Hồi ức từ một chiến binh trở thành nhà báo
Trong chiến tranh, các phóng viên chiến trường luôn ở lằn ranh sinh tử, những bài báo được ra đời giữa bom rơi lửa đạn, trong căn hầm leo lét đèn dầu. Phóng viên chiến trường Nguyễn Quang Vinh là một trong số đó. Những lần đạp xe 160km để ghi hình trong ngày và 10 lần chết hụt đã không quật ngã được tinh thần và ý chí của ông.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Nguyễn Quang Vinh vẫn cầm bút, viết bài gửi cho một số tòa soạn báo.
Ông Nguyễn Quang Vinh ở làng kháng chiến xóm Mon, nay là khu 8, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, hỏi thăm đến nhà ông Nguyễn Quang Vinh, ai trong xã cũng biết vì nhà ông từng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn để dừng chân vào năm 1947.
Năm ông khoảng 5 tuổi, khi trên đường hành quân từ thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc vào đầu tháng 3/1947, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dừng chân và đặt trụ sở Bộ Tổng Tư lệnh tại nhà ông và được gia đình ông cùng bà con trong xóm giúp đỡ, ủng hộ lương thực, thực phẩm… Để tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình, năm 1964, ông Vinh nhập ngũ tại Đoàn 250 - Quân khu Việt Bắc. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông cùng đồng đội lên đường tham gia chiến đấu tại Trung đoàn Độc Lập 33 - Bộ Tư lệnh B3, mặt trận Tây Nguyên. Tháng 11/1965, trong chiến dịch Plei Me, ông đã bị thương và điều trị tại trạm quân y H5. Trong thời gian điều trị, ông được một đồng chí hộ lý tặng cho chiếc đài bán dẫn làm kỷ niệm và ước mơ được trở thành phóng viên của ông nhem nhóm từ đây. Sức khỏe hồi phục, ông quay lại đơn vị, tham gia chiến đấu, mỗi khi thắng trận trở về ông lại lấy đài ra để nghe tin tức ở miền Bắc, tin thắng trận miền Nam, sau đó, kể lại cho anh em trong đơn vị cùng nghe. Cứ thế, ông trở thành “cán bộ tuyên truyền” của đơn vị. Sau mỗi trận đánh, ông đều ghi lại những gì xảy ra vào cuốn sổ nhật kí và ấp ủ ước mơ được trở thành phóng viên chiến trường.
Những bài báo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông sưu tầm dán lên tường.
Đến Tết Mậu Thân 1968, thực hiện mệnh lệnh tổng tấn công toàn miền Nam, Tây Nguyên mở đợt tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào dinh lũy kẻ thù. Đơn vị ông đã bắt được 50 tên địch trong một chiếc hầm tại ngã 6 Buôn Ma Thuật. Với chiến công này, ông đã viết thành bản tin gần hai trang giấy A4 và gửi cho Đài Phát thanh Giải phóng. Tác phẩm đầu tay của ông đã “thai ngén” và ra đời trong mưa bom lửa đạn. Chỉ sau 2 ngày, ông đã được nghe bản tin của mình thông qua chiếc đài bán dẫn. Được nghe chiến công của mình trên bản tin, cả đơn vị ai cũng phấn khởi, có đồng chí nói: “Trận tới chúng ta phải làm tốt hơn nữa!”.
Năm 1969, ông bị địch bắn, thương nặng ở đầu và hai chân, được chuyển ra miền Bắc điều trị. Sau khi hồi phục, ông được cấp trên cử đi học lớp cấp tốc đào tạo báo chí và trở thành phóng viên tiền phương, công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam. Đầu năm 1969, ông chuyển về công tác tại Báo Vĩnh Phú rồi sang Đài Phát thanh Vĩnh Phú, ông được phân về tổ phóng viên Thời sự chính trị và ra đời nhiều tác phẩm được đánh giá cao.
“Phóng viên chiến trường lúc bấy giờ không khác gì những người lính. Chỉ khác nhau là bộ đội tay cầm súng còn phóng viên chiến trường như chúng tôi tay khư khư cái máy ảnh, bút và tập giấy. Muốn ghi được hình ảnh chân thực, đầy đủ về cuộc chiến cũng phải theo lính xung kích đi đầu”, ông Vinh nói. Cũng bởi thế, ông đã 10 lần bị bom vùi dưới đất, bị thương khắp thân thể và nhiều lần mất hết tư trang tác nghiệp. Ông nhớ lại, trong một lần đi công tác tại nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, máy bay Mỹ đã ném bom, bắn rốc két, phá hủy nhiều nhà dân, khiến nhiều người thiệt mạng. Nằm giữa vòng vây bom đạn, ông mở máy ghi âm R5 thu tiếng súng cao xạ của bộ đội và dân quân. Lần đó, ông đã viết ngay một bài tường thuật “Lâm Thao căm thù, Lâm Thao quyết thắng” được cấp trên khen ngợi.
Ngoài những giờ ngồi đọc báo, viết bài, ông lại nhổ cỏ, tưới cây.
Gian khổ là vậy, nhưng những “bài báo” đặc biệt ấy đã kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ, được bộ đội đón nhận và đọc say sưa. Điều này cũng chính là nguồn động lực rất lớn để những phóng viên chiến trường như chúng tôi không quản ngại hiểm nguy, trong làn bom lửa đạn vẫn kiên định” - ông Vinh xúc động nói.
Là phóng viên chiến trường, ông Vinh đã viết hàng nghìn bài báo, chụp hàng nghìn bức ảnh là tài liệu quý giá cho các địa phương, bảo tàng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn cầm bút, hăng say với những bài báo, bài thơ và công tác hội cựu chiến binh. Với ông, đó là niềm vui lớn nhất, khi mà con tim còn đập, tay còn cầm được bút thì ông còn miệt mài viết báo. Không sử dụng được máy tính, ông viết bài ra giấy như hồi ở chiến trường rồi đóng vào bì thư, gửi tới một số tòa soạn và hồi hộp chờ đợi “đứa con tinh thần” của mình đến với độc giả.
Với những thành tích của mình, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, bằng khen cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Báo chí Phát thanh - Truyền hình… Ông trở thành tấm gương sáng cho thế hệ con cháu học tập và noi theo về ý chí, tinh thần cách mạng cao cả, niềm say mê, nhiệt huyết với nghề nghiệp.
Quốc An
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/hoi-uc-tu-mot-chien-binh-tro-thanh-nha-bao/186194.htm