Hơn 17.700 tỉ đồng đầu tư xây dựng cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương
Dự án cao tốc Bảo Lộc Liên Khương được phê duyệt với tổng vốn hơn 17.700 tỉ đồng, kỳ vọng rút ngắn thời gian di chuyển và thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên.
Ngày 31-3, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 1. Tuyến đường này sẽ kết nối khu vực phía nam tỉnh Lâm Đồng với TP Đà Lạt thông qua cao tốc Liên Khương - Prenn.

Tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án đầu tư đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương nối phía nam Lâm Đồng với Đà Lạt. ẢNH VÕ TÙNG
Theo thiết kế, tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương bắt đầu từ phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc), trùng với điểm cuối của cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tại Km125+675. Điểm cuối của tuyến giao với cao tốc Liên Khương - Prenn tại Km208+650, thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.
Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 73,62 km, được thiết kế với vận tốc tối đa 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 17.700 tỉ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần thúc đẩy kết nối giao thông, phát triển kinh tế - du lịch của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.
Trên toàn tuyến sẽ có 47 km đường gom, 19 km đường ngang kết nối dân cư hai bên và 51 cây cầu, bao gồm 13 cầu trên tuyến chính, 35 cầu vượt ngang và 3 cầu trong các nút giao.
Về thu phí, dự án sẽ có hai trạm thu phí chính và các trạm phụ tại các nút giao liên thông. Trạm dừng nghỉ được bố trí hai bên tuyến tại Km132+300 (bên phải) và Km135+000 (bên trái), thuộc xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, với diện tích mỗi bên khoảng 5 ha trong giai đoạn 1.
Dự án cần giải phóng mặt bằng khoảng 610 ha, với chi phí 5.794 tỉ đồng. Trong đó, TP. Bảo Lộc chiếm 37 ha, huyện Bảo Lâm 57 ha, huyện Di Linh 305 ha và huyện Đức Trọng 211 ha.

Đèo Prenn, cửa ngõ quan trọng vào Đà Lạt, đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn cao tốc và kết nối với cao tốc Liên Khương - Prenn, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và giảm ùn tắc. Ảnh: VÕ TÙNG
Hiện tại, UBND tỉnh Lâm Đồng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư, thực hiện các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng để sớm khởi công dự án. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Lâm Đồng và TP.HCM, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên.
Dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025 - 2030, với thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 20 năm. Hiện, tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án.