Hội thi 'Cô giáo tài năng duyên dáng' ngành GD&ĐT Thủ đô: Lan tỏa lòng tự hào, tình yêu nghề và tinh thần cống hiến
Sáng 23/4, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã tổ chức Lễ khai mạc vòng chung khảo Hội thi 'Cô giáo tài năng duyên dáng' ngành GD&ĐT Thủ đô lần thứ VI- năm học 2020-2021.
Tham dự vòng chung khảo có 45 cô giáo đạt giải Nhất tại các quận, huyện, thị xã và các cụm trường.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Giám đốc phụ trách sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết: “Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” ngành GD&ĐT nhằm tôn vinh nghệ thuật sư phạm, tài năng, trí tuệ trong ứng xử sư phạm, vẻ đẹp duyên dáng trong hoạt động nghệ thuật của các nữ nhà giáo Thủ đô. Đây là đấu trường để các cô giáo được thể hiện tài năng về chuyên môn, nghệ thuật, sắc đẹp, bản lĩnh, sự tự tin. Hội thi góp phần tuyên truyền, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ nhà giáo Thủ đô”.
Từ tháng 10/2020, 30 quận, huyện, thị xã, 17 cụm trường trực thuộc Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, tổ chức Hội thi cấp cơ sở, thu hút hàng chục nghìn giáo viên, nhân viên tham gia; hơn 1.000 thí sinh là các nữ nhà giáo tích cực, tâm huyết tham gia dự thi.
Ở cấp cơ sở, những phần thi tài năng và duyên dáng được các đơn vị chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú. Nhiều tiết mục gây xúc động và thuyết phục Ban giám khảo và khán giả. Các câu trả lời trong phần thi hiểu biết và ứng xử sư phạm thể hiện sự thông minh, trí tuệ của các nữ nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ.
Tại vòng chung khảo cấp TP, mỗi thí sinh sẽ trải qua 5 phần thi: Chuyên môn, ứng xử tình huống sư phạm, trình diễn áo dài, trang phục tự chọn và thi năng khiếu. So với hội thi những lần trước, hội thi lần thứ VI có thêm phần thi chuyên môn. Trong phần thi này, các thí sinh dự thi báo cáo trước Ban Giám khảo những đề tài, giải pháp, ý tưởng đổi mới, sáng tạo trong dạy học, đây là nội dung khẳng định vẻ đẹp toàn diện của các cô giáo tài năng duyên dáng.
Hội thi thực sự là sân chơi bổ ích, nâng cao văn hóa, tinh thần, kỹ năng sống, gắn kết việc dạy học với thực tiễn đời sống xã hội. Bên cạnh đó còn giúp khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức của mỗi nhà giáo trong việc học tập nâng cao trình độ hiểu biết, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Ngành, của xã hội, góp phần thực hiện đổi mới căn bản GD&ĐT Thủ đô.