Hồi ức hào hùng và niềm tin vào Lâm Ðồng mới
Ngày 1/7/2025, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử: ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận hợp nhất thành một tỉnh Lâm Đồng mới. Trong không khí hân hoan của ngày hội lớn, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng hai nhân chứng lịch sử, những người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự phát triển của vùng đất này.

Ông Ba Đạo (tên thật là Lê Đạo
MONG ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN NÂNG CAO HƠN NỮA
Trong căn nhà nhỏ ấm cúng, chúng tôi được gặp ông Ba Đạo (tên thật là Lê Đạo), người chiến sĩ cách mạng sinh năm 1927 tại Quảng Ngãi. Dù đã gần 100 tuổi, nhưng ông vẫn không khỏi xúc động và tự hào khi nhắc về những năm tháng hoạt động cách mạng đầy gian khổ.
Ông Ba Đạo là một trong những thành viên chủ chốt tham gia thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Lâm Đồng (phiên hiệu B7) vào ngày 31/8/1961. Trước đó, vào tháng 12/1960, ông là Ủy viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Quảng Đức. “Nhiệm vụ của chúng tôi lúc bấy giờ là mở rộng phong trào ở hai phía Bắc và Nam đường 20 để xây dựng căn cứ, củng cố và bảo vệ đường hành lang chiến lược Nam - Bắc trên đất Lâm Đồng”, ông chia sẻ. Ban Cán sự B7 gồm 3 đồng chí, do đồng chí Trần Quang Sang (tức Ba Thọ) làm Bí thư, cùng với các đồng chí Nguyễn Xuân Du (tức Tám Cảnh) và Lê Đạo (tức Ba Đạo) là ủy viên. “Ngày 22/12/1960 là ngày công bố quyết định, nên chọn một trong những ngày từ 14/12 đến trước 22/12 để làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh”, ông kể.
Sau giải phóng năm 1975, ông Ba Đạo được điều về làm Bí thư Huyện ủy Đức Trọng từ năm 1975 - 1982. Từ năm 1982 - 1984, ông giữ chức Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trước khi chính thức về hưu vào năm 1984. Năm 2024, ông vinh dự đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và Huân chương Lao động hạng I. Ông cũng là người đã đóng góp ý kiến quý báu cho việc viết lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông cũ.
Với một người đã từng công tác một thời gian dài ở Đắk Nông, ông Ba Đạo bày tỏ niềm vui khi Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng sáp nhập thành một tỉnh Lâm Đồng mới. “Tôi rất vui mừng khi ba tỉnh sáp nhập. Chỉ có một mong muốn duy nhất là làm sao đời sống của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, được nâng cao hơn nữa”, ông tâm sự. Để đạt được điều này, ông kiến nghị: “Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng mới cần nghiên cứu, bố trí cán bộ gần dân, sát dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân”.

Bà Nguyễn Thị Cúc
CHIA SẺ CỦA NỮ CHIẾN SĨ KIÊN CƯỜNG NĂM XƯA
Bà Nguyễn Thị Cúc, người phụ nữ sinh năm 1950 tại tỉnh Bình Thuận cũ, tiếp chúng tôi với nụ cười hiền hậu và ánh mắt tràn đầy nghị lực.
Bà Cúc nhớ lại: 14 tuổi thoát ly gia đình, bà tham gia Đội Công tác xã Hồng Thắng, huyện Hòa Đa (sau này là xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cũ). Năm 1965, bà Cúc lúc đó 15 tuổi, được phân công hoạt động tại khu Lê Hồng Phong (xưởng dệt X30). Sau đó, có thời gian tham gia Đoàn vận tải H.50 - một đơn vị huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. “Sau năm 1967, địch càn quét dữ dội, toàn bộ thanh niên trẻ chúng tôi được điều động lên Đoàn vận tải H.50”, bà Cúc kể.
Đoàn vận tải H.50 ra đời vào tháng 4/1967, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ ở cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên đang thiếu thốn vũ khí, đạn dược. Các anh chị em trong Đoàn, phần lớn là những người trẻ, tuổi mười tám đôi mươi, đặc biệt đông đảo là nữ giới đến từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng. Bà Cúc chia sẻ với ánh mắt rưng rưng: “Nếu như trong chiến tranh chống Pháp có đoàn quân Tây Tiến “không mọc tóc”, thì trong kháng chiến chống Mỹ, Đoàn vận tải H.50 của Quân khu 6 cũng có đội quân nữ “không mọc tóc”.
Thời gian công tác tại Đoàn vận tải H.50, bà cùng đồng đội đã tải đạn bằng sức người, có khi đi cả ngày lẫn đêm, thường xuyên bị địch chặn đánh. Họ vượt qua bom đạn, mưa rừng thác lũ, đối mặt với đói rét, bệnh tật để chuyển từng khẩu súng, viên đạn ra chiến trường. H.50 là đơn vị đầu mối tiếp nhận mọi sự chi viện từ Trung ương và Trung ương Cục miền Nam, vận chuyển hàng hóa đến các đơn vị trực tiếp chiến đấu tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức. Ngoài ra, Đoàn còn có nhiệm vụ giữ vững hành lang nối liền Quân khu và Miền, duy trì đường dây Bắc-Nam, đưa các đoàn khách qua lại.
Rời Đoàn vận tải H.50, trải qua nhiều nhiệm vụ công tác khác nhau, sau năm 1976, khi các khu được tách ra và lập tỉnh mới, bà Nguyễn Thị Cúc được phân công về Công ty Vật tư nông nghiệp Lâm Đồng cho đến khi về hưu vào năm 1989. Từ năm 1991 đến nay, bà vẫn tích cực tham gia công tác tại địa phương. Bà Cúc vừa vinh dự đươc trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và cũng vừa nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lâm Đồng.
Với bà Cúc, Bình Thuận là nơi “chôn nhau cắt rốn,” nhưng Lâm Đồng lại là nơi bà sinh sống và gắn bó. Vì vậy, bà bày tỏ niềm vui khi ba tỉnh sáp nhập thành một tỉnh Lâm Đồng mới. “Khi địa lý mở rộng ra, người dân sẽ đoàn kết, giúp nhau cùng làm ăn; kinh tế, giao thông, đường sá sẽ rộng mở hơn”, bà Cúc tin tưởng.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/hoi-uc-hao-hung-va-niem-tin-vao-lam-ong-moi-381258.html