Hôm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị APEC lần thứ 28
Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 từ ngày 11 đến 12/11 theo hình thức trực tuyến.
Theo đó, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28 (12/11), dự Đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ngày 11/11) và phát biểu ghi hình trước tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (ngày 11 - 12/11). Do tình hình dịch bệnh, nước chủ nhà New Zealand tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự từ đầu cầu Hà Nội.
Chủ đề của Năm APEC 2021 là “Cùng Phối hợp, Cùng Hành động, Cùng Tăng trưởng”, với 3 ưu tiên, gồm: Chính sách kinh tế, thương mại, các biện pháp kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu, thương mại và đầu tư tự do và mở, tạo thuận lợi cho thương mại và kết nối; thứ hai là đẩy mạnh bền vững và bao trùm, thúc đẩy phục hồi bao trùm và bền vững, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương trong đó có người bản địa; và thứ ba là thúc đẩy sáng tạo và số hóa, công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng số và bao trùm số, kinh doanh và thương mại được tạo thuận lợi bởi số, cải cách cơ cấu, đổi mới sáng tạo.
Một trong những trọng tâm hợp tác của Năm APEC 2021 là xây dựng Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Trước mắt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, APEC đã sớm thúc đẩy triển khai nhiều biện pháp cụ thể trên nhiều lĩnh vực hợp tác như: lập trang thông tin chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh; gia tăng nguồn lực tài chính để hỗ trợ triển khai các sáng kiến mới về ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế; tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính để vượt qua khủng hoảng; hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau;…
Trong khuôn khổ Tuần lễ APEC lần này, Chủ tịch nước ta Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với sự tham dự của khoảng 4500 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương; tiếp đó là Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28 có chủ đề “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”, tập trung thảo luận hai nội dung là triển vọng kinh tế toàn cầu; và hợp tác phục hồi sau đại dịch. Hội nghị dự kiến thông qua 2 văn kiện là Tuyên bố Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28 và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Trước đó, vào giữa tháng 7 vừa rồi, trong khuôn khổ Năm APEC 2021, nước chủ nhà New Zealand đã tổ chức cuộc họp không chính thức của các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC với chủ đề “Ứng phó đại dịch COVID-19, đâu là cơ hội của châu Á – Thái Bình Dương hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đặt nền tảng cho tương lai tốt đẹp hơn?”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được mời tham dự phiên họp này và đã đề xuất 3 ưu tiên cần hợp tác trong APEC để ứng phó đại dịch COVID-19.
Theo đó cần triển khai nhanh chóng các chương trình hợp tác để hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khủng hoảng; nâng cao tính tự cường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; và đào tạo kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine; đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19. Thứ ba, xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế.
Với đề xuất này, Việt Nam là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy APEC cam kết hợp tác chia sẻ vaccine, bảo đảm phân phối và tiếp cận vaccine bình đẳng, hiệu quả và chi phí hợp lý; đồng thời, kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vaccine, hướng tới miễn dịch cộng đồng./.