Tiến độ 2 dự án PPP cao tốc ở Đông Bắc và Tây Nguyên hiện ra sao?

Cùng với các dự án PPP giao thông chuẩn bị thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng, các dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang thi công 'chạy nước rút' nhiều hạng mục quan trọng.

Nỗ lực thông hai tuyến trong năm 2025

Thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Xây dựng), tính đến trước thời điểm Luật PPP được ban hành (năm 2020) cả nước đã huy động khoảng 318.857 tỷ đồng đầu tư 140 dự án BOT giao thông. Trong đó, Bộ Xây dựng quản lý 66 dự án, địa phương quản lý 74 dự án.

Máy móc thi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Máy móc thi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Sau thời điểm Luật Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực, có 17 dự án đang được triển khai xây dựng và trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Trong đó, Bộ Xây dựng làm cơ quan có thẩm quyền 1 dự án (cao tốc Dầu Giây - Tân Phú).

Trên công trường dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tính đến tháng 3/2025, sản lượng dự án đã đạt gần 2.000 tỷ đồng, tương đương 19% giá trị hợp đồng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các mũi thi công vẫn đang tiếp tục "3 ca, 4 kíp" để thông tuyến ngay trong năm 2025.

Để có được sản lượng thi công như vậy, hơn 1 năm qua, nhà đầu tư là liên danh Tập đoàn Đèo Cả cùng hội đồng cố vấn lăn lộn để nắm bắt thực tế, kịp thời đưa ra phương án thi công phù hợp.

Ông Dương Đức Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp dự án cho biết, trên khoảng 84km chiều dài mặt bằng đã được bàn giao, các nhà thầu đang triển khai đồng loạt 71 mũi thi công, hơn 1.500 nhân sự và hơn 700 xe máy thiết bị.

Hầm Đông Khê trên cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh,

Hầm Đông Khê trên cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh,

Theo đại diện doanh nghiệp, trên toàn tuyến đang huy động 41 mũi thi công, hơn 1.000 nhân sự và hơn 500 máy móc, thiết bị. Sản lượng thi công đạt 775 tỷ đồng, tương đương gần 12% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.

“Cùng đặt mục tiêu thông tuyến trong năm nay, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cũng đang được dồn tổng lực để bứt tốc tiến độ”, ông Tuấn nói.

Với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", nhà thầu thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (dự án thành phần 1, 2) đang chạy nước rút thi công đào hầm, đắp nền đường khi mùa mưa đang tới gần.

Tại dự án thi công hầm Phượng Hoàng trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, với tinh thần làm việc "3 ca, 4 kíp", sau 10 tháng thi công, đã đạt tiến độ vượt kế hoạch đề ra.

Hầm Phượng Hoàng nằm trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (nối Khánh Hòa với Đắk Lắk) có chiều dài 1,7km, thuộc gói thầu XL01, dự án thành phần 2, do Ban QLDA 6, Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Đây là hầm dài nhất trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, do liên danh Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận thi công.

Hầm Phượng Hoàng trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã đạt tiến độ vượt kế hoạch đề ra.

Hầm Phượng Hoàng trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã đạt tiến độ vượt kế hoạch đề ra.

Hầm Phượng Hoàng có hầm trái dài 1.678,5m và hầm phải dài 1.685,565m. Sau khoảng 10 tháng mở cửa hầm, với tinh thần làm việc "3 ca, 4 kíp", huy động máy móc, nhân lực tổ chức 6 mũi thi công hầm, đến nay đã đáp ứng và vượt tiến độ đề ra.

Theo Ban điều hành gói thầu XL01, hiện nay hầm trái đã khoan được 712m và hầm phải đạt 751m. Nhà thầu đang tiếp tục huy động nguồn lực để đẩy nhanh thi công nổ mìn phá đá, khoan hầm và đào hạ nền. Dự kiến đến cuối tháng 11/2025 sẽ đào thông hầm Phượng Hoàng.

Anh Trương Minh Phong – công nhân thi công vỏ hầm cho biết, mỗi ca có 8 người thi công với tinh thần "3 ca, 4 kíp", nên không khí thi công trong hầm luôn nhộn nhịp. Mỗi công nhân đảm nhận mỗi phần việc khác nhau như dựng vì, ghim lướt, đóng neo và phụ khoan.

“Dù điều kiện thi công trong hầm khắc nghiệt nhưng anh em luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng tiến độ dự án", anh Phương nói.

Công nhân đang khoan hầm Phượng Hoàng trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Công nhân đang khoan hầm Phượng Hoàng trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu XL01 cho biết: Hầm Phượng Hoàng dài 1,7Km, là một hạng mục quan trọng của dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nên công tác thi công luôn được nhà thầu chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng.

