Hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 2021 – 2025, cả nước đã huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình.
Ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 .
Tại hội nghị, ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới cho biết, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021 – 2025, cả nước đã huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện chương trình.
Cụ thể, năm 2021, cả nước huy động được khoảng 602.603 tỷ đồng; năm 2022, huy động được khoảng 744.723 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021 và năm 2023 tính đến tháng 6, cả nước huy động được khoảng 404.618 tỷ đồng
Như vậy, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 (tính đến thời điểm báo cáo) khoảng 1,752 triệu tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trực trực tiếp thực hiện chương trình chiếm khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%. Như vậy, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương cao nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, đến nay cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020); 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cả nước có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đến tháng 7/2023, cả nước có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.069 chủ thể; trong đó, có 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm...
Tại hội nghị, các đại biểu nêu ra một số khó khăn, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới như: hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình ở cấp Trung ương chậm được ban hành. Một số địa phương còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo phân cấp; Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh…
Các đại biểu nêu ra một số hạn chế tại địa phương như: các mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh ở các địa phương có sự khác nhau, chưa thống nhất. Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện không có con dấu riêng mà sử dụng con dấu chung của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế, nên hạn chế tính chủ động trong quá trình triển khai công việc. Cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên cũng ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai thực hiện chương trình ở cơ sở...
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Nhiều địa phương chưa thực hiện việc giải ngân ngay sau khi hoàn thành công tác giao kế hoạch vốn.
Chương trình nông thôn mới từ năm 2021-2023, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do UBND cấp tỉnh quy định.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình; sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo các mức độ phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các địa phương và đặc thù của vùng, miền.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình. Quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo Kế hoạch được giao của năm 2022 và 2023.
Cùng đó, tăng cường các hoạt động vận động các nhà tài trợ quốc tế, các Tổ chức phi chính phủ (NGOs) hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các nội dung liên quan đến những vấn đề cấp thiết của chương trình.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, để tạo điều kiện cho các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) để hỗ trợ thực hiện xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thầnh của người dân nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng các điển hình tiên tiến, các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, các tấm gương có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới để kịp thời động viên, khen thưởng, trình cấp có thẩm quyền xem xét khen thưởng khi sơ, tổng kết thực hiện chương trình./.