Hồi ức của nữ Biệt động Sài Gòn mang nhiều cái tên

Tròn 50 năm đã trôi qua kể từ sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975 nhưng với nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Thị Thảo (bí danh Thu Giang, tên trong tù là Tới) hiện ở Phường 9, TP Đà Lạt, hồi ức vẫn như mới vừa hôm qua...

Bà Trần Thị Thảo, nay đã 73 tuổi kể về những tháng ngày tham gia kháng chiến

Bà Trần Thị Thảo, nay đã 73 tuổi kể về những tháng ngày tham gia kháng chiến

SỚM GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Nam giàu truyền thống cách mạng, được tiếp xúc với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương nên bà Trần Thị Thảo đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1966, bà theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống và làm giúp việc cho một gia đình tại đây. Chứng kiến sự tàn bạo của kẻ thù, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, bà càng nung nấu quyết tâm đi theo cách mạng.

Sau một thời gian, có tổ chức biết, đến móc nối và giao nhiệm vụ cho cô bé Thảo khi ấy chỉ mới 15 tuổi cầm giấy giao cho cán bộ cách mạng. Vì là trẻ con nên địch không kiểm tra, bà Thảo liên tục hoàn thành nhiệm vụ. Và đến mùa Xuân Mậu Thân 1968, bà Thảo tiếp tục nhận nhiệm vụ đưa tài liệu cho cán bộ, khi ấy bà còn được tổ chức giao cho đi xe đạp chạy khắp thành phố sau giờ giúp việc, tìm những con đường ngõ ngách để dẫn đường cho cán bộ.

Hoạt động nội thành ngay trong lòng địch, nhưng với sự gan dạ, lòng yêu nước và quyết tâm đi theo cách mạng đã khiến cô bé 15 tuổi Trần Thị Thảo không hề nao núng.

Khi những nhiệm vụ nhỏ được hoàn thành, bà Thảo được tổ chức dẫn ra chiến khu, đến chợ trời Tây Ninh (nay là cửa khẩu Mộc Bài) len lỏi vào người buôn bán để qua biên giới Camphuchia. Tại đây, bà được dẫn vào rừng tham gia khóa tập huấn ngắn về thao tác bắn súng, tập tháo ráp các loại súng của ta và của địch.

Sau gần 2 tháng, bà được đưa về lại thành phố tham gia vào Đội công tác C6 N10 phân khu 4 Sài Gòn với bí danh Thu Giang. Lúc này bà vẫn tiếp tục làm giúp việc cho một nhà dân và tham gia vận chuyển thuốc nổ, kíp nổ từ Củ Chi về nội thành để phục vụ cho cách mạng.

Bà Trần Thị Thảo với vai trò là Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm đến các cựu tù cách mạng

Bà Trần Thị Thảo với vai trò là Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm đến các cựu tù cách mạng

KIÊN CƯỜNG TRONG LAO TÙ

Bà Thảo còn nhớ mãi, hoạt động gây tiếng nổ đầu tiên khi ấy của bà cùng 3 đồng đội khác là đặt mìn trong một quán ăn có binh lính của địch khiến quân địch hoảng sợ. Sau đó, bà và đồng đội tiếp tục chuẩn bị mìn, thuốc nổ để đặt vào một quán bar lớn nơi tập trung đông binh lính thì bị địch bao vây và bắt.

Khi đó, bà vừa tròn 17 tuổi và bị chúng chở về bốt Hàng Keo. Bốt này nổi tiếng với những gã "đồ tể" nhà nghề đi kèm những hình thức tra tấn tàn độc. Sau khi tra tấn bà và đồng đội 2 ngày nhưng vẫn không khai thác được gì, quân địch chuyển mỗi người một nơi để ly tán cho dễ tra khảo, bà Thảo được chuyển đến Biệt khu thủ đô Sài Gòn.

Đến giờ nhớ lại bà Thảo vẫn rùng mình, hơn 3 tháng bị bắt giam nơi đây là những tháng ngày khủng khiếp nhất trong cuộc đời của bà. Bà bị tra tấn dã man có lúc tưởng chết, nhưng trong giây phút cái chết cận kề trong gang tấc, bà đọc được những dòng chữ trên tường nhà giam được viết bằng máu của những đồng đội từng bị giam trước đây: “Đồng chí ơi hãy giữ vững khí tiết”, khi ấy bà lại quyết phải sống để tiếp tục chiến đấu vì Tổ quốc.

