Hơn 1.100 sản phẩm chủ lực địa phương được bảo hộ sở hữu trí tuệ
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đến nay có hơn 1.100 sản phẩm chủ lực địa phương được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong giai đoạn 2021 -2030, các sản phẩm chủ lực, nông nghiệp đặc thù tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ, các địa phương hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ, giúp tăng khả năng cạnh tranh.
Phát biểu tại tọa đàm về tài sản trí tuệ vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Sơn cho biết, chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2020 đã thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, người dân.
Số lượng đơn đăng ký bảo hộ của Việt Nam tăng khoảng 10% năm. Có hơn 1.100 sản phẩm chủ lực địa phương, sản phẩm nông nghiệp đặc thù... đã được hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, TS. Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng dẫn nhiều số liệu cho thấy, thực tế hoạt động bảo hộ tài sản trí tuệ không chỉ giúp tăng giá trị canh tranh của sản phẩm chủ lực. Nhiều sáng kiến, sáng chế của những tác giả không chuyên được phát hiện và ghi nhận, giúp lan tỏa và ứng dụng rộng trong cộng đồng, đóng góp vào phát triển kinh tế.
Ông Phan Ngân Sơn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: CTV
Ông Sơn cho biết thêm, hiện 63 địa phương trong cả nước đã ban hành các văn bản quy định về cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, làng nghề, hiệp hội, hộ kinh doanh bảo hộ, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
Trong giai đoạn 2021 đến năm 2030, chương trình sẽ tập trung đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mục tiêu số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16-18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8-10%/năm.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Chính phủ triển khai trong nhiều năm qua, TS. Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cho rằng, các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được bảo hộ ngày càng thể hiện giá trị quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và các sản phẩm đặc thù khác của Việt Nam.
Ông Cẩn cũng cho rằng, cần nâng cao hơn nữa vai trò của các tổ chức trung gian tham gia hoạt động kiểm soát, quản lý các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được bảo hộ. Các tổ chức trung gian này vừa có vai trò giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã tổ chức sản xuất, thương mại hóa sản phẩm đã được bảo hộ quyền, kết nối với các chương trình lớn của Nhà nước như Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... để lan tỏa các tài sản trí tuệ được rộng hơn, mang lại giá trị lớn hơn./.