: Việc nghiên cứu tuyến giao thông, tuyến hành lang kinh tế mới kết nối các tỉnh Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng các chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các địa phương của Lào và Thái Lan trong thời gian tới.
Vì vậy, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại hội thảo để hoàn thiện đề án mang tính khả thi cao và có thể nâng tầm lên quy mô cấp quốc gia, thu hút sự quan tâm của các nước, các tổ chức quốc tế. Đồng thời cần làm rõ hơn lý do vì sao phải có PARA-EWEC; vai trò của tỉnh Quảng Trị trên tuyến hành lang này như thế nào; phân tích vai trò và lợi ích của các bên khi tham gia đề án này...
Các sở, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu cơ chế, hình thức hợp tác khai thác tiềm năng thế mạnh PARA-EWEC. Phối hợp tổ chức các sự kiện giao lưu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch giữa các tỉnh trên hành lang kinh tế này.
Huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát huy hiệu quả các huyết mạch giao thông trọng điểm quốc gia đang và sẽ đầu tư đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị.