Hồi ức của một người lính già
'Những nẻo đường tôi qua' - cuốn sách ghi là bút ký nhưng chính là hồi ức của một người con sinh ra, lớn lên trên đất cảng Hải Phòng, vượt Trường Sơn vào đất Khánh Hòa bám trụ, chiến đấu gần 10 năm, từ năm 1966 đến ngày đất nước thắng lợi tháng 4-1975. Đó chính là người lính già Nguyễn Thế Sương.
Hơn nửa cuốn sách, tác giả với tư cách là người lính tham chiến đã “quay” những thước phim tài liệu chân thật hiếm hoi về các trận đánh lớn nhỏ suốt 10 năm ở mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa như: cánh đồng thôn Đại Điền, chiến khu Đồng Bò, căn cứ Khánh Vĩnh - Khánh Sơn… Ấn tượng nhất chính là trận chiến Tết Mậu Thân 1968, khi đó Nguyễn Thế Sương là người lính thuộc Đại đội Công binh 216 từ miền Bắc chi viện của lực lượng vũ trang Khánh Hòa thành Đại đội biệt danh T89. Tổ của ông được “vào Nha Trang” ăn Tết với nhiệm vụ vô cùng khó khăn: Chốt chặn ở cầu Xóm Bóng trên dòng sông Cái, vì quân giặc ở khu Đồng Đế cực kỳ mạnh. Nếu chặn thành công thì các biệt động thành quân phía nam sẽ chiếm giữ mục tiêu trong thị xã thuận lợi. Nhưng sau những phút thuận lợi, cuộc chiến đã xuất hiện nhiều tình huống vô cùng ác liệt khi giặc phản công những ngày sau đó, ông cùng đồng đội vừa chiến đấu vừa rút lui để bảo toàn lực lượng về căn cứ. Tuy nhiên, sự mất mát hy sinh là không tránh khỏi trên sườn núi Sạn! Đó là sự hy sinh bi tráng của người lính ngay giữa thị xã quê hương.
Ngày hôm nay, Đồng Bò - Phước Đồng đang là miền đất phát triển rất mạnh. Trang sách của người lính Nguyễn Thế Sương đã đưa người đọc lớp sau trở lại với thời gian khi còn là căn cứ địa cách mạng. Nơi đây khi đó, những người cách mạng phải sống vô cùng gian khổ giữa núi khô đồi hoang cằn cỗi, không có dân nên không có nguồn lương thực, mà chỉ cần xuống làng xã của Nha Trang để kiếm lương thực là máu phải đổ vì giặc phục kích. Ông kể, tháng 4-1975, đơn vị ông nghe tin quân ta đang thần tốc giải phóng Ban Mê Thuột, Tây Nguyên và đồng bằng, trong đó có Nha Trang, Khánh Hòa. Điều sung sướng nhất của ông và đồng đội là chạy ra đứng giữa đường quốc lộ thênh thang nhảy lên như ôm lấy bầu trời mùa xuân xanh trong, rồi nằm xuống mặt đất, dang rộng hai tay ra như muốn ôm đất vào lòng. Đó là phút giây sung sướng được đứng giữa đất trời quê hương, dưới bầu trời tự do. Bởi hơn 10 năm qua, những người lính như ông luôn phải ẩn dưới lá rừng, dưới hàng cây trong gộp đá hay dưới hầm…
Có cảm giác rằng dù không phải là nhà văn, nhưng những dòng chữ vẫn tuôn trào, đầy xúc động khi ông viết và cả khi đọc lại. Từ trang sách đến ngoài đời, trong ánh mắt đã ngả màu khói chiều vẫn thấp thoáng những nét buồn vô hạn về thân phận những đồng đội đã nằm lại trên những nẻo đường chiến trận, trên dòng sông Cái, trên cánh đồng Diên Khánh, hay thôn làng Phước Hải - Phước Đồng.
Nguyễn Thế Sương là cán bộ UBND TP. Nha Trang, khi về hưu ông được cử làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh - nơi sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí cho các cụ về hưu. Năm nay, ông sắp tròn 80 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, chất giọng hào sảng. “Những nẻo đường tôi qua” không chỉ là cuốn sách viết về cá nhân, mà là câu chuyện rất cảm động của “người lính già kể mãi chuyện Nguyên Phong” (Trần Nhân Tông) dành cho hậu thế.
Lê Đức Dương
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201912/hoi-uc-cua-mot-nguoi-linh-gia-8142311/