Hồi ức của một người lính
Đã mấy chục năm rồi, Thanh chưa có dịp về thăm người bạn cũ cùng chung chiến hào năm xưa trên mảnh đất tuyến lửa Quảng Bình. Mấy bữa nay, Quế đang nóng lòng chờ điện thoại để đón bạn từ Hà Nội về thăm trận địa - nơi 'túi bom' của giặc Mỹ trong những năm chiến tranh ác liệt.
Quế buông người thả mình ngồi xuống bên vệ cỏ, mắt dõi theo hướng con đường từ phía xa. Trong đầu Quế còn nhớ như in thân hình nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, có đôi mắt linh lợi của Thanh, người con trai Bắc Hà.
Đang học năm thứ 3, khoa Lịch sử, trường đại học Tổng hợp - Hà Nội (nay là trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), vâng lời Đảng gọi, khóa của Thanh có hơn chục sinh viên được lệnh lên đường vào tuyến lửa miền Trung - mảnh đất “chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình”. Đơn vị Thanh là Trung đoàn pháo cao xạ. Lính tráng quen gọi là “Lính mũ đồng”. Trận địa của Trung đoàn đóng quân ở các trọng điểm địch hay ném bom đánh phá, như: phà Gianh, Xuân Sơn, Long Đại, Quán Hàu.
Một buổi trưa hè, trời nắng như đổ lửa trên đỉnh đầu, đoàn xe của Cựu sinh viên khoa Lịch Sử dừng sát bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đoạn qua Phong Nha - Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên thế giới. Chờ cho chiếc xe dừng hẳn, Thanh vội vàng chạy đến ôm chầm lấy Quế, nước mắt rưng rưng:
- Anh có khỏe không? Xe vừa chạy bọn em vừa hồi tưởng lại kỷ niệm xưa trên con đường này nên thời gian trễ hơn so với dự kiến.
Vẫn bằng cái giọng miền Trung quen thuộc và cái bắt tay rất chặt, Quế chống chiếc nạng gỗ đứng bên đứa cháu nội nói oang oang:
- Ui cha là trời! Hàng chục năm rồi mi vẫn rứa, không hề thay đổi mấy, chỉ có mái tóc pha sương và hằn đôi nếp nhăn trên vầng trán rộng.
Thanh và Quế hai người lâu ngày mới gặp lại biết bao kỷ niệm ùa về dâng trào cảm xúc. Cứ thế, họ ôm chặt lấy nhau nói, cười trong nước mắt. Đã từ lâu, ông mong Thanh và những người đồng đội của mình trở lại thăm chiến trường xưa. Gặp lại những con người bình dị, chân chất, thật thà và tình nghĩa. Quế dẫn Đoàn đi thăm một số nơi cũng là lúc trời xẩm tối, màu của những cánh rừng già xám xịt. Đoàn được Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình bố trí vào khu nhà nghỉ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại thành phố Đồng Hới. Quế và Thanh cứ ngồi nghĩ vẩn vơ trong chiếc lán giữa bãi ngô xanh mướt, mãi cho đến khi tiếng muỗi vo ve và âm thanh của tắc kè sột soạt trên những thân cây họ mới đứng dậy. Thanh lững thững theo Quế bước xuống con đường đất nhỏ đi về phía làng. Nhà Quế đấy, ngôi nhà nhỏ nằm lọt giữa một vườn cây xanh tốt. Vừa đến đầu ngõ, Quế đã nhanh nhảu dốc hết bầu tâm sự với Thanh: Cuối năm 1973, các cậu chuyển về thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) còn tớ và một số bạn bè được biên chế vào Quân đoàn 4 và tiếp tục hành quân vào miền Đông Nam Bộ.
Mùa khô năm 1974, khi mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long, địch bắn trả xối xả, hàng loạt quả đạn pháo câu thẳng vào vị trí mai phục của của đơn vị. Trong tiếng nổ xé màng nhĩ của đạn pháo, cây cối đổ ào ào, mình thét lên đau đớn, tuyệt vọng rồi ngất lịm kể từ lúc ấy. Khi tỉnh dậy, mình mới biết đang được điều trị trong trạm quân y, đầu và cổ bị băng bó chằng chịt nhưng một chân thì không còn nữa. Mấy lần trước cũng bị thương, nhưng nhẹ hơn, khi khỏe hẳn, mình lại báo cáo cấp trên xin tiếp tục chiến đấu. Chỉ đến khi bị mảnh đạn pháo của giặc xén mất một chân được đồng đội đưa vào bệnh viện thì mới thôi. Sau khi điều trị lành vết thương, mình xin về quê chăm sóc vườn tược cây cối, trồng rau, chăn nuôi ao cá, tạm đủ sống.
Nghe Quế kể và nhìn gia cảnh của anh, Thanh không cầm lòng, nước mắt anh cứ chực tuôn trào trên hai gò má. Đêm hôm đó, có lẽ do có khách đến chơi nên đứa cháu nội phấn khởi xin ở lại ngủ cùng với ông. Trời đã về khuya, ánh trăng thượng tuần len lỏi trong tiếng lá lao xao hòa quyện với tiếng gió, tiếng côn trùng dưới những gốc cây già lẫn vào sương đêm như một bản hòa tấu. Hai người lúc đầu nói chuyện rất rôm rả sau đó cứ lắng dần. Trong đêm yên tĩnh, Thanh nghe rất rõ tiếng rên khe khẽ khi trở mình của Quế. Đứa cháu nội của ông vẫn thức và nó luôn mồm kể chuyện cho Thanh nghe:
- Dạo gần đây, tự nhiên phía chân bị cụt đến đầu gối của ông cháu thỉnh thoảng lại giật giật, lên cơn đau, khiến ông cháu rất nhức nhói. Mỗi lần như vậy, ông lại nhăn nhó, người co rúm lại, miệng phì phì, nước giãi tràn ra hai bên mép.
Nghe cháu nói đến đây gợi cho Thanh hồi tưởng lại thời gian ngồi trên mâm pháo, bom đạn giặc Mỹ bay ào ào vọt qua đầu, hất tung cả trận địa, mâm pháo chổng ngược lên trời, ấy thế mà miệng vẫn “cười vui theo kháng chiến”. Hôm nay có Thanh - người bạn chiến hữu vào thăm, Quế mừng quýnh cả lên, bảo vợ đi kiếm thức ăn về nhậu. Ông vui vẻ kể lại không biết bao nhiêu câu chuyện, những chuyện ngày xửa, ngày xưa, cái ngày mà ông còn là lính trắc thủ Ra đa pháo cao xạ 57 mm, Thanh là pháo thủ số 4. Công việc của Quế là ngồi trước chiếc màn hình nhỏ, với một tấm bản đồ tác chiến, ông có nhiệm vụ phải tính toán chính xác phương vị và góc tà để điều khiển trận địa pháo nã đúng vào đầu “thần sấm”, khiến cho quân thù phải khiếp sợ. Ông Quế kể rất say sưa không biết mệt mỗi khi cháu nội hỏi về những ngày tháng ông lăn lộn trên chiến trường. Trung đoàn của ông đã bắn cháy và bắn bị thương hàng trăm máy bay giặc Mỹ làm nức lòng cả nước. Có những buổi trưa, trời nắng như lột da, máy bay đến lượn vài vòng rồi cúp đuôi như con rùa rụt cổ. Nói rồi ông cười khà khà, điệu cười sảng khoái mà ông vẫn cười mỗi khi kể về các trận đánh cho cháu nội nghe.
Chiều hôm sau, vợ ông đi lấy măng rừng về đến nhà trời đã muộn. Thấy ông ngồi trước hiên, chiếc quạt tre phe phẩy đuổi muỗi, cái tay còn lại ông cứ sờ nắn, xoa bóp bên phía chân cụt. Hình như ông đang mải suy nghĩ việc gì đó nên không hề hay biết. Vợ ông thấy Thanh ngồi cạnh, bà vội kéo nhẹ Thanh sang một bên và xúc động nói:
- Ông ấy lại bị đau? Từ ngày ở viện về may có thằng cháu nội thỉnh thoảng nó nắn chân cho ông đấy. Mỗi khi lên cơn đau ông lại kêu trời, kêu đất. Trong chiến tranh thì coi cái chết nhẹ như không… bây giờ già rồi, rõ khổ…
Nói xong, bà tất tưởi đi vào bếp… một lúc sau bà bưng mâm cơm ra, Thanh đỡ mâm cho bà rồi trầm trồ, xuýt xoa:
- Ồ! Măng rừng mà nấu với cá sông thì tuyệt.
Thanh còn nhớ như in, hồi chiến tranh, máy bay Mỹ ném bom xuống sông, cá chết trắng, anh em trong đơn vị thi nhau bơi ra vớt về nấu với măng rừng. Những người dân quanh năm sinh sống ở đây họ nói rằng: chỉ có cá ở sông này nấu canh măng là ngon nhất. Thỉnh thoảng nhấp một ngụm rượu quê, ông Quế khà khà rồi kể tiếp: Ngày mới xuất ngũ về quê, ông dùng cây nạng đi lại cũng khỏe lắm, bây giờ sức bắt đầu yếu dần, ông chẳng dám đi đâu xa. Ông sợ ngã ra đó, sống dở, chết dở làm khổ vợ con và các cháu. Bố thằng cháu nội do hoàn cảnh gia đình khó khăn thi nhau bươn chải sang Lào làm nghề khai thác gỗ. Ông vẫn thường than thở như thế mỗi khi nói đến cái chân của mình.
Chốc chốc ông lại quay sang nhìn Thanh. Đôi mắt nheo nheo của người lính trắc thủ Ra đa pháo năm xưa, rồi nhìn thẳng vào thằng cháu nội:
- Nếu không vì cái chân cụt này, ông đã ra Hà Nội nhiều lần rồi. Bây giờ xe cộ đi lại dễ dàng hơn trước kia.
- Vâng! Cháu sẽ đưa ông đi, có ông Thanh đây còn lo gì nữa.
- Giá như nó lành lặn thì ông đã đi cùng mấy người trong Hội Cựu chiến binh của tỉnh rồi. Ai cũng động viên đi, nhưng ông hay đau ốm, đi đứng bất tiện, toàn thân già với nhau… khổ lắm.
Trong ánh mắt của Thanh càng tăng thêm vẻ đượm buồn khi nghe hai ông cháu chuyện trò. Ông Quế đưa bàn tay lên day day hai bên hốc mắt. Hình như ông khóc. Ông vịn cây nạng đứng lên, một chân đi cà nhắc ra giữa sân, ngước nhìn ánh trăng đã lấp ló ngang ngọn dừa, miệng nói to:
- Trăng đêm nay sáng quá!
Thanh biết hơn bao giờ hết, lúc này Quế vui hết cỡ, bởi vì gặp lại người đồng đội thân thiết sau bao năm xa cách. Sau bữa đó, Quế hoạt bát, nhanh nhẹn hẳn lên. Người lính của một thời khói lửa, nay đã gần bảy mươi chợt nói cười hào sảng đủ mọi thứ chuyện trên đời như thời còn trai trẻ.
Ông gọi thằng cháu nội vào buồng (phòng) lấy chiếc ba lô lính lâu nay vẫn cất trong rương (hòm) ra. Rồi đưa bộ quân phục đã sờn vai và bạc màu khoe khoang với Thanh:
- Cũ lắm rồi, nhưng mình vẫn giữ nó để làm kỷ niệm.
Đứa cháu nội cứ mân mê hai chiếc ve hàm màu đỏ và tò mò hỏi. Như đoán được ý định của cháu, Thanh chỉ vào đôi quân hàm và giải thích đó là cấp bậc Trung úy. Ông nội cháu là Đại đội trưởng pháo binh đấy.
Thấy cháu lần dở chiếc khăn mùi soa đã cũ mèm lấy ra một đoạn dây dù màu xanh, dài chừng 3 m và chiếc ống nhòm cũ kỹ, ông Quế liền chỉ vào đoạn dây rồi tươi cười:
- Đoạn dây ấy đã cứu ông đấy. Chuyện là thế này… Thanh cũng dán mắt vào.
