Hồi ức của nhà báo Hàn Quốc về những ngày trước khi giải phóng miền Nam

Ít ngày nữa là đến ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ký ức về ngày 30/4/1975 lại ùa về, không chỉ với những người dân Việt Nam sống trong những tháng ngày hào hùng đó, mà còn với cả những người bạn ngoại quốc tận mắt chứng kiến những giờ phút lịch sử của cách mạng Việt Nam và thế giới.

Nhà báo Ahn Byung Chan bên cạnh tàu lớn đón người di tản trên sông Sài Gòn. Ảnh: TTXVN phát

Nhà báo Ahn Byung Chan bên cạnh tàu lớn đón người di tản trên sông Sài Gòn. Ảnh: TTXVN phát

Một ngày trung tuần tháng 4, phóng viên TTXVN tại Seoul nhận được cuộc gọi từ ông Ahn Byung Chan, cựu phóng viên báo Hankuk Ilbo, người nổi tiếng với những phóng sự viết từ miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và là nhà báo chiến trường cuối cùng của Hàn Quốc rời khỏi Sài Gòn vào rạng sáng 30/4 trên chuyến bay mà theo ông là cuối cùng cất cánh từ nóc tòa nhà Đại sứ quán Mỹ.

Phóng viên TTXVN tại Seoul đã gặp cựu nhà báo này từ năm 2009. Dù nhiều năm tháng đã trôi qua, nhưng những ấn tượng về ông không hề thay đổi. Đó là thái độ làm việc, sự cẩn trọng, nhiệt huyết của người làm báo và đặc biệt là tình cảm với Việt Nam vẫn luôn tràn đầy trong ánh mắt, nụ cười của người đàn ông cao tuổi này.

Lần này, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh ký ức của ông Ahn về những ngày cuối cùng của Sài Gòn trước thời khắc 30/4 lịch sử. Với tư cách phóng viên thường trú của nhật báo Hankuk, một trong những tờ báo lớn nhất của Hàn Quốc lúc đó, ông là phóng viên đầu tiên được cử đến miền Nam và cũng là người cuối cùng rời đi trước thời khắc lịch sử 30/4.

Cựu nhà báo của tờ Hankuk Ilbo cho biết có tổng thời gian khoảng 3 năm tác nghiệp tại miền Nam Việt Nam, do đó, ông rất gắn bó và nhớ rõ từng con phố ở trung tâm Sài Gòn. Việc tác nghiệp khi đó rất khó khăn. Trừ một vài tờ báo lớn trang bị cho phóng viên máy điện tín telex còn các phóng viên như ông đều phải đến trung tâm telex ngay cạnh Bưu điện trung tâm Sài Gòn để truyền thông tin về tòa soạn.

Theo lời kể của ông, dù tòa soạn đã ra lệnh cho ông rời Sài Gòn, song vì ham nghề nên ông cứ lần lữa chưa rời đi. Dần đến ngày 30/4/1975, cứ sau mỗi đêm, lại có thêm thông tin quân Việt Nam Cộng hòa thất thủ, vòng vây cứ siết chặt lại quanh Sài Gòn. Đến tuần cuối cùng, Sài Gòn giới nghiêm 24/24, đường phố vắng lặng, thỉnh thoảng có một vài tiếng súng nổ và tiếng trực thăng vần vũ.

Trong thời gian này, ông đã viết bài “Phòng trống từ Sài Gòn” viết về cảm giác cô độc, một mình đối diện với sự vắng lặng và trống rỗng trong phòng làm việc những ngày cuối tháng 4 lịch sử. Hằng ngày, ông vẫn vào Đại sứ quán Hàn Quốc ở Sài Gòn và đến chiều 28/4, ông đã chụp được cảnh hạ cờ tại đây trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Vợ cùng người thân và bạn bè vui mừng đón ông Ahn Byung Chan trở về Hàn Quốc sau khi rời khỏi Sài Gòn rạng sáng 30/4. Ảnh: TTXVN phát

Vợ cùng người thân và bạn bè vui mừng đón ông Ahn Byung Chan trở về Hàn Quốc sau khi rời khỏi Sài Gòn rạng sáng 30/4. Ảnh: TTXVN phát

Ông Ahn hồi tưởng về không khí căng thẳng và tĩnh lặng đến nghẹt thở ở Sài Gòn giữa thời tiết nóng nực của tháng 4. Những cơn mưa bóng mây vốn thường mang lại cảm giác sảng khoái, mát mẻ trước đó giờ dường như không đủ. Làn sóng tháo chạy ồ ạt trước đó với các tàu lớn đón người ngay trên sông Sài Gòn, song đến những ngày này, duy nhất cầu hàng không chỉ còn lại bên trong Đại sứ quán Mỹ. Ban đầu trực thăng đáp xuống sân thượng của tòa nhà Đại sứ quán Mỹ, sau đó, Đại sứ quán Mỹ mở thêm 1 điểm đáp cho trực thăng trên bãi cỏ trong khuôn viên tòa nhà.

Việc di tản được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: công dân Mỹ trước rồi đến các quan chức, nhân viên của nước đồng minh. Hàn Quốc thuộc diện ưu tiên khoảng thứ 3 hoặc thứ 4 nên ông đã cố gắng liên hệ để chen được vào sân Đại sứ quán Mỹ rạng sáng 30/4. Hôm đó, tình cảnh vô cùng hỗn loạn trước Đại sứ quán Mỹ.

Lính Mỹ đóng chặt cổng và phân 2 luồng cho người chờ lên máy bay. Ông được đưa vào luồng lên máy bay trên sân thượng. Theo thứ tự, ông lên máy bay thứ 3 song ông đã cố tình nép lại để lên máy bay cuối cùng. Với vị trí ngồi ngoài cửa trực thăng, ông đã chụp được những hình ảnh cuối cùng về Sài Gòn trước thời khắc thống nhất.

Trả lời câu hỏi ông nghĩ gì khi nhận tin Sài Gòn được giải phóng chỉ vài giờ sau đó? Nhà báo Ahn cho biết ông luôn cảm ơn số phận vì đã cho ông có mặt ở một nơi lịch sử trong thời khắc lịch sử. Nhớ lại năm xưa, khi ngồi trên boong tàu để di chuyển sang Philippines sau khi rời khỏi Sài Gòn bằng trực thăng, từ đáy lòng ông Ahn đã gửi lời chúc mừng đến nhân dân Việt Nam vì đã thống nhất đất nước. Đất nước thống nhất, độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn, điều mà một người dân Hàn Quốc như ông luôn khao khát.

Ông Ahn Byung Chan, cựu phóng viên báo Habkuk Ilbo, chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc. Ảnh: Trường Giang/Pv TTXVN tại Hàn Quốc

Ông Ahn Byung Chan, cựu phóng viên báo Habkuk Ilbo, chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc. Ảnh: Trường Giang/Pv TTXVN tại Hàn Quốc

Câu chuyện của hai nhà báo Hàn - Việt chúng tôi tiếp tục với hành trình và những mong muốn của cựu nhà báo Ahn Byung Chan. Ông Ahn cho biết ông rất yêu mảnh đất này và ngay cả khi ngồi trên trực thăng rời đi, ông vẫn nghĩ sẽ sớm quay trở lại. Năm 1989, sau 14 năm, ông đã có chuyến công tác tới Việt Nam và trong lần này, ông đã tới Hà Nội.

Sau đó, những kỷ niệm không phai về Sài Gòn đã thôi thúc ông hầu như năm nào cũng trở lại thăm thành phố này trong dịp 30/4. Năm nay, dù đã 88 tuổi nhưng ông vẫn muốn sang Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp 30/4 này, thời khắc nửa thế kỷ lịch sử Việt Nam sang trang. Hằng năm, mỗi khi trở lại Việt Nam, nhà báo Ahn thường quay lại khách sạn Continental, Chợ Bến Thành, đường Nguyễn Huệ, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc lập…

Ông Ahn cho biết ông đã đi chuyến tàu thống nhất xuyên Việt để cảm nhận được thế nào là một đất nước thống nhất. Điều này khiến ông liên tưởng đến bối cảnh của Hàn Quốc hiện nay và càng thán phục ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dân tộc Việt Nam đã làm được điều mà chưa một dân tộc nào trên thế giới làm được. Kết thúc chiến tranh và rồi thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Mỹ, đối thủ trong quá khứ.

Nhà báo Ahn cho biết tinh thần thiện chí và thực tiễn của Việt Nam khiến đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh và vững mạnh. Hàn Quốc cũng là một trong các quốc gia có mức độ quan hệ mật thiết với Việt Nam trong hơn 3 thập niên qua. Ông Ahn cho biết Hàn Quốc và Việt Nam có lịch sử, văn hóa với rất nhiều điểm tương đồng. Điều đó có thể lý giải lý do vì sao hai nước đạt được những thành tựu ấn tượng trong hơn 3 thập kỷ qua. Với tư cách một cựu nhà báo, một người yêu mến Việt Nam, ông luôn mong mỏi quan hệ hai bên tiếp tục phát triển, giao lưu nhân dân tiếp tục mở rộng đề người Hàn Quốc hiểu hơn về Việt Nam và cảm nhận được ý nghĩa và giá trị của thống nhất, hòa bình.

Khánh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hoi-uc-cua-nha-bao-han-quoc-ve-nhung-ngay-truoc-khi-giai-phong-mien-nam-20250422122043238.htm