Hội thảo về tiêu chuẩn hóa trong sản xuất nông nghiệp hiện đại
Ngày 11/10/2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề: 'Tiêu chuẩn hóa – Nền tảng kết nối trong sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững' với sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các tập đoàn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trong nước và quốc tế.
Đây là hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật cũng như chia sẻ và thảo luận mở về kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam và các nước trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Là diễn đàn trao đổi, chia sẻ quan điểm và phương pháp tiếp cận khi trong quá trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn trong sản phẩm nông nghiệp từ đó đề xuất giải pháp, khuyến nghị hữu ích góp phần phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đại, bền vững.
Nông nghiệp Việt Nam thời gian qua có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu nhiều nhưng vẫn chủ yếu xuất khẩu thô và sơ chế (khoảng 60%), chất lượng các sản phẩm còn chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế mới đạt khoảng 10%.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị trả về do không đảm bảo trong quá trình sản xuất và chế biến, chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và ghi nhãn.
Tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế chỉ đạt khoảng 10%, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có tỷ lệ từ chối từ các thị trường nước ngoài còn lớn. Một trong những nguyên nhân là do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện của các nước.
Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, tính đến năm 2021, chúng ta đã có 13.350 TCVN trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài đạt 60%. TCVN: 42 lĩnh vực (theo khung phân loại quốc tế cho tiêu chuẩn, bao gồm nông nghiệp).
Tiêu chuẩn hóa là yêu cầu thiết yếu cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp trong quá trình toàn cầu hóa. Sản xuất theo những phương thức và công nghệ hiện đại với những tiêu chuẩn rõ ràng và minh bạch sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững, chủ động trước những sự biến động của môi trường tự nhiên cũng như nền kinh tế thế giới.
Với những quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý, tiêu chuẩn hóa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, có vị thế cao ở thị trường trong nước và thế giới.
Đặc biệt trong bối cảnh nhập quốc tế, chuyển đổi số và thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, tiêu chuẩn hóa góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đến thị trường các nước.
Các chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong nông nghiệp được triển khai, việc đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thời gian tới cần được chú trọng để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn trong hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp./.
Được biết, Việt Nam là nước với nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam thời gian qua có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế. Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh Covid ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn đạt những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng đạt gần 2,9%.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với 2020. Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã có mặt trên thị trường nước ngoài trong đó một số thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.