Trong một lần, tiểu đội của ông được giao nhiệm vụ đi nắm tình hình, đo đạc thực tế để kéo pháo vào trận địa. Mệnh lệnh của cấp trên là chia ra nhiều mũi, tránh địch phát hiện. Nhóm của ông có 3 người, được trang bị vũ khí cá nhân đầy đủ. Hôm ấy trời bỗng nhiên mưa rất to, nước suối cuồn cuộn đổ về, đồng chí Bảo và đồng chí Nam đã bơi qua nhưng ông vừa chạm bờ bên kia thì vướng một bụi cây, dây leo bò chằng chịt, cơn lũ mạnh quá đẩy ông ra xa khoảng gần 3 m. Bằng kinh nghiệm đi rừng, Bảo và Nam bám vào vách đá, đồng thời tung chiếc dây võng theo dòng nước, ông cầm một đầu dây được kéo lên, thế là thoát chết nhưng được một bữa uống no nước suối. Nói rồi, ông chìa chiếc dây võng ra trước mặt Thanh và thằng cháu nội nhìn như người mất hồn. Hôm sau trở về đơn vị, Bảo và Nam kể lại chuyện đó cho mọi người. Nghe xong cả đơn vị phá lên cười làm mấy chị nuôi quân giật mình. Từ đấy, ông có biệt danh là “Quế rùa”, vì bơi chậm suýt mất mạng.
- Sao lúc đó ông không tính toán trước rồi lại đi?
- Cái thằng này, nhiệm vụ chiến đấu...!
Đường về đơn vị thì xa. Với lại lúc đó ông đâu nghĩ nhiều, chỉ biết rằng nhiệm vụ cấp trên giao, nếu không xong có thể ảnh hưởng đến cả đơn vị, chiến sĩ có thể bị thương vong rất nhiều. Trong tình huống ấy, mình không được phép chần chừ, do dự hay tính toán. Phải luôn giữ gìn phẩm chất bộ đội Cụ Hồ…
- Hèn chi, lâu nay ông cất giữ cuộn dây như một báu vật.
- Nó còn quý hơn cả vàng, bạc đấy chứ, giờ là kỷ vật vô cùng thiêng liêng.
Ông nén mọi xúc động và kể tiếp: Trận chiến đấu hôm đó, quân ta và địch quần nhau ác liệt. Đội hình của ta bị phát hiện, pháo địch bắn ràn rạt vào vị trí trận địa. Bảo và Nam chạy băng băng trong mưa đạn đến đài quan sát chỉ huy. Các cành cây bị pháo đốn gãy răng rắc, đổ ngổn ngang khắp nơi. Nhằm lúc địch ngừng bắn, Nam đã nhanh chóng trèo thoăn thoắt lên đài quan sát. Gần đến nơi, anh thấy mình đau nhói bên hông, nhìn xuống, máu chảy ướt đẫm chiếc quần vừa phơi khô sáng nay, một mảnh đạn đã găm trúng vào phần xương chậu. Bị mất nhiều máu, Nam choáng váng, anh vừa bò xuống được dưới đất thì Bảo cầm ngay lấy ống nhòm, nhanh chóng trèo lên đài quan sát, chưa kịp nói với bạn một câu. Một loạt đạn pháo của địch câu thẳng vào vị trí đài quan sát. Trong tiếng nổ xé tai của đạn pháo, cây cối nghiêng ngã, trời đất tối sầm lại. Tiếng Quế thét lên đau đớn: “Ui! Là trời… Nam ơi… Bảo ơi… các em mau dậy đi. Giặc chết hết rồi…”. Kể chuyện đến đây, Quế rất buồn bã, ông cố cầm đoạn dây và chiếc ống nhòm cũ kỹ ngắm nghía một lúc rồi gói lại cẩn thận, giọng ông hơi chùng xuống:
- Trận chiến đấu đó thắng lợi, mở màn cho cuộc Tổng tiến công chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Rất tiếc là Bảo và Nam đã anh dũng hy sinh bữa ấy.
Nói rồi, ông Quế cẩn thận bảo đứa cháu nội đưa ống nhòm và đoạn dây dù đã được bọc kỹ lưỡng cho vào ba lô, ông đứng dậy miệng lẩm bẩm:
- Bảo ơi… Nam ơi... hôm nay, Đoàn Cựu chiến binh của Thanh pháo thủ, đẹp trai Bắc Hà vào đây. Ngày mai, nhất định tớ và các đồng đội sẽ vào thăm chiến trường xưa - nơi cậu yên nghỉ đấy.
Nghe giọng Quế thầm thì với đồng đội mà không cầm được nước mắt, cổ anh ứ nghẹn. Thanh đứng phắt dậy dắt Quế tập tễnh bước đến bên bàn thờ tổ tiên, thắp nén hương thơm tưởng nhớ những người đồng đội đã mãi mãi nằm lại trước ngày vui chiến thắng - nước nhà thống nhất…
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoi-uc-cua-mot-nguoi-linh-a12085.html