Hơn 100 tàu vẫn quyết xuyên qua tuyến đường Biển Đỏ bất chấp cảnh báo rủi ro
Sau lời cảnh tỉnh của hải quân Mỹ và Anh, số lượng tàu thương mại đi qua tuyến Biển Đỏ/Kênh Suez đã giảm hơn một nửa trong tháng qua, tuy nhiên vẫn còn một số tàu vẫn hiên ngang xuyên qua tuyến đường này.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông và các cuộc tấn công của Mỹ và Anh nhắm vào các mục tiêu Houthi ở Yemen tuần trước, các tập đoàn công nghiệp vận tải và tàu chở dầu lớn nhất đã khuyên các thành viên tránh xa eo biển Bab el-Mandeb trong khi các chủ hàng đang chuyển hướng quá cảnh rời xa Biển Đỏ một lần nữa.
Nhiều người trong số họ đã nghe theo lời khuyên, nhưng một số thì không.
Theo dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg giám sát, tổng cộng có 114 tàu thương mại – bao gồm tàu chở dầu, tàu chở hàng rời và tàu container – vẫn tiếp tục lộ trình của mình và quá cảnh vào hoặc ra khỏi Biển Đỏ qua eo biển Bab el-Mandeb.
Con số này giảm so với 131 tàu đi qua điểm nghẽn trong cùng ngày của tuần trước và hơn một nửa so với 272 tàu đã sử dụng tuyến đường này một tháng trước, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Theo CNBC, bất ổn ở Biển Đỏ thời gian qua đã khiến các hãng vận tải phải chuyển hướng vận chuyển hàng hóa trị giá 200 tỉ USD sang đường vòng dài hơn qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, đẩy giá cước vận tải biển lên cao - mức tối đa hiện là 10.000 USD/container 40 feet (hơn 12 m).
Tuy nhiên, các nhà quan sát thị trường lại kỳ vọng sự thay đổi này sẽ đảo ngược "vận xui" của ngành vận tải, vốn sa lầy vào cuộc suy thoái năm ngoái.
Ông Alan Baer, Giám đốc điều hành của Công ty Hậu cần OL USA, cho rằng mức giá cao hơn của năm 2024 có thể tăng thêm hàng tỉ USD lợi nhuận cho các hãng vận tải biển ngay cả khi điều này chỉ kéo dài thêm 2-3 tuần nữa. Nếu tình hình hiện tại kéo dài 3-6 tháng, lợi nhuận sẽ dần đạt đến mức của năm 2022.
Trước khi Biển Đỏ căng thẳng, giá cước container toàn cầu đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2022 - trái ngược hoàn toàn so với sự bùng nổ giá cước sau đại dịch COVID-19.
Khánh Vy (Theo Oilprice)