Hội Xuân ở Hà Nội: Nữ tướng 'cọc đi tìm trâu' tuyển chồng chăm chỉ, giỏi giang

Hội kén rể nổi tiếng ở huyện Đông Anh mở ra cuộc thi giữa hai chàng trai tài giỏi, chăm chỉ lao động. Trong hội ai cũng chỉ bước bằng chân trái, ý chỉ việc nữ đi tuyển chồng là hiếm gặp khi xưa.

 Nữ tướng Lê Thị Hoa và mẹ (Mẫu bà), lần lượt do em Diệp Trúc (20 tuổi) và bà Trần Thị Thúy vào vai ở hội năm 2024. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nữ tướng Lê Thị Hoa và mẹ (Mẫu bà), lần lượt do em Diệp Trúc (20 tuổi) và bà Trần Thị Thúy vào vai ở hội năm 2024. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Từ sáng đến chiều ngày 2/2 Âm lịch hàng năm, người dân làng Đường Yên, xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) lại tưng bừng mở Hội kén rể.

Năm nay, hội rơi vào thứ Hai (ngày 11/3 Dương lịch). Dẫu là ngày đầu tuần, nhiều người làng ở độ trung niên vẫn xin nghỉ làm để về quê chơi hội. Người dân Đường Yên coi chính hội và hai ngày trước đó như 3 ngày Tết. Nhiều nhà làm cơm để tụ tập con cháu, mời mọc bạn bè khắp chốn cùng tới chung vui.

Theo nhiều nguồn, bà Lê Thị Hoa là người gốc Nam Định, nhưng có bản doanh đóng ở làng Đường Yên. Dân làng nơi đây kính trọng, tôn bà làm Nữ sử anh phong, về sau là Thành hoàng làng.

Sau khi đánh giặc, về quê, bà Lê Thị Hoa lại tiếp tục việc đồng áng, thể hiện tấm gương người con gái giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Hội kén rể vinh danh nữ tướng Lê Thị Hoa. Chuyện kể rằng khi mới 17, 18 tuổi, bà Lê Hoa không ở nhà lấy chồng mà cùng hai nữ vương Trưng Trắc, Trưng Nhị ra trận đánh quân Đông Hán. Bà trở thành nữ tướng đắc lực giúp Hai Bà thông hiểu tình hình quân địch, tham mưu bày binh bố trận giúp đánh tan giặc.

Thắng cuộc trở về, bà mở hội kén rể ở làng Đường Yên. Mẫu bà (mẹ của nữ tướng) cùng con mở hội tìm kiếm trai tráng mạnh khỏe, giỏi việc đồng áng. Các cuộc so tài thể hiện tinh thần thượng võ, công bằng, tôn vinh người chăm chỉ lao động.

Sau này hội được người làng duy trì thành hàng năm để tưởng nhớ nữ tướng tài giỏi, cùng lúc nhắc nhớ thanh niên nói riêng và người làng nói chung về những phẩm chất tốt đẹp cần có.

Hội từng trải qua 60 năm thất truyền, đến 2001 mới được tổ chức trở lại. Ngày nay, hội phần nhiều chỉ dừng ở mức tái hiện, mua vui ngày Xuân cho bà con.

 Chàng trai đủ điều kiện thi hội cần trải qua sàng lọc, phải thật sự xứng đáng mới được nên duyên với nữ tướng tài giỏi. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Chàng trai đủ điều kiện thi hội cần trải qua sàng lọc, phải thật sự xứng đáng mới được nên duyên với nữ tướng tài giỏi. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Người vào vai nữ tướng và các chàng trai đều phải trẻ, chưa lập gia đình, nhiều điểm nổi bật. Hai chàng rể tiềm năng sẽ cùng thi cày, thi trò câu ếch, bắt trạch và chọc chó; làm sao để cày vừa khỏe vừa khéo, câu ếch và bắt trạch phải thật nhanh, chọc cho chó kêu càng to càng tốt. Ai đạt nhiều điểm hơn qua mỗi phần thi sẽ thắng.

Trâu và ếch đều do người đóng giả, tùy theo mỗi năm mà có khi ban giám khảo chấm cả khả năng diễn thú. Riêng có màn chọc chó, bắt trạch thì sử dụng con vật thật.

Đáng chú ý, người trong hội khi di chuyển chỉ đi bước một bằng chân trái. Theo ông Trần Văn Hiến – trưởng thôn Đường Yên và trưởng ban tổ chức lễ hội – việc chỉ bước chân trái thể hiện sự ngược đời, ít thấy, ý chỉ việc cọc đi tìm trâu là rất hiếm bấy giờ.

 Vai con rối - một trong những nhân vật mua vui ở hội kén rể của bà Lê Hoa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Vai con rối - một trong những nhân vật mua vui ở hội kén rể của bà Lê Hoa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trong hội, mẹ con nữ tướng thì giữ thái độ đạo mạo, giọng cất lên dõng dạc, oai phong. Hai “con rể” khi thi tài thường khiêu khích đối thủ, lăng xê bản thân và khi thắng hoặc thua thì lễ phép thưa bẩm. Tất cả đều được thể hiện dưới dạng vè, được dịch từ văn bản chữ Hán từ xưa hiện được lưu trữ tại Sở Văn hóa Hà Nội.

Khác với các nữ tướng và chàng rể dường như phải thay mỗi năm (vì các em đi lấy chồng, lấy vợ), vai Mẫu bà ít có biến động hơn. Mẫu bà không chỉ là người phụ nữ mẫu mực, mà còn phải có được phong thái và sự đạo mạo trong cách ăn nói và xử sự, nên thường được tín nhiệm người đã có kinh nghiệm diễn xuất, thuộc bài.

Trước hội vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm, làng còn có hoạt động mổ lợn – gọi là “ông bệu,” chiểu theo tích xưa khi bà Lê Hoa về làng khao quân. Ông bệu sau khi mổ ra được chia đều cho đàn ông trong mỗi gia đình.

“Đến nay làng vẫn giữ tục này, đã chia ‘ông bệu’ là phải chia đều, chia đủ. Nhà nào có con trai làm việc ở xa, đến Tết phải về để thụ lộc. Nhờ quán triệt thế mà tinh thần hội làng được gìn giữ bao lâu nay,” ông Nguyễn Hữu Đạo – trưởng ban giám khảo cuộc thi kén rể lý giải.

Lễ hội kén rể làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh đang trong quá trình xây dựng hồ sơ để ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Việc này không chỉ giúp lưu giữ những quan niệm về phẩm chất, giá trị tốt đẹp của lối sống làng quê một vùng, mà còn góp phần tôn vinh những tấm gương đặc biệt, có tầm ảnh hưởng trong quá trình dựng nước, giữ nước.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hoi-xuan-o-ha-noi-nu-tuong-coc-di-tim-trau-tuyen-chong-cham-chi-gioi-giang-post933980.vnp