Theo Ban điều hành gói thầu XL01, hiện nay công tác đào hầm Phượng Hoàng đang thực hiện nhanh hơn 20m so với kế hoạch được duyệt.

"Hiện nay công tác triển khai thi công hầm Phượng Hoàng do liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Xây dựng Đèo Cả đảm nhận, đang được thi công trên tinh thần "3 ca, 4 kíp", thi công liên tục. Hiện tại, đối với hầm trái đã đào được 712m, hầm phải đạt 751m đảm bảo tiến độ đề ra và vượt so với kế hoạch 20m đối với mỗi hầm.

Trên tiến độ đó, chúng tôi dự kiến đến cuối tháng 10/2025 sẽ thông được hầm phải và cuối tháng 11/2025 sẽ thông được trái theo tiến độ nhà nhà thầu đã đề ra", ông Tú cho biết.

Theo Ban QLDA 6, để đáp ứng tiến độ chung của dự án và bù lại tiến độ bị chậm, các nhà thầu cần tập trung cao độ, huy động đẩy đủ nhân lực, thiết bị, bổ sung các mũi thi công các hạng mục đường găng như: cửa Đông hầm Phượng Hoàng (XL01); các cầu lớn tại các vị trí địa hình khó khăn và các vị trí nền đào sâu, nền đất yếu…trước mùa mưa.

Thi công lớp vỏ hầm Phượng Hoàng trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Thi công lớp vỏ hầm Phượng Hoàng trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, vật liệu

Đánh giá thời gian từ nay đến thời điểm thông tuyến (cuối năm 2025) không còn nhiều, lãnh đạo doanh nghiệp dự án Hữu Nghị - Chi Lăng cho biết, hiện mặt bằng tại tỉnh Lạng Sơn dù đạt gần 80% diện tích cần thu hồi, song một số khu vực vẫn gặp vướng mắc do chồng lấn diện tích đã chi trả từ năm 2018 với phần bổ sung mới.

Ngoài ra, nhiều vị trí có cây lâu năm trồng trên đất rừng sản xuất gây khó khăn cho công tác bồi thường do chênh lệch đơn giá (cao hơn khoảng 15 - 20 lần).

Điều đó đòi hỏi chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nhận bồi thường theo quyết định tạm tính, sớm hoàn tất phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong quý I/2025.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến sẽ thông tuyến vào cuối năm 2026.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến sẽ thông tuyến vào cuối năm 2026.

Tương tự, tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, trên tổng chiều dài mặt bằng nhận được khoảng hơn 84km với nhiều vị trí còn "xôi đỗ", doanh nghiệp dự án cũng kiến nghị địa phương bàn giao mặt bằng sạch trong quý I; đẩy nhanh các thủ tục bổ sung mỏ vật liệu, bãi đổ thải. Đây là các điều kiện tiên quyết để thông tuyến trong năm 2025.

Năm 2025 phải hoàn thành mục tiêu có ít nhất 3.000 km cao tốc

Tại phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, Thủ tướng khẳng định, năm 2025 phải hoàn thành mục tiêu cả nước có ít nhất 3.000 km cao tốc và 1.000km đường ven biển, cơ bản thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng qua Lạng Sơn tới Cà Mau.

Cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, cảng Lạch Huyện… Một số dự án giao thông dự kiến hoàn thành năm 2027 nhưng có thể nỗ lực hoàn thành sớm hơn nếu có thời cơ, điều kiện thuận lợi.

Thủ tướng chỉ đạo, năm 2025 phải hoàn thành mục tiêu cả nước có ít nhất 3.000 km cao tốc và 1.000km đường ven biển, cơ bản thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng qua Lạng Sơn tới Cà Mau.

Thủ tướng chỉ đạo, năm 2025 phải hoàn thành mục tiêu cả nước có ít nhất 3.000 km cao tốc và 1.000km đường ven biển, cơ bản thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng qua Lạng Sơn tới Cà Mau.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn tất việc phân bổ toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025, hoàn thành trước 15/3/2025. Trường hợp không phân bổ đúng hạn, Chính phủ sẽ thu hồi số vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ để bố trí cho các dự án khác cần vốn đẩy nhanh tiến độ và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm; phấn đấu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên năm 2025 so với dự toán năm để tập trung cho dự an đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc thúc đẩy, hoàn thành các dự án giao thông chiến lược cũng có ý nghĩa lớn trong chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, các ngày lễ lớn, kỷ niệm trọng đại trong năm 2025.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án; báo cáo các khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục giải quyết, nhất là nguyên vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL; công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; thủ tục, tình hình thi công các dự án.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tien-do-2-du-an-ppp-cao-toc-o-dong-bac-va-tay-nguyen-hien-ra-sao-post1188893.vov