Hội xuân Tủa Chùa - nơi quảng bá du lịch, giao lưu văn hóa đồng bào các dân tộc vùng cao

Du xuân từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của Nhân dân các dân tộc sinh sống trên huyện vùng cao Tủa Chùa vào dịp đầu năm. Khi đất trời còn căng tràn sức xuân, hàng nghìn người dân và du khách khắp nơi đã tụ hội về các điểm Hội xuân trên địa bàn huyện Tủa Chùa để cùng hòa mình vào hội xuân của đồng bào dân tộc nơi đây.

Vòng xòe tại Hội xuân Huổi Lếch, xã Mường Báng

Vòng xòe tại Hội xuân Huổi Lếch, xã Mường Báng

Với đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao Tủa Chùa, những ngày sau Tết, từ mùng 5 đến rằm tháng Giêng luôn được mọi người háo hức mong đợi. Bởi thời gian này, hoạt động du xuân của cộng đồng các dân tộc, nhất là dân tộc Mông ở đây mới chính thức nhộn nhịp, sôi nổi. Hàng nghìn người đã đổ về các điểm tổ chức để vui hội xuân; ném pao là trò chơi được đồng bào Mông duy trì chơi trong những ngày hội xuân, từ các cháu nhỏ cho đến cụ già đều ưa thích trò chơi này, tùy theo lứa tuổi, họ lựa chọn bạn chơi với mình. Ném pao chính là cách người Mông bày tỏ tình cảm với nhau, hầu hết những nam thanh nữ tú về đây đều mong tìm được người bạn tâm tình qua trò chơi ném pao. Khi ném pao, họ bắt đầu trò chuyện và trao cho nhau những ánh nhìn, nụ cười quý mến. Đối với những người đã có vợ, có chồng và người đã có tuổi, họ chơi pao cùng nhau để trò chuyện, hỏi thăm, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày.

Ông Sùng A Vảng, xã Tủa Thàng cho biết: Giờ đây đất nước đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của bà con chúng tôi đã được nâng lên, không còn đói nghèo như trước, vào dịp tết đến xuân về bà con ở các thôn, bản và các xã lân cận cùng nhau về chơi hội, cùng nhau tham gia chơi các trò chơi của dân tộc, tôi tuy già nhưng tôi vẫn tích ném pao truyền thống của dân tộc mình.

Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu xuân năm mới Ất Tỵ, UBND huyện Tủa Chùa đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức hội xuân cho Nhân dân được vui chơi, phù hợp với phong tục, tập quán các dân tộc, đảm bảo an toàn, tiết kiệm. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện vui chơi, sau một năm lao động vất vả, tạo động lực để đồng bào các dân tộc hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế trong một năm mới. Đây cũng là thời gian để quảng bá hình ảnh văn hóa, mảnh đất và con người vùng cao Tủa Chùa vui đón xuân mang đậm bản chất văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc đến với đông đảo du khách thập phương.

Hàng nghìn người dân và du khách tham quan, trải nghiệm hội xuân Tả Phìn

Hàng nghìn người dân và du khách tham quan, trải nghiệm hội xuân Tả Phìn

Ông Đặng Tiến Công, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Qua các hoạt động vui chơi trong những ngày diễn ra hội xuân không chỉ giúp quảng bá du lịch địa phương thông qua các trò chơi dân tộc như múa khèn, chọi dê được gìn giữ, góp phần phát huy và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi rẻo cao Tủa Chùa.

Đối với hội xuân tại xã Huổi Só, người Dao Làn Tẻn hay còn gọi là Dao quần chẹt sinh sống đôi bờ sông Đà kéo nhau về thôn Huổi Lóng để dự hội mùa xuân. Ngay từ sáng sớm, tại thôn Huổi Lóng đã có hàng nghìn người dân tộc Dao thuộc xã Huổi Só và các xã lân cận thuộc huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) và huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) đã tụ họp về đây du xuân. Đây là ngày hội vô cùng độc đáo, diễn ra tại bến sông Huổi Lóng của xã Huổi Só. Nơi đây mặc dù trải qua nhiều biến động của thời gian song ngày hội vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ngày Hội xuân tại thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só khác với Hội xuân của các xã khác trong huyện, bởi ngày hội này chỉ diễn ra trong một ngày mùng 4 tết hàng năm.

Bà Quàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Só cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã cũng tạo điều kiện cho người dân vui xuân như: Lắp đặt tăng âm, loa, đài phục vụ việc biểu diễn văn nghệ và thông báo về các trò chơi, nội dung thi đấu do xã tổ chức. Những chiếc lán nhỏ cũng được một số gia đình dựng lên quanh bãi đất để phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát cho những người đến đây du xuân. Bên cạnh đó công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… cũng được quan tâm thực hiện.

Người dân tham gia trò chơi bịt mắt đánh trống

Người dân tham gia trò chơi bịt mắt đánh trống

Với thời kỳ hội nhập và phát triển xã hội, ngay từ sáng sớm của ngày hội, cả khúc sông thuyền bè đậu san sát, còn trên bờ là tràn ngập sắc màu trang phục của người phụ nữ Dao Làn Tẻn. Tuy không rực rỡ như trang phục người Mông hay người Thái... nhưng lại tôn lên vẻ đẹp mộc mạc của người con gái bản địa. Để phục vụ việc mua sắm, trao đổi hàng hóa nhiều thương lái thập phương đã đến đây để buôn bán.

Chị Phùng Thị Hồng Mảy, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết: Tôi ở xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, hôm nay là ngày mung 4 tết, tôi biết chị em hay mua vải để may trang phục, tôi xuống đây để phục vụ chị em mua săm, ngày mùng 4 tết năm năm cũng đông vui, tôi bán được nhiều đồ.

Để quảng bá hình ảnh văn hóa, mảnh đất và con người vùng cao Tủa Chùa vui đón xuân mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc đến với đông đảo du khách, cũng như đáp ứng nhu cầu vui chơi vủa người dân trên địa bàn, hầu hết cấp ủy, chính quyền 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức điểm hội xuân để nhân dân được giao lưu văn hóa, văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian và thi đấu các môn thể thao truyền thống của các dân tộc.

Du khách check in tại hội xuân Tủa Chùa

Du khách check in tại hội xuân Tủa Chùa

Đến với huyện vùng cao Tủa Chùa vào những ngày đầu Xuân, du khách không chỉ được thả mình vào không gian của núi rừng, ngắm cảnh cao nguyên đá, hệ thống hang động kỳ vĩ mà còn có cơ hội tham gia rất nhiều lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Ông Nguyễn Đình Huỳnh, du khách đến từ TP. Điện Biên Phủ cho biết: Được hòa mình vào không khí hội xuân, không gian văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao Tủa Chùa mang đến cho tôi những ấn tượng độc đáo, khó quên.

Các hoạt động trong chuỗi Hội xuân Tủa Chùa đều hội tụ đầy đủ các nét văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây, từ đó tăng cường sự gắn bó, tạo dựng niềm tin người dân với cấp ủy chính quyền địa phương, góp phần duy trì, bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Tủa Chùa ngày một phát triển.

Bài: Thanh niên

Ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/van-hoa/hoi-xuan-tua-chua-noi-quang-ba-du-lich-giao-luu-van-hoa-dong-bao-cac-dan-toc-vung-cao