Sau đó, bà được chuyển đến trại tạm giam Hố Nai 3 Biên Hòa, rồi tiếp tục được đưa về nhà lao Bình Định (Trại giam nữ tù binh Phú Tài). Những ngày trong tù, bà Thảo với tên gọi là Tới, cùng hơn 1.000 nữ tù binh cộng sản cùng nhau chống lại lệnh chào cờ của địch, không thực hiện việc tuân theo nội quy của địch… bằng cách tuyệt thực 3, 4, có khi 6, 7 ngày.

Đánh đập, tra tấn không được, quân địch bắt các nữ tù ra ngoài sân chụp kẽm gai bao quanh ngồi dưới cái nắng đổ lửa của mùa hè miền Trung 1 ngày 1 đêm khiến ai nấy ngã gục. Bà Thảo khi ấy chân tay co quắp lại, miệng tê, lưỡi bắt đầu rút, và chính những giọt nước tiểu còn sót lại trong người đồng đội đã cứu sống bà lúc bấy giờ.

Để phản đối hành động dã man này của quân địch, hai nữ tù binh nhảy xuống giếng. Lúc này quân địch bắt đầu hoảng hốt khi thấy các nữ tù binh gục xuống nên chúng dỡ kẽm gai, chị em dìu nhau vào phòng và tuyệt thực 11 ngày để phản đối các quy định của địch. Trước sự cương quyết tuyệt thực của các nữ tù binh, quân địch chấp nhận việc các chị phản đối không thực hiện theo nội quy của chúng. Những muỗng cháo loãng người này mớm cho người kia với quyết tâm tiếp tục chiến đấu.

Chính trong lao tù gian khổ nhất, các nữ tù binh đã chiến thắng một cách phi thường, đoàn kết, đứng lên xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể, đội xung kích, đội quyết tử… tổ chức đấu tranh chống lại sự đàn áp và các hình thức tra tấn dã man, tàn bạo của địch, bảo vệ quyền sống và khí tiết cách mạng. Chị em đã biến trại giam thành trận tuyến chiến đấu đặc biệt trên mặt trận lao tù của những người cộng sản. Đến cuối năm 1972, các nữ tù được chuyển về nhà tù Cần Thơ và năm 1973 được thả tự do sau thắng lợi của Hiệp định Paris.

SẴN SÀNG CỐNG HIẾN VÌ TỔ QUỐC

Sau khi ra tù, bà Thảo về công tác tại Trung ương Hội phụ nữ đặt tại Trung ương Cục miền Nam và xung phong tham gia hỗ trợ cho các chiến trường miền Nam. Trên đường đi làm công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, bà hay tin miền Nam đã được giải phóng. Khi ấy, bà tiếp tục ngược lên Bảo Lộc, Di Linh, Đà Lạt làm nhiệm vụ tuyên truyền và trở về Sài Gòn tham gia vào đội quân diễu binh ngày 15/5/1975 sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Rồi như cơ duyên với Đà Lạt - Lâm Đồng, bà Thảo quay lại mảnh đất Nam Tây Nguyên và làm việc ở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, rồi Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, là đại biểu quốc hội khóa X. Sau thời gian công tác, đến nay bà là Chủ tịch Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Lâm Đồng. Niềm vui của bà bây giờ là được gặp gỡ, được nghe tiếng nói, tiếng cười của đồng đội để biết họ vẫn còn khỏe mạnh.

Khi gặp nhau, đồng đội vẫn trìu mến gọi bà khi là Thảo, lúc thì Thu Giang, có người gọi là Tới... Luôn sẵn sàng cống hiến vì Tổ quốc, nhưng nữ biệt động Sài Gòn ngày ấy chỉ xem “đóng góp của mình như một hạt cát nhỏ bé trước biển lớn cha anh”.

TUẤN HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/hoi-uc-cua-nu-biet-dong-sai-gon-mang-nhieu-cai-ten-be94deb/