Nghị quyết 68 là bước đột phá lần thứ 3 trong phát triển kinh tế tư nhân

Sau 2 mốc đột phá là thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân và trao quyền kinh doanh, thì với Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, khu vực kinh tế tư nhân sẽ có sự thay đổi về chất.

Bước ngoặt, đột phá thứ ba trong phát triển kinh tế tư nhân

Trao đổi tại Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 9/5, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội - Chuyên gia kinh tế cho rằng, sự ra đời của Nghị quyết 68 là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đã đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay.

Điểm lại các mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, ông Hiếu cho biết, mốc thứ nhất là giai đoạn 1988 - 1990, khi kinh tế tư nhân bắt đầu được thừa nhận, được cho phép hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhất định theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Mốc thứ hai là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, năm 1999-2000. Đây là một mốc lớn, thay đổi một bước nữa về quan điểm của Việt Nam đối với khu vực tư nhân.

Thứ nhất là từ việc kinh tế tư nhân chỉ được làm trong một số lĩnh vực mà nhà nước cho phép chuyển sang tư duy kinh tế tư nhân được làm, được kinh doanh trong những ngành nghề mà nhà nước không cấm. Đây là một bước thay đổi đột phá về quyền kinh doanh của kinh tế khu vực tư nhân.

Thứ hai là việc chuyển từ cấp phép kinh doanh cho doanh nghiệp sang đăng ký kinh doanh để thành lập, nhờ vậy mà thủ tục đơn giản hơn rất nhiều. “Trước năm 2000, chúng ta mất rất nhiều thời gian, có thể từ 1 năm đến vài năm với điều kiện rất ngặt nghèo để thành lập công ty, thì sau này thì việc thành lập này rất dễ dàng, có thể tính bằng ngày, bằng giờ”, ông Hiếu cho hay.

Mặc dù từ đó đến nay, chúng ta vẫn liên tục cải cách nhưng ông Hiếu nhấn mạnh, Nghị quyết 68 ra đời ở thời điểm này, nếu được triển khai thực hiện tốt thì đây sẽ là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Nếu mốc đột phá thứ nhất là việc thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân, mốc đột phá thứ hai là trao quyền kinh doanh và có sự cải cách thủ tục hành chính, chủ yếu ở mức gia nhập thị trường, thì ở mốc thứ ba - với Nghị quyết 68, khu vực kinh tế tư nhân sẽ có sự thay đổi về chất.

Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội - Chuyên gia kinh tế. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội - Chuyên gia kinh tế. Ảnh: Nhật Bắc

Bởi lẽ, nhìn sâu vào nhóm giải pháp, nhiệm vụ tại Nghị quyết 68, có thể khái quát thành 3 vấn đề. Thứ nhất là tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường, xóa bỏ các rào cản hành chính trong quá trình hoạt động, với mục tiêu cắt giảm 30% thủ tục, quy định, chi phí tuân thủ.

Thứ hai là tăng mức độ bảo vệ, giảm thiểu rủi ro cho khu vực kinh tế tư nhân theo hướng không hình sự hóa khi xử lý trách nhiệm. Thứ ba là khơi thông nguồn lực, giúp khu vực này tiếp cận nguồn lực với đất đai, vốn, nhân sự.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính – đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết 68 cho biết, khi tham gia xây dựng nghị quyết, ban đầu rất lo ngại rằng những đề xuất mạnh mẽ như vậy sẽ không được chấp thuận.

“Nhưng lần này, có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, đặc biệt là bài viết của Tổng Bí thư như kim chỉ, tiếp thêm niềm tin và quyết tâm cho chúng tôi. Có thể khẳng định, nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước”, bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, điểm đặc biệt trong Nghị quyết 68 là Đảng, Chính phủ đã thể hiện sự tin tưởng sâu sắc đối với khu vực tư nhân.

Dẫn chứng, bà Thủy cho biết, trước đây, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thường được ưu tiên hơn so với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận tín dụng. “Có thời kỳ, doanh nghiệp nhà nước được tín chấp, không cần tài sản thế chấp vẫn vay được vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân thì vô cùng khó khăn”, bà Thủy nói và cho biết, Nghị quyết lần này khẳng định rõ ràng yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận nguồn lực...

Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay". Ảnh: Nhật Bắc

Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay". Ảnh: Nhật Bắc

Sẽ thể chế hóa ngay bằng các giải pháp cụ thể

Theo bà Bùi Thu Thủy, không chỉ dừng ở trên Nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể. “Trong hơn 20 năm công tác, chưa bao giờ việc thể chế hóa lại được triển khai nhanh như hiện tại”, bà Thủy khẳng định.

Cụ thể, khi xây dựng dự thảo Nghị quyết 68, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cũng đồng thời xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ.

Thủ tướng đã chỉ đạo, dự kiến cố gắng ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước ngày 18/5, khi phổ biến Nghị quyết của Quốc hội cũng sẽ kèm theo chương trình hành động của Chính phủ.

‘Đến nay, chúng tôi cũng đã cố gắng thể chế hóa tối đa những gì nêu trong Nghị quyết 68 mà mình thấy rất rõ và làm được ngay. Có những vấn đề chúng ta cần thời gian nghiên cứu để đạt độ "chín" thì sẽ thể hiện ở các luật. Hiện nay như dự thảo, tinh thần là đưa toàn bộ, thậm chí có một số chính sách cũng đã có trong dự thảo các luật”, bà Thủy nói.

Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội đưa ra khoảng 9 nhóm giải pháp với những nội dung rõ ràng, cụ thể. Trong chương trình hành động của Chihns phủ, dự kiến có khoảng 50 nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành. Phần lớn các nhiệm vụ này sẽ phải hoàn thành trong năm 2025. Những luật chưa trình kịp trong kỳ họp thứ 9 thì buộc phải trình tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). Một số nội dung cần thêm thời gian sẽ được lùi sang năm 2026.

Nghị quyết lần này có tầm nhìn tới 2045, nhưng tất cả nhiệm vụ chính yếu vẫn được dồn lại trong 2 năm. Nhiệm vụ thường xuyên sẽ hoàn tất vào cuối 2025, chỉ một vài nội dung chuyển sang 2026. Mục tiêu là đến cuối 2025, công tác thể chế phải cơ bản hoàn tất. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ là giai đoạn khơi thông, phát huy nguồn lực tư nhân để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới tăng trưởng hai con số.

Kỳ Thành

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nghi-quyet-68-la-buoc-dot-pha-lan-thu-3-trong-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-d281049.html