Hollywood lên tiếng về việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 100%

Sau tuyên bố áp thuế 100% với phim ảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: 'Hollywood giờ còn cái biển hiệu đẹp chứ không còn làm ăn gì nhiều'. Thực tế, tình hình sản xuất ở kinh đô điện ảnh một thời đang diễn ra thế nào?

Hollywood đang đứng trước một cơn địa chấn sau phát biểu mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đánh thuế 100% với các bộ phim Mỹ được "sản xuất ở nước ngoài, nhập khẩu vào Mỹ".

 Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 100% đối với tất cả các bộ phim "sản xuất ở nước ngoài, nhập khẩu vào Mỹ".

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 100% đối với tất cả các bộ phim "sản xuất ở nước ngoài, nhập khẩu vào Mỹ".

Theo lập luận của ông Trump: "Ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ đang chết rất nhanh. Các quốc gia khác đang tung ra đủ loại ưu đãi để lôi kéo các nhà làm phim và hãng phim của chúng ta rời khỏi Mỹ. Hollywood, cùng với nhiều khu vực khác bên trong nước Mỹ đang bị tàn phá

Đây là một nỗ lực có bàn tính của các quốc gia khác và vì thế là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Ngoài những thứ khác, đây còn là một hình thức truyền tải thông điệp và tuyên truyền".

Các nhà sản xuất Mỹ lên tiếng mức áp thuế 100%

The Guardian thông tin, sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, Thống đốc bang California - Gavin Newsom đã công bố gói ưu đãi thuế trị giá 7,5 tỷ USD (gần 195.000 tỷ đồng) nhằm giữ chân các đoàn phim ở lại California. Ông nhấn mạnh, ngành điện ảnh, truyền hình là trụ cột kinh tế của bang, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm có thu nhập cao.

Tuyên bố về việc tăng thuế của Tổng thống Donald Trump khiến giới làm phim bối rối. Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) vẫn chưa có phản hồi chính thức, nhiều lãnh đạo hãng phim lớn lo lắng vì họ không hề được thông báo trước về chính sách này.

Trả lời CNN, một số giám đốc hãng phim và nền tảng phát trực tuyến bày tỏ bức xúc, cho rằng tổng thống chưa tính đến hậu quả từ đề xuất của ông.

Nhà sản xuất Randy Greenberg cảnh báo, chính sách thuế trên có thể khiến chi phí sản xuất tăng vọt, dẫn đến việc giá vé phim cao hơn và người thiệt thòi chính là khán giả.

"Ở bối cảnh hiện tại, mức thuế này không hợp lý", Jay Sures - Phó chủ tịch của United Talent Agency, nói với CNN.

Theo Jay Sures, diễn viên và đạo diễn người Mỹ thường thích làm việc gần nhà. Nhưng thực tế là các hãng phim Hollywood sẽ tiết kiệm hơn trong các khoản máy bay, chỗ ăn ở... khi sản xuất ở nước ngoài", Sures cho biết.

Jay Sures cũng lưu ý, việc sản xuất phim ở nước ngoài có thể rẻ hơn đáng kể. Tuy nhiên, với mức thuế này, có khả năng khiến ngành kinh doanh phim ảnh càng thêm đình trệ.

"Điều này có thể khiến ngành công nghiệp điện ảnh rơi vào bế tắc – điều mà Hollywood không mong muốn sau 2 cuộc đình công và suy thoái trong khâu đầu tư, sản xuất, tiêu thụ", Sures bày tỏ.

 Theo dữ liệu từ Hiệp hội Điện ảnh (Motion Picture Assn.), Mỹ đạt thặng dư thương mại 15,3 tỷ USD (hơn 397.000 tỷ đồng) từ việc xuất khẩu các sản phẩm giải trí. Điều này cho thấy, trong lĩnh vực này, Mỹ xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Điện ảnh (Motion Picture Assn.), Mỹ đạt thặng dư thương mại 15,3 tỷ USD (hơn 397.000 tỷ đồng) từ việc xuất khẩu các sản phẩm giải trí. Điều này cho thấy, trong lĩnh vực này, Mỹ xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.

Một số khác có quan điểm cởi mở hơn. Họ cho rằng, tuyên bố của ông Trump có thể khởi xướng một cuộc đối thoại thực trạng "sản xuất mất kiểm soát". Điều này khiến nhiều người Mỹ làm việc trong lĩnh vực sản xuất phim và truyền hình mất việc làm.

Thực tế, nhiều năm qua, chi phí quay phim hành động ở Mỹ rất cao, nhất là khi cần khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đội ngũ diễn viên quần chúng đông đảo. Do vậy, ngày càng nhiều hãng chọn ra nước ngoài, như đến Canada, Anh, New Zealand, Úc, Thái Lan hoặc Trung Quốc.

Ông Teamsters Sean M. O'Brien. - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Teamsters bày tỏ: "Các hãng phim Mỹ đang chạy theo chi phí sản xuất rẻ ở nước ngoài trong khi làm suy yếu lực lượng lao động nòng cốt trong ngành công nghiệp phim và truyền hình Mỹ".

Ông Jay Sures - Phó Chủ tịch United Talent Agency có quan điểm: "Liệu các bộ phim do các công ty Mỹ sản xuất nhưng lấy bối cảnh ở các quốc gia khác - chẳng hạn như phim lịch sử về Thế chiến II - có bị đánh thuế hay không.

Những bộ phim được sản xuất một phần ở Mỹ và một phần ở những nơi khác thì sao? Nếu hai phút của bộ phim được quay ở nước ngoài, thì liệu có đáng bị đánh thuế không?", CNN trích lời của Jay Sures.

Reynaldo Castillo - Tổng giám đốc của công ty chuyên cung cấp đạo cụ Hand Prop Room cũng thừa nhận, Hollywood có cơ sở hạ tầng trong khâu sản xuất. Việc tăng thuế sản xuất phim ở nước ngoài cũng là cách giữ chân các nhà làm phim nội địa, góp phần thúc đẩy cơ hội việc làm.

"Nhưng chính sách ấy được áp dụng thế nào? Có ngoại lệ hay không? Những bộ phim độc lập có kinh phí thấp được quay ở nơi khác sẽ được áp dụng thế nào? Điều này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng và đảm bảo được triển khai phù hợp", Reynaldo Castillo nhìn nhận.

Hiện, vẫn chưa có thông tin cụ thể về cách thức triển khai mức thuế mới. Tại Phòng Bầu dục hôm 5/5 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump cho biết, ông sẽ họp với các giám đốc điều hành Hollywood trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Cổ phiếu của Netflix và các công ty giải trí lớn khác đã giảm đáng kể trong phiên giao dịch vào sáng 5/5, sau tuyên bố của ông Trump. Cổ phiếu Disney giảm hơn 3% trong giao dịch trước giờ mở cửa, trong khi Netflix giảm 6% và Warner Bros. Discovery giảm khoảng 4%.

Theo CNBC

Kinh đô điện ảnh đang vận hành ra sao?

Trong phát biểu mới nhất được CNBC dẫn lại, ông Donald Trump cho biết sẽ lên kế hoạch gặp gỡ các lãnh đạo trong ngành công nghiệp điện ảnh để thảo luận cụ thể hơn về đề xuất đánh thuế.

"Tôi không có ý định gây tổn hại cho ngành công nghiệp này. Ngược lại, tôi muốn hỗ trợ để ngành phát triển. Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ để lắng nghe ý kiến của họ, vì cuối cùng, điều quan trọng nhất là tạo ra việc làm", ông nói.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn cho rằng Thống đốc bang California Gavin Newsom "kém năng lực" và Los Angeles - thủ phủ điện ảnh Mỹ, đang bị mất vị thế vì sự quản lý yếu kém đó.

"Hollywood giờ chỉ còn cái biển hiệu đẹp chứ không còn làm ăn gì nhiều", ông Trump cho biết.

 Một phần trung tâm của thành phố Los Angeles (Mỹ) chìm trong biển lửa vì cháy rừng vào tháng 1/2025.

Một phần trung tâm của thành phố Los Angeles (Mỹ) chìm trong biển lửa vì cháy rừng vào tháng 1/2025.

Sky News thậm chí còn tuyên bố "Hollywood đang hấp hối". Tại xưởng phim Sony Production ở Culver City, một khu vực của Los Angeles chuyên sản xuất phim ảnh từng chứng kiến những dòng xe ô tô và xe tải tấp nập ra vào. Nhưng bây giờ, sự nhộn nhịp ấy không còn nữa. "Đây không còn là trái tim của ngành làm phim nữa", Sky News bình luận.

Hand Prop Room ở Los Angeles - nơi chuyên cung cấp đạo cụ cho ngành sản xuất phim ảnh từng có nhà kho chất đầy đạo cụ, từ chân dung của các cựu tổng thống, đến súng ngắn mô phỏng, đồ tạo tác châu Phi, ấm trà thế kỷ 18.

Song, hoạt động kinh doanh ở đây đang ở mức thấp kỷ lục chưa từng có. Đại dịch Covid-19, các cuộc đình công của diễn viên và biên kịch Hollywood cùng các vụ hỏa hoạn gần đây đã khiến cuộc khủng hoảng trong ngành sản xuất phim ảnh trở nên tồi tệ hơn.

Theo CBS News, thống kê mới nhất từ Film LA cho thấy, hoạt động sản xuất phim điện ảnh và truyền hình ở Los Angeles ngày càng sa sút. Số ngày quay phim trong quý I/ 2025 đã giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lượng phim sản xuất ở Hollywood đã giảm 40% trong 1 thập kỷ qua. Nhiều nhà làm phim phải chuyển sang các tiểu bang khác như New Mexico, New York và Georgia, nhưng thường là ra khỏi Mỹ hoàn toàn. Đây là hững nơi có bối cảnh đẹp, nhân công lành nghề và các chính sách thuế ưu đãi.

Bạch Dương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/hollywood-len-tieng-ve-viec-tong-thong-donald-trump-tuyen-bo-ap-thue-100-192250507120815217.htm