Hơn 100 nhà khoa học dự Hội thảo toàn cầu lần thứ 9 về bệnh Whitmore
Hội thảo khoa học toàn cầu lần thứ 9 về bệnh Whitmore diễn ra từ ngày 16-18/10, thu hút sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học đến từ 26 quốc gia.
Hội thảo khoa học toàn cầu lần thứ 9 về bệnh Whitmore do Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh, Vi sinh và Môi trường Y học thuộc Đại học Y khoa Graz của Áo đăng cai tổ chức đã khai mạc ngày 16/10, tại Hà Nội.
Đây là hội thảo khoa học lớn nhất thế giới về các nghiên cứu bệnh Whitmore, được tổ chức thường kỳ 3 năm/lần.
Hội thảo lần này diễn ra từ ngày 16-18/10, thu hút sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học đến từ 26 quốc gia, với 65 báo cáo tại 11 phiên họp và 103 bài báo cáo poster.
Qua đó, các nhà khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu tiêu biểu, nổi bật nhất về bệnh Whitmore trong 3 năm qua, chia sẻ kinh nghiệm về chẩn đoán bệnh sớm, kỹ thuật điều trị, cập nhật những kiến thức về lâm sàng, kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, cũng như các thuốc kháng sinh điều trị bệnh.
Tiến sỹ Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho biết, thời gian qua, Whitmore được lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông với những thông tin sai sự thật, vô căn cứ, thiếu tính khoa học, gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý lo lắng cho người dân.
Các bệnh viện tuyến dưới thiếu thông tin về căn bệnh này do bác sỹ lâm sàng chưa biết nhiều về bệnh, chưa cảnh giác xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Cán bộ xét nghiệm vi sinh cận lâm sàng chưa có quy trình xét nghiệm bệnh, chưa chú ý đến xét nghiệm bệnh. Chính vì vậy, Whitmore là một bệnh truyền nhiễm đang bị bỏ quên tại Việt Nam, trong khi Việt Nam từng là điểm nóng của dịch bệnh này thời kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.
Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. B. pseudomallei là vi khuẩn sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn.
Lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa cũng đã được đề xuất. Một số nghiên cứu chỉ ra những bằng chứng nhiễm bệnh khi ăn các thức ăn có vi khuẩn.
Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào về lây bệnh giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí. Vì thế, nhiễm bệnh Whitmore thường lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.
Tiến sỹ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là một bệnh bị lãng quên; gần đây ghi nhận số ca gia tăng không chỉ ở Việt Nam, còn tại nhiều nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Lào, Australia, Ấn Độ và nhiều nước châu Phi, chủ yếu là các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo các chuyên gia, bệnh này đặc biệt nguy hiểm với những người mắc các bệnh sẵn có như huyết áp, tiểu đường…, khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ gây nhiễm trùng máu, suy tạng, suy hô hấp…
Chuyên gia đến từ Trường Đại học Amsterdam, Hà Lan chia sẻ: theo y văn thế giới, khoảng 50% ca mắc bệnh bị suy giảm miễn dịch, đặc biệt với những bệnh nhân mắc bệnh sẵn có như huyết áp, đái tháo đường…; khoảng 30% ca tử vong do bệnh này có liên quan đến sốc nhiễm trùng.
Do vậy, cần phải xác định được các ổ nhiễm trùng nguyên phát trên cơ thể bệnh nhân, xem đường vào của vi khuẩn từ đâu để có đánh giá bệnh kịp thời, có phương pháp điều trị tối ưu nhất.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đề xuất những xét nghiệm test nhanh để chẩn đoán sớm bệnh này, vì hiện nay, kết quả chẩn đoán bệnh Whitmore phải chờ xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn từ 5-7 ngày, thậm chí nhiều khi vi khuẩn không mọc, không thể chẩn đoán ra đúng bệnh, dẫn tới điều trị sai.
Tiến sỹ Trịnh Thành Trung khuyến cáo: Nếu người dân làm việc, tiếp xúc nhiều với đất (đa số nông dân), có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc các bệnh mãn tính về thận, phổi, có những triệu chứng sốt kèm theo viêm phổi, nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám, xét nghiệm, điều trị bệnh kịp thời.
Đối với các bác sỹ, khi nghi ngờ bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore, nên cho chỉ định lấy máu, mủ, đờm, nước tiểu ngay để sớm chẩn đoán đúng bệnh, từ đó điều trị theo phác đồ kháng sinh khuyến cáo, nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong cho người bệnh./.