Hơn 10 năm tự nguyện chăm sóc chốn linh thiêng giữa lòng đất lửa
Cuối tháng Ba, trong cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe, bà Trần Thị Nguyệt (sinh năm 1959, nguyên nhân viên quản trang đầu tiên tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, giai đoạn 1983 - 2010) báo với chúng tôi, từ tháng 4/2021, nghĩa trang sẽ được bố trí thêm một nhân viên về công tác. Bà nói: 'Có thêm người chăm sóc nghĩa trang, tôi càng yên tâm về nghỉ rồi'. Nói là vậy, nhưng chúng tôi biết, đối với bà Nguyệt, người có đến 27 năm làm nhiệm vụ quản trang, đặc biệt thêm 10 năm tự nguyện ở lại trông nom, bà sẽ còn gắn bó cùng chốn linh thiêng này. Không ngoài suy nghĩ ấy, những ngày tháng Bảy tri ân, khi chúng tôi quay lại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, vẫn gặp bà Nguyệt đang ân cần thắp hương lên từng phần mộ liệt sĩ.
“Gia đình lớn” trên 5.600 “người thân”
Như mọi lần, thấy chúng tôi đến, bà Nguyệt mời vào nhà đón tiếp của nghĩa trang, vừa pha trà, bà vừa nói: “Trà, bánh đều được gửi từ ngoài Thái Nguyên vào biếu cùng với đó là nhiều thư cảm ơn, hỏi thăm khắp nơi gửi về, đặc biệt trong tháng 7 này”. Những tình cảm sâu sắc mà thân nhân liệt sĩ dành cho bà Nguyệt cũng dễ hiểu bởi từ trong sâu thẳm chính bà đã xem các anh hùng liệt sĩ ở đây như người thân, tận tâm chăm sóc gần cả cuộc đời mình.
Năm 1978, khi vừa tròn 19 tuổi, bà Trần Thị Nguyệt tình nguyện tham gia làm nhiệm vụ trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Năm 1983, bà Nguyệt nhận công tác tại phòng lao động, thương binh & xã hội, được giao nhiệm vụ quản trang đầu tiên tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Ý thức được trách nhiệm thiêng liêng, bà Nguyệt ngày ngày tận tâm với công việc. Có tổng diện tích 6 ha, trên 5.600 ngôi mộ, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh là nghĩa trang lớn thứ 3 của tỉnh Quảng Trị. Để có thể chăm sóc chu đáo toàn nghĩa trang, mỗi ngày bà Nguyệt đi bộ nhiều ki lô mét. Làm việc lâu năm, bà nắm rõ sơ đồ, vị trí từng khu mộ, phần mộ, vì vậy luôn tận tình giúp đỡ, hướng dẫn khi gia đình liệt sĩ hay các đoàn đến viếng, tìm mộ liệt sĩ. Tạo điều kiện cho thân nhân liệt sĩ ở xa, kể cả đến nghĩa trang lúc nửa đêm hay sáng sớm cũng có thể gặp cán bộ quản trang, trước đây bà Nguyệt ở lại hẳn trong căn phòng tập thể, trực 24/24 giờ. Nhờ vậy đã góp phần giảm bớt khó khăn, giúp thân nhân các anh hùng liệt sĩ thêm phần an tâm khi đến thăm viếng, tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Đã có rất nhiều gia đình trên khắp cả nước tìm thấy con, em mình đang yên nghỉ tại đây. Bà Nguyệt bảo, những lúc đó bà mới thực sự yên lòng, như thấy người thân của mình được sum vầy.
Đang trò chuyện cùng chúng tôi, bà Nguyệt nhận điện thoại của một thân nhân liệt sĩ ở phía Bắc trình bày do COVID-19 diễn biến phức tạp, gia đình không thể trực tiếp vào nên nhờ bà chuẩn bị lễ thắp hương ngày giỗ cho liệt sĩ đang an nghỉ tại nghĩa trang. Cũng đã có lần chúng tôi chứng kiến bà Nguyệt thay mặt gia đình đứng ra làm lễ tại phần mộ liệt sĩ Nguyễn Kim Thành, quê ở Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, hy sinh ngày 19/11/1967. Lễ vật, các phần hương hoa, quà bánh lúc nào cũng được bà Nguyệt tự tay chọn lựa, bày trí chu đáo nên thân nhân liệt sĩ dù ở xa vẫn yên tâm. Mỗi lần trực tiếp đến thăm đều bày tỏ lòng cảm phục, nhiều gia đình còn xin phép nhận bà Nguyệt làm con nuôi, anh em kết nghĩa vì trân quý tấm lòng người quản trang đáng kính.
Nguyện ở lại vì những người đã ra đi
Qua 27 năm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2010, bà Nguyệt được về nghỉ hưu theo chế độ. Làm việc ở nghĩa trang từ những ngày đầu và khi tuổi đời còn trẻ, hiểu khối lượng công việc lớn trong khi đội ngũ nhân viên làm công tác quản trang còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm nên dù chính thức nhận quyết định nghỉ hưu năm 2010, nhưng từ đó đến nay hơn 10 năm, chưa ngày nào bà Nguyệt vắng mặt ở nghĩa trang. Bà vẫn tiếp tục trông nom, hương khói cho “Mái nhà chung” của các anh hùng liệt sĩ mà không có bất kỳ yêu cầu hay đòi hỏi quyền lợi cho bản thân. Mỗi ngày bà hỗ trợ cán bộ, nhân viên quản trang bảo vệ, hướng dẫn các đoàn thăm viếng; bảo quản các hạng mục trong khuôn viên luôn tôn nghiêm, xứng đáng với nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh hùng liệt sĩ. Về lý do ở lại 10 năm qua, bà Nguyệt tâm sự, bao nhiêu năm làm quản trang, ngoài tình cảm với nơi đây, bà vẫn luôn trăn trở bởi trong số trên 5.600 mộ liệt sĩ thuộc 41 tỉnh, thành trong cả nước đang yên nghỉ thì có đến trên 2.000 ngôi mộ chưa biết tên, bà nghĩ các anh, các chị chịu nhiều thiệt thòi. Càng nghĩ vậy bà càng muốn gần kề, chăm lo, hương khói cho những phần mộ.
Chúng tôi hỏi bà Nguyệt định bao giờ cho phép bản thân nghỉ ngơi sau gần 40 năm đảm nhận nhiệm vụ thiêng liêng ? Bà Nguyệt chia sẻ, mong có nhiều sức khỏe để còn gắn bó với nơi này. Sinh ra, lớn lên khi cả nước còn chiến tranh khốc liệt, mình may mắn sống sót, được chứng kiến đất nước đổi thay từng ngày. Còn các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, có người ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Vậy nên quyết định tiếp tục dùng chút tâm sức chăm sóc, hương khói cho từng phần mộ để vừa làm ấm lòng hương hồn các anh hùng liệt sĩ, đồng thời xoa dịu phần nào mất mát của các gia đình có con, em đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và đang nằm lại trên mảnh đất Vĩnh Linh “lũy thép”…
Một tháng Bảy tri ân nữa lại về, cũng là tháng Bảy thứ 10 bà Nguyệt tự nguyện chăm sóc các phần mộ liệt sĩ. Dù ngoài kia nhịp sống tất bật, hối hả nhưng ở chốn linh thiêng này, thời gian như ngưng đọng, giữa khói hương nghi ngút, sừng sững dòng chữ tạc vào nền trời xanh thẳm: Tổ quốc ghi công.