Hơn 165.000 gian hàng thương mại điện tử đóng cửa: Có gì bất thường?
Hơn 165.000 gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đã ngừng hoạt động chỉ trong vòng một năm, tương đương gần 3.200 cửa hàng rút lui mỗi tuần, 38.000 cửa hàng không phát sinh đơn hàng, Cục TMĐT&KTS cho biết, sẽ kiểm tra và giám sát hoạt động của các sàn TMĐT.
Con số hàng trăm nghìn gian hàng dừng hoạt động liệu có gì bất thường? Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng, Cục TMĐT&KTS, Bộ Công Thương với phóng viên Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV) xung quanh nội dung này.

Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng, Cục TMĐT&KTS, Bộ Công Thương.
PV: Thưa ông, đến nay có đến hơn 165.000 gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đã ngừng hoạt động chỉ trong vòng một năm, tương đương gần 3.200 cửa hàng rút lui mỗi tuần, 38.000 cửa hàng không phát sinh đơn hàng, theo ông đây có phải vấn đề bất thường?
Ông Hoàng Ninh: Theo báo cáo Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý I/2025 và dự báo quý II/2025 của Metric, 38.000 cửa hàng không phát sinh đơn hàng trên các nền tảng TMĐT.
Cũng theo báo cáo này, nhóm cửa hàng có doanh số cao lại tăng trưởng mạnh, đặc biệt nhóm shop đạt doanh số trên 50 tỷ đồng đã tăng gần gấp đôi (95%) so với quý I năm 2024.
Như vậy, có thể thấy rằng, các gian hàng uy tín được người tiêu dùng đánh giá cao, có chiến lược kinh doanh phù hợp, sản phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt vẫn phát sinh đơn hàng, thậm chí còn tăng trưởng, còn các gian hàng không đảm bảo chất lượng hoặc chưa tìm được hướng đi hay chiến lược kinh doanh theo quy luật sẽ khó cạnh tranh và phải đối mặt với nguy cơ bị loại bỏ khỏi thị trường.

hơn 165.000 gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) ngừng hoạt động
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT&KTS) sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá tổng thể thị trường.
PV: Thưa ông, gần đây, các sàn TMĐT như Shopee, TikTok Shop hay Lazada đồng loạt tăng phí hoạt động, phí hoa hồng, nâng tỉ lệ doanh thu người bán phải chia cho sàn, việc các sàn nâng các loại phí này có phải báo cáo hay được sự cho phép của Cục hay không?
Ông Hoàng Ninh: Tăng phí hoa hồng từ các sàn giao dịch TMĐT tạo ra áp lực không nhỏ đến người bán trên các nền tảng, đặc biệt với những người bán là các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh cá thể hoặc cá nhân kinh doanh trên sàn. Khi phí hoa hồng tăng có thể dẫn đến một số tác động như giá hàng hóa tăng cao, người mua tốn kém hơn và nhu cầu mua sắm giảm sút.
Phí hoa hồng trên các sàn giao dịch TMĐT hiện nay không giống nhau và phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, chiến lược thu hút người bán, người tiêu dùng của mỗi sàn theo từng thời kỳ.
Việc nâng phí hoa hồng phải dựa trên cơ sở minh bạch thông tin, phí phải được áp dụng đồng bộ với đối tượng là người bán (ví dụ phí áp dụng đồng thời cho các đối tượng là người bán trong và ngoài nước) và được thông báo trước theo quy định của pháp luật trước khi áp dụng chính thức.
Theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP), các sàn giao dịch TMĐT phải vận hành website và triển khai mô hình cung cấp dịch vụ TMĐT theo hồ sơ đăng ký mà Bộ Công Thương đã xác nhận và lưu tại hệ thống online.gov.vn.
Cục thực hiện quản lý, kiểm tra và giám sát hoạt động của các nền tảng TMĐT, thực hiện xử lý hành vi vi phạm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt với các hành vi vận hành sàn giao dịch TMĐT không theo hồ sơ đã được phê duyệt.
Trường hợp cần thiết, phục vụ quản lý hoạt động TMĐT, Cục phối hợp với các cơ quan liên quan như Ủy ban Cạnh tranh quốc gia để đánh giá tác động của việc điều chỉnh phí, yêu cầu các sàn báo cáo về cơ chế thu phí, nhằm đảm bảo không có sự lạm dụng vị thế thị trường.
Cục sẽ theo dõi các điều khoản cung cấp dịch vụ của các sàn theo mô hình đã được phê duyệt, trường hợp chưa đúng sẽ yêu cầu giải trình và xử phạt hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt nếu có hành vi vi phạm.

Hơn 165.000 gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) ngừng hoạt động.
Cục khuyến nghị các sàn giao dịch TMĐT công khai đầy đủ thông tin việc tăng phí và tuyệt đối tuân thủ các quy định về TMĐT để đảm bảo môi trường TMĐT công bằng, minh bạch và bền vững.
PV: Chiết khấu đơn hàng đã tăng lên từ 10% - 15%, ngoài ra, còn phải đối mặt với hàng loạt các khoản phí như phí quảng cáo nội sàn, đóng gói, hoàn đơn... điều này khiến tỷ lệ lợi nhuận của các cửa hàng này ngày càng giảm, đó là nguyên nhân các cửa hàng rút lui khỏi thị trường. Vậy hướng hỗ trợ, giải pháp sắp tới của Cục như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Ninh: Thời gian qua, để hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh trong môi trường TMĐT vốn có sự cạnh tranh gay gắt, Cục TMĐT&KTS đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ bao gồm:
Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý như đề xuất xây dựng Luật TMĐT, trình ban hành Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026-2030 để tăng cường minh bạch hóa thông tin, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan trong TMĐT; tạo điều kiện để tăng cường giám sát các nền tảng TMĐT.
Phối hợp với các đơn vị liên quan như Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước… để theo dõi, các chính sách, các điều khoản dịch vụ của các sàn TMĐT đã đăng ký tại hệ thống quản lý hoạt động TMĐT được thực thi đúng mô hình đã được phê duyệt, đảm bảo không có hành vi lạm dụng vị thế thị trường để gây sức ép cạnh tranh không lành mạnh.
Tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về kiến thức và kỹ năng TMĐT, giúp các nhà bán lẻ tối ưu hóa quy trình kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, qua đó giảm các chi phí phát sinh không cần thiết để gia tăng lợi nhuận.
PV: Xin cảm ơn